Khởi động phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Hong Kong sau 17 tháng bị tạm dừng, cổ phiếu Evergrande giảm tới 87% khi công bố tiếp tục
Với lý do chậm chễ công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu Evergrande, hãng bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc đã bị ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong từ tháng 3/2022. Gần đây, hãng nộp đơn xin giao dịch trở lại vì đã cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và cập nhật các quy trình nhằm tuân thủ quy định niêm yết của sàn Hong Kong.
Theo DW, công ty này đang trải qua quá trình tái cấu trúc nợ, dự kiến kéo dài. Hôm 27/8, họ công bố lỗ ròng 39,3 tỷ Nhân dân tệ (5,4 tỷ USD) nửa đầu năm. Công ty hiện có tổng tài sản 1.740 tỷ Nhân dân tệ. Trong đó có 13,4 tỷ Nhân dân tệ tiền và các khoản tương đương tiền. Trước đó, hãng này cho biết lỗ 582 tỷ Nhân dân tệ (80 tỷ USD) trong năm 2021 và 2022.
Ngày 28/8, Evergrande sẽ có cuộc họp với các chủ nợ. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm sẽ giúp các chủ nợ trái phiếu nước ngoài có thêm góc nhìn toàn diện khi đánh giá kế hoạch tái cấu trúc của công ty.
Hồi tháng 4, hãng địa ốc Trung Quốc cho biết 77% nhà đầu tư nắm trái phiếu hạng A đã thông qua kế hoạch này. Trong khi đó, chỉ 30% trái chủ hạng C đồng ý. Công ty này cần ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm đồng ý, để thực hiện một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất tại Trung Quốc tính đến nay.
Khoản lỗ trên cũng cho thấy sự chật vật của Evergrande trong cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Lĩnh vực địa ốc lao đao đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trì trệ hai năm qua.
Evergrande, cũng như các hãng bất động sản Trung Quốc khác, rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.
Evergrande thiệt hại nặng nhất, do lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành. Tổng nợ của hãng này cuối tháng 6 vào khoảng 2.400 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD). Con số này tương đương 2% GDP Trung Quốc.
Sau Evergrande, nhiều đại gia bất động sản khác tại Trung Quốc, như Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng vỡ nợ. Mới đây nhất, hãng bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc – Country Garden – cảnh báo “đang cân nhắc nhiều phương án xử lý nợ khác nhau”.
Lê Na (Theo DW)