Phiên tăng hết biên độ ngày 11/6 đã đưa thị giá cổ phiếu SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) lên 34.000 đồng, xác lập vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 8/2019 đến nay.
Cổ phiếu Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) chốt phiên 11/6 với mức tăng 15% so với tham chiếu do đang giao dịch trên thị trường UPCoM, qua đó nối dài mạch tăng 3 phiên liên tiếp. Cổ phiếu này tích luỹ 4.400 đồng so với tham chiếu, lên 34.00 đồng để xác lập vùng giá cao nhất trong hơn 4 năm 9 tháng, tức kể từ phiên 29/8/2019. Đây là phiên tăng trần hiếm hoi của SAS từ khi giao dịch trên sàn chứng khoán, bởi trước đó biên độ dao động giá của mã này thường không quá 3%.
Tính từ đầu năm đến nay, thị giá SAS đã tăng gần 35%, từ vùng giá 25.000 đồng lên như hiện tại. Với hơn 133,4 triệu cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường UPCoM, vốn hoá thị trường của Sasco hiện đạt 4.537 tỷ đồng.
Song song với biến động mạnh về thị giá, thanh khoản của Sasco cũng cải thiện đáng kể trong những phiên gần đây. Trước đây, cổ phiếu này chỉ khớp lệnh vài trăm đến 5.000 đơn vị, nhưng ngày 11/6 ghi nhận đến 11.345 cổ phiếu được sang tay thành công, tương ứng giá trị giao dịch 3,6 tỷ đồng.
Đồ thị giá và thanh khoản cổ phiếu SAS từ 9/2019 đến nay. |
Đà tăng của Sasco đồng thuận với diễn biến của nhiều mã khác trong nhóm doanh nghiệp phi hàng không. Điển hình như ACV cũng đang trên đà tăng mạnh lên 121.200 đồng, tích luỹ gần gấp đôi so với vùng giá đầu năm. Tương tự, AST hôm 11/6 cũng chạm trần và rơi vào trạng thái không có bên bán, đóng cửa tại 64.00 đồng.
Sự hưng phấn về thị giá cổ phiếu Sasco, doanh nghiệp do gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm phần lớn vốn, bắt nguồn từ những kỳ vọng tăng trưởng khi sân bay Long Thành đưa vào hoạt động.
Tại phiên họp thường niên ngày 10/4, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sasco – dự báo nền kinh tế năm nay sẽ phục hồi tốt hơn nhưng ngành hàng không còn đương đầu với nhiều thách thức lớn về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các nền kinh tế quốc tế trọng điểm.
Trong bối cảnh đó, công ty sẽ chú trọng vào sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới và tăng cường phát triển các hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tận dụng cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định, Long Thành sẽ thay thế vai trò của Sân bay Tân Sơn Nhất và tương lai của Sasco ở đó.
Năm nay, Sasco đặt mục tiêu doanh thu 2.903 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.788 tỷ đồng, tăng 8% so với 2023 và lãi trước thuế tăng 3%, lên 343 tỷ đồng. Kế hoạch này được công ty xây dựng dựa trên dự báo ngành hàng không vẫn đương đầu nhiều thách thức về tỷ giá, giá nhiên liệu, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm.
Trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo cho biết tăng trưởng đến từ việc hoạt động kinh doanh của công ty đã được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nỗi lẫn quốc tế đều tăng.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phieu-cua-sasco-tro-lai-vung-gia-truoc-covid-19-d217443.html