Áp lực bán mạnh vào cuối phiên khiến VN-Index chỉ có được mức tăng điểm nhẹ. Khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng đã kéo dài 8 phiên, nhưng lượng bán ra đã giảm đáng kể.
Cổ phiếu FPT đóng góp tích cực nhất cho mức tăng chung của VN-Index |
Đà tăng của VN-Index tạm thời bị chặn lại bởi ngưỡng tranh chấp 1.285-1.292 điểm. Thanh khoản tích cực chưa thể giúp thị trường vượt cản mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Sự hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì khi lực cầu dâng cao ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 4/6.
Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tăng giá tốt và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, khi VN-Index tiến gần đến với mốc 1.300 điểm nên áp lực chốt lời cũng xuất hiện và từ đó khiến thị trường có những nhịp rung lắc, đặc biệt vào thời điểm gần cuối phiên, lực bán rất mạnh khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm trong khi HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ.
Điểm tích cực ở phiên hôm nay là việc VN-Index dù có những thời điểm xuất hiện nhịp rung lắc nhưng vẫn giao dịch ở trên mốc tham chiếu xuyên suốt phiên.
Nhóm cổ phiếu ngành thép gây chú ý khi là nhóm dẫn dắt thị trường ngay từ đầu phiên. Trong đó, HSG có thời điểm tăng đến gần 6%, NKG cao nhất tăng 2,7%, HPG cao nhất cũng tăng 2,76%. Chính việc nhóm thép bứt phá đã giúp dòng tiền mạnh dạn hơn chảy vào thị trường, các chỉ số vì vậy cũng nới rộng sắc xanh. Tuy nhiên, sự luân chuyển dòng tiền vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, dòng thép ngay sau đó có sự chững lại thì dòng tiền lại chảy vào nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán hay điện. Việc dòng tiền luân chuyển liên tục góp phần giữ được nhịp của thị trường chung và giúp phần nào hấp thụ lực cung mạnh mỗi khi xuất hiện.
Dù vậy, áp lực quá mạnh ở cuối phiên đã khiến nhiều nhóm ngành cổ phiếu không còn giữ được sự tích cực như trước. HPG chốt phiên chỉ còn tăng 1%, HSG tăng 3,6%, NKG tăng 2,6%… Nhóm chứng khoán chứng khiến một số cổ phiếu bị bán về mốc tham chiếu, thậm chí chốt phiên trong sắc đỏ như VND, SHS, HCM, VDS…
Nhóm cổ phiếu giữ được sự tích cực nhất phiên hôm nay là công nghệ, trong đó, FOX tăng đến 14,7%, CMG tăng hơn 5,2%, FPT cũng tăng tốt với 1,6%. Mới đây, FPT đã công bố thời điểm chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Công ty sẽ chia cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Đồng thời, FPT dự kiến sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20:3. Ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện các quyền trên là ngày 13/6.
FPT cũng là cổ phiếu có tác động tốt nhất đến VN-Index với 0,68 điểm. Bên cạnh FPT, các cổ phiếu có đóng góp tích cực cho VN-Index còn VCB, SAB, HPG hay BID. Ở chiều ngược lại, ACB có tác động tiêu cực nhất khi giảm 1,2% và lấy đi của VN-Index 0,33 điểm. VPB và BCM cũng lấy đi lần lượt 0,19 điểm và 0,18 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6, VN-Index tăng 3,52 điểm (0,28%) lên 1.283,52 điểm. Toàn sàn có 202 mã tăng, 224 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,16%) xuống 224,32 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 97 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 97 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 936 triệu cổ phiếu, trị giá 23.737 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thoả thuận chiếm 3.569 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.686 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng. HPG đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 39,7 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, POW và HSG khớp lệnh lần lượt 36 triệu đơn vị và 31,6 triệu đơn vị.
Xét về giá trị giao dịch, top 3 cổ phiếu hút dòng tiền lần lượt là HPG, FPT và HSG. Trong đó, thanh khoản cổ phiếu HPG vượt trên nghìn tỷ đồng (1.168 tỷ đồng). Không chỉ là cổ phiếu thường xuyên dẫn dắt chỉ số chung đi lên, FPT còn đang đứng đầu trong top giá trị giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất.
Top cổ phiếu do khối ngoại mua/ bán ròng mạnh nhất – Nguồn: Dstock |
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp trên HoSE với giá trị 125 tỷ đồng, trong đó, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng. VND và VHM bị bán ròng lần lượt 78 tỷ đồng và 66,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 99 tỷ đồng. HSG và NKG được mua ròng lần lượt 64 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phieu-cong-nghe-but-pha-vn-index-giu-sac-xanh-d216803.html