Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 4 nội dung lớn liên quan đến nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội.
Cổ phần hóa, thoái vốn đều chậm, vẫn còn nguyên nhân chậm phê duyệt phương án sử dụng đất
Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 4 nội dung lớn liên quan đến nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội.
Cả 19 doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa vẫn đang tiếp tục triển khai
Theo kế hoạch phê duyệt tại Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, cả nước phải thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp.
Đến hết tháng 9/2024, 19 doanh nghiệp đã được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa. Trong số này, 5 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc; 14 doanh nghiệp vẫn đang triển khai các bước chuẩn bị thực hiện.
Trong số 5 doanh nghiệp được phê duyệt sắp xếp lại, có 3 doanh nghiệp đã hoàn thành việc sáp nhập và 2 doanh nghiệp đang triển khai phương án sắp xếp lại theo hướng 1 doanh nghiệp giải thể và 1 doanh nghiệp sẽ thực hiện sáp nhập.
Đánh giá tổng quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rõ: “Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2022 đến nay còn chậm”.
Trong số các nguyên nhân, vướng mắc, hạn chế được điểm danh tại Báo cáo, đứng đầu là sự chậm trễ của các địa phương trong phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương. Việc này đã đẫn đến việc phê duyệt quyết định cổ phần hóa của doanh nghiệp chậm.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa xử lý một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp (như việc xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai…) dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành năm 2017, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, chưa cụ thể, nên ảnh hưởng đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước.
Về phía doanh nghiệp, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến công tác cổ phần hóa. Ví dụ như Công ty TNHH 1 thành viên Thiết bị giáo dục (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội), Công ty TNHH 1 thành viên Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm (Agrexport – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Một số bộ, địa phương chưa tích cực trong triển khai thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc quản lý; quá trình xây dựng và phê duyệt các quyết định liên quan đến quá trình cổ phần hóa còn kéo dài.
Thoái vốn chậm, nhiều doanh nghiệp không đạt tỷ lệ
Tình hình khá hơn đôi chút với kết quả thoái vốn.
Trong giai đoạn từ 2022 đến nay, các bộ, địa phương đang phải hoàn thành thoái vốn tại 53 doanh nghiệp. Đến hết tháng 9/2024, 21 trong số 53 doanh nghiệp đã hoàn thành thoái vốn.
Việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera đã không hoàn tất theo kế hoạch là năm 2023. |
Trong số các doanh nghiệp còn lại, 18 doanh nghiệp đã thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp. 14 doanh nghiệp đang xây dựng phương án thoái vốn hoặc đang tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, trong số các doanh nghiệp đã hoàn thành thoái vốn, vẫn còn một số doanh nghiệp không đạt tỷ lệ được phê duyệt, do không có nhà đầu tư đăng ký mua, hoặc chỉ bán được tỷ lệ thấp hơn so với yêu cầu tại Quyết định 1479/QĐ-TTg. Các trường hợp này có Công ty cổ phần Đường bộ Hải Phòng, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải Phòng, Công ty cổ phần Công nghiệp thiết bị Tiền Phong, Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Tuyên Quang, Công ty cổ phần Xây dựng Bình Phước.
Một số doanh nghiệp đang xây dựng phương án thoái vốn phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai (như trường hợp Công ty cổ phần xử lý chất thải Phú Thọ, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh, Công ty cổ phần Quản lý đường thủy Quảng Ninh, Công ty cổ phần Cầu phá Quảng Ninh).
Một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc xác định giá trị khởi điểm dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện, buộc các địa phương phải kiến nghị chuyển sang giai đoạn sau hoặc tạm dừng thoái vốn, như trường hợp của Tổng công ty Viglacera – Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu, Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành, Công ty cổ phần Đường bộ I.
Cũng phải nhấn mạnh, Quyết định 1479/QĐ-TTg đã quy định rõ lộ trình, thời gian triển khai và hoàn thành thoái vốn. Ngay khi Quyết định được ban hành, các cơ quan đại diện chủ sở hữu có cơ sở chủ động bám sát, xây dựng kế hoạch thoái vốn, đảm bảo kịp tiến độ được phê duyệt.
Hơn thế, giới đầu tư nhìn nhận, việc công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp thoái vốn tại các doanh nghiệp đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về sự quyết tâm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam.
Nhưng, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, địa phương cho thấy, tình hình thoái vốn còn rất chậm, không hoàn thành theo kế hoạch phê duyệt. Nguyên nhân được xác định cả từ phía cơ chế, chính sách và doanh nghiệp cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Báo cáo đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các quy định về thoái vốn vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế, cần được hướng dẫn cụ thể dẫn đến thời gian xây dựng và phê duyệt phương án thoái vốn bị chậm, bị điều chỉnh nhiều lần.
Một số doanh nghiệp còn tồn đọng vấn đề về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến quá trình xác định giá trị doanh nghiệp bị kéo dài, việc xác định giá trị cổ phần chào bán còn gặp nhiều vướng mắc, cũng như việc tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá có năng lực, kinh nghiệm mất nhiều thời gian.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, sự bất ổn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường gây ra tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực công ích, doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp… Hệ quả là một số trường hợp thoái vốn không thành công mặc dù các bộ, địa phương đã tích cực xây dựng và triển khai phương án thoái vốn.
Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị:
+ Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
+ Các bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
+ Các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đánh giá thận trọng để xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai đảm bảo phù hợp, khả thi, đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản của nhà nước;
Đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, dất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương để đảm bảo tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phan-hoa-thoai-von-deu-cham-van-con-nguyen-nhan-cham-phe-duyet-phuong-an-su-dung-dat-d229502.html