Nhà thơ Lữ Hồng bén duyên với thơ, như một cuộc hành trình về cội nguồn nỗi buồn tự đáy tim, những dòng thơ bật lên thành giọt nước mắt, chảy đầy nỗi nhớ. Ở phố núi Pleiku, hình như, Lữ Hồng đã chạm đến bốn mùa giao cảm. Lời thơ mỏng manh và buồn đến diệu vợi, đọc cuốn mãi, khó rời xa.
Tập thơ Ô cửa vẫn sáng đèn của nhà thơ Lữ Hồng vừa được ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2024, là những dòng tâm sự nhẹ tựa hồ hơi thở, như sương giăng kín mặt hồ, lay động lòng người. Ở đó, có sự chiêm nghiệm, lòng biết ơn cuộc đời và sự dấn thân.
Đọc một cách thật chậm để có thể nhận ra mạch chảy trong veo như suối nguồn, sự thứ tha, lòng trắc ẩn và nỗi đau cất lên sau đêm dài… Có một sự chấp nhận buông bỏ hết mọi muộn phiền để tác giả tìm lại cho mình, đưa mình trôi qua nhẹ để đón nhận những vẻ đẹp dịu dàng của cuộc đời đang ban tặng. Nơi bốn mùa trôi qua, như cuộc đời một người, có bao nhiêu đổi thay tiếp nối, khi mà lòng người không thể làm gì thay đổi được: “Trên miền cao này/hơi ấm của đêm mỏng tanh như thần thoại/còn lạnh giá mênh mông/bây giờ ta còn ta/như một căn nhà không cần treo số" (Đêm).
Nghe có tiếng thở dài từ đêm, mường tượng một dáng hình bé nhỏ ngồi bên song cửa, ngoài kia đêm trôi nhẹ bẫng cùng vài tiếng gió nhẹ lả lơi. Mọi thứ ào qua xúc cảm, nhà thơ đứng lặng để ôm trọn vào mình chiếc bóng chính mình: “Hơn ba mươi năm tôi chẳng dám khổ đau/cứ cười như chim rừng đã ăn vừa quả ngọt/lẻ bóng thị thành/nửa đời lối nhỏ/tháng ngày im lắng sương rêu” (Tự khúc).
Bìa tập thơ Ô cửa vẫn sáng đèn của nhà thơ Lữ Hồng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Những bài thơ khiến người đọc dừng lại như: Em sẽ tiễn anh, Cổ tháp, Nếu…, Mẹ và tháng ba, Những giọt đắng cuối ngày…
Có nhiều dấu hỏi tác giả tự vấn trước thời gian rồi đưa người đọc trở về với tình yêu, tuổi trẻ và niềm hồn nhiên như nắng gió cao nguyên, bạc màu nỗi nhớ: “Người về chưa, đá sẽ bạc đầu/Trong nỗi nhớ giữa cánh rừng tuổi trẻ/Tím chiều ấy, tím nhành trâm sẻ/Ta vọng tìm nơi đáy mắt cao nguyên” (Đá núi); rồi “Giấc mơ phong trần hẹn đêm qua/trong ô cửa sáng đèn lơ đễnh/người viết một dòng đứt đoạn…/Tháng Giêng rơi từng mảnh mai vàng” (Những giọt đắng nối ngày).
Gót ngọc thời gian trôi qua và nhà thơ chừng như vừa bỏ lỡ phút giao mùa hạnh ngộ trên môi, trong giấc ngủ mộng du với chơi vơi nỗi nhớ. Hình như nhà thơ khóc và rót cho mình một ly cô đơn, tự nỗi cô đơn đó đâm chồi xanh để ru mình vào ánh trăng tháng Giêng, vời vợi núi rừng với bóng thời gian chất đầy lời nhắn gọi. Tôi đọc lại những câu thơ đầy ám ảnh này của Lữ Hồng, tim thắt lại, đau như chính mình vừa đi qua bốn mùa không nương náu: “Không ai rót mời ta một ly rượu trắng trong/Để đốt cho dữ dội hóa lành yên, cho đắng cay thành dịu ngọt/Thôi thì viết một câu thơ làm chứng/Rằng ta đã tự mềm môi” (Một mùa xuân nữa lại rời đi nhân lúc ta nằm ngủ).
Tập thơ Ô cửa vẫn sáng đèn gói gọn 50 bài thơ, hầu hết là những sáng tác mới nhất của Lữ Hồng, đã góp thêm một mạch nguồn cho dòng thơ đương đại. Người trẻ này, với một sự chiêm nghiệm rất sâu, so với tuổi đời, để có thể viết và thủy chung với con đường đã chọn, đủ để bản thân đủ sức bền mà gắn chặt với thơ - con đường văn chương không hề đơn giản để có thể “định danh”. Tập thơ này, đủ để người yêu thơ đọc và tự mình cảm nhận giá trị và niềm chân thành người viết nhắn gửi.
Giữa rất nhiều những tác giả thơ trẻ hôm nay, Lữ Hồng là cái tên, biết cách chọn góc riêng để sáng tác. Không ồn ào mà thành từng đợt sóng lòng để neo lại chốn chữ nghĩa mệt nhoài.
Hỏi em về những lúc đối diện cùng trang viết, lòng người còn chông chênh không? Nhà thơ Lữ Hồng trả lời tôi, như cách mở lời cho chiều dài chông gai của con đường văn chương, chữ nghĩa: “Những ngày Pleiku như có mùa đông ghé qua. Em luôn sợ mình đánh mất hoặc bỏ quên điều gì đó”.
Với nhà thơ trẻ Lữ Hồng, tôi tin thơ và đời, vẫn là hai con đường có thể kết nối tâm hồn mỗi người dù có cách nhau rất xa về địa lý. Đó là giá trị cuối cùng của văn chương. Nơi đó Ô cửa vẫn sáng đèn để nơi nhà thơ chọn trở về nương náu sau mỗi ngày làm việc và tiếp thêm năng lượng để thủy chung với con đường sáng tác.
Ngày khai sáng với văn chương, con đường có nắng gió trên miền đất đỏ bazan mà mỗi ngày Lữ Hồng đến với học trò, vẫn chan đầy màu vàng của hoa Dã quỳ, tôi tin rồi nỗi buồn trong thơ em sẽ nhẹ hơn, và được lấp đầy bằng lòng bao dung đủ đầy.
* Về tập thơ Ô cửa vẫn sáng đèn của nhà thơ Lữ Hồng.
Lữ Hồng, tên thật là Nguyễn Lữ Thu Hồng sinh năm 1992 tại Pleiku. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường đại học Quy Nhơn năm 2013. Hiện đang công tác giảng dạy tại Trường THCS Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai; Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai, là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 tại Đà Nẵng. Tác phẩm đã xuất bản: Một mai thức dậy (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017); Đợi sương mù giữa phố (tản văn, NXB Quân đội nhân dân, 2020); Ô cửa vẫn sáng đèn ( Thơ, NXB Hội Nhà văn 2024).
Nguồn: https://baodaknong.vn/co-noi-buon-nhu-nang-rot-qua-vai-243572.html
Bình luận (0)