Nắng nóng nên tôi thường xuyên uống nước đá hoặc nước ướp lạnh. Uống nước đá lạnh mỗi ngày có hại đến sức khỏe không? (Trần Tú, 36 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Uống nước lạnh giúp giải tỏa cơn khát nhanh chóng, giảm nhiệt cơ thể từ bên trong, qua đó giúp chúng ta cảm thấy mát hơn. Một số nghiên cứu cho thấy nước đá lạnh giúp cải thiện hiệu suất tập thể dục. Nhiệt độ tối ưu để bù nước sau khi tập thể dục là 16 độ C, tương đương nhiệt độ của nước mát.
Tuy nhiên nước đá lạnh có thể gây hại sức khỏe nếu sử dụng quá thường xuyên. Khi uống, nhiệt độ vùng họng giảm, là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh đường hô hấp phát triển. Đặc biệt, những người đang có sẵn bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm thanh quản, viêm phế quản… uống nước đá lạnh gây tổn thương niêm mạc họng, càng làm trầm trọng triệu chứng của bệnh. Nghiên cứu cho thấy uống nước lạnh khiến chất nhầy trong mũi dày hơn. Người đang bị cảm cúm, cảm lạnh uống nước lạnh có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nặng hơn.
Nước đá lạnh không sạch cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp. Vi khuẩn, siêu vi có trong nước đá dễ dàng sinh sôi, phát triển ở vùng họng, tăng nguy cơ nhiễm trùng họng. Uống nước không đảm bảo vệ sinh còn dẫn đến những tác hại đến hệ tiêu hóa.
Để hài hòa giữa việc giải khát và lợi ích sức khỏe trong những ngày nắng nóng, nên uống nước mát thay vì nước lạnh buốt. Nếu muốn sử dụng đá, cần làm đá từ nước đã đun sôi hoặc lọc sạch, nếu mua đá bên ngoài cần chọn nơi uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh. Mỗi người chỉ nên uống nước đá lạnh ở một số thời điểm như tập thể dục hoặc vận động mạnh để cải thiện hiệu suất hoạt động, bù nước tốt hơn, không nên uống thường xuyên. Những người có bệnh đường hô hấp nên ưu tiên uống nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước ấm để tránh tổn thương cổ họng.
Lượng nước bổ sung cũng rất quan trọng trong những ngày nắng nóng, để điều hòa nhiệt độ cơ thể và bù lại lượng nước mất đi do đổ mồ hôi, ngồi điều hòa. Viện Hàn Lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Mỹ khuyến cáo phụ nữ cần tiêu thụ khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày, nam giới khoảng 3,7 lít nước. Lượng nước này đến từ cả thực phẩm và đồ uống. Khi uống nước, nên chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống những ngụm nhỏ thay vì uống nhiều một lúc.
Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội