Tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
ĐỂ TRÁNH BIẾN TƯỚNG
Bà Trịnh Thanh Thủy, cựu giáo viên (GV) Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Bright Horizons, cho rằng việc học thêm luôn là một nhu cầu thiết yếu của xã hội. Xu hướng dạy thêm học thêm (DTHT) cho thấy nhu cầu của xã hội đã lớn hơn những gì trường phổ thông cung cấp cho học sinh (HS). Ở những khu vực trung tâm như các thành phố, thị trấn, thị xã hay khu vực có nhu cầu giao lưu quốc tế thì nhu cầu học thêm càng lớn.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng hiện nay việc DTHT đang có một vấn đề là nhiều thầy cô giáo không dạy tốt trên lớp để dành dạy thêm ở ngoài, bắt HS phải học thêm mình thì mới có điểm cao khi làm các bài kiểm tra trên lớp. Điều này gây ra sự bức xúc đối với phụ huynh và làm giảm chất lượng dạy trong trường học, làm mất đi ý nghĩa chính đáng của việc DTHT.
Trước thực trạng đó, bà Thủy cho rằng: “Đưa việc dạy thêm là một ngành kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn hợp lý. Nó là một ngành kinh doanh bởi vì các trung tâm DTHT cần phải được điều hành bởi các doanh nghiệp có sự quản lý của nhà nước và chịu sự chi phối của tất cả điều luật và văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và giáo dục nhưng phải có điều kiện bởi vì đây là một lĩnh vực đặc thù không phải ai cũng tham gia được. Người tham gia lĩnh vực này phải có kiến thức về giáo dục và phải đảm bảo các điều kiện về bằng cấp, những tiêu chí về mặt đạo đức và triết lý giáo dục. Có điều kiện để hạn chế những người lợi dụng vị trí của mình trong trường học đưa HS ra để dạy thêm”.
Thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hệ thống giáo dục FPT) cũng cho rằng DTHT như một nhu cầu và nó vận hành giống như “luật cung cầu của xã hội”. Tuy nhiên việc DTHT trước nay thiếu sự đồng bộ, lỏng lẻo về mặt quản lý, và biến tướng rất nhiều, gây bức xúc cho xã hội. Nếu dạy thêm đã là một dịch vụ giá trị gia tăng thì chúng ta sẽ phải có quy định liên quan đến nó và hành lang pháp lý, pháp luật liên quan và nó phải trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết rất mong chờ có hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động DTHT ngoài nhà trường, bởi lẽ hiện nay Thông tư 17 có quy định hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về việc GV của mình dạy thêm ngoài nhà trường. “Quy định thì nghe có vẻ chặt chẽ nhưng thực chất là không khả thi. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở GV của mình không làm trái các quy định về dạy thêm nhưng các hoạt động diễn ra ngoài nhà trường chúng tôi không thể kiểm soát được nên yêu cầu hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm là điều rất bất hợp lý”, vị này nói.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ủng hộ việc coi dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và lý giải: “Chẳng hạn, mức thu học phí cần phải quy định nằm trong ngưỡng quy định trần – sàn, GV được dạy những nội dung gì, điều kiện giảng dạy ra sao… tất cả đều phải có quy định cụ thể. Lớp học phải đạt tất cả những điều kiện ấy”.
CẦN GIẢI PHÁP GỐC RỄ QUẢN LÝ HỌC THÊM
Theo chị Ng.H (ngụ Q.8, TP.HCM), có hai con đang học ở bậc THCS, nhu cầu cho con học thêm là có rất nhiều trong thực tế, cả về phía HS và phụ huynh GV. “Tuy nhiên cần phải có hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ DTHT, để làm sao thầy cô giáo không đổ xô dạy thêm bên ngoài mà lơ là việc dạy chính khóa, đảm bảo không có chuyện đi học thêm thì biết trước đề kiểm tra hay không được phép ép HS học thêm…”, phụ huynh này lên tiếng.
PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng không phải HS hiện nay chỉ học thêm các môn toán, văn, vật lý, hóa học… Các em học rất nhiều kiến thức khác, có thể là kỹ năng mềm, có thể là kiến thức về công nghệ thông tin, có thể là ngoại ngữ… và rõ ràng đây là nhu cầu chính đáng nên thị trường dạy thêm là có thật, vì có cầu thì ắt có cung. “Nếu thị trường cung – cầu học thêm gắn liền nhu cầu về việc thực học của HS, không phải vì tiêu cực chạy đua thành tích, điểm số thì điều này không có vấn đề gì. Để thay đổi được gốc rễ vấn đề DTHT, hạn chế tiêu cực thì cần một chiến lược vĩ mô cải tổ cả một nền giáo dục”, PGS-TS Nguyễn Đình Quân cho hay.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho biết cần làm rõ khái niệm DTHT. Dạy và học thêm các môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh… thì rõ ràng rồi, nhưng dạy và học các môn như robot, toán tư duy, đàn, mỹ thuật, thể thao văn hóa… thì có gọi là DTHT hay không? Và khi Bộ GD-ĐT đề xuất dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện thì việc mở trung tâm dạy các môn kia (robot, toán tư duy, đàn…) có cần cũng phải là kinh doanh có điều kiện hay không?
Theo chuyên gia giáo dục trên, học thêm bây giờ là một nhu cầu. Như vậy, cái cần ở đây là một quy định rõ ràng, một hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả, giám sát và ngăn chặn các vụ việc tiêu cực như “ép” HS đi học thêm.
“Trong thực tế có người đi dạy thêm thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng không đóng thuế đồng nào. Còn bình thường, người lao động khác phải chịu quy định thuế rất chặt chẽ. Vậy thì cũng cần những quy định để quản lý chặt chẽ, tạo công bằng cho giáo dục”, chuyên gia này nói.
DẠY HỌC HOÀN TOÀN KHÁC VỚI NGÀNH NGHỀ KINH DOANH KHÁC
Trong khi đó, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, ông Khang không đồng tình với việc đưa dạy thêm vào một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi lẽ: “Cho dù dạy thêm tràn lan là một điều nhức nhối, nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội… như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay. Vì thế, không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong luật Đầu tư”.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện là một vấn đề cần phải được nhìn nhận và nghiên cứu thấu đáo, chứ không phải để cho dễ quản lý. Bởi nghề dạy học hoàn toàn khác với những ngành nghề kinh doanh khác, nếu bây giờ đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để cấp phép thì việc thẩm định cấp phép ấy sẽ như thế nào, đặc biệt là thẩm định giáo viên, rất khó…
Quản lý dạy thêm ngoài nhà trường đang gặp khó
Quyết định số 2499 ban hành ngày 26.8.2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17 ban hành ngày 16.5.2012 quy định DTHT. Theo đó, một loạt quy định quan trọng trong quản lý DTHT đã hết hiệu lực thi hành, gồm: về tổ chức DTHT ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động DTHT; cơ sở vật chất phục vụ DTHT; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; hồ sơ cấp giấy phép; trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; đình chỉ hoạt động DTHT. Lý do Bộ GD-ĐT công bố hết hiệu lực các quy định về DTHT là vì căn cứ pháp lý của quy định này tại khoản 3 điều 74 luật Đầu tư đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Cụ thể, năm 2016 Quốc hội thông qua luật sửa đổi bổ sung luật Đầu tư, trong đó bổ sung danh mục các ngành nghề có điều kiện, nên DTHT không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Hoặc theo luật Ban hành những quy phạm pháp luật thì Bộ GD-ĐT không được ban hành những quy định về thủ tục hành chính. Do đó, điều chỉnh Thông tư 17 là nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành. Do chưa có quy định khác thay thế nên việc cấp phép và quản lý DTHT ngoài nhà trường ở tất cả địa phương những năm qua rất lúng túng, khó khăn.