“Giá rẻ” là từ khóa chưa bao giờ hết “hot”, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang ảm đạm và tiềm ẩn nhiều bất ổn. Với du lịch cũng vậy, giá tour, chi phí dịch vụ tại điểm đến luôn là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới quyết định đi du lịch của du khách.
Trang Wonderlist từng đưa Việt Nam vào tốp 10 điểm du lịch hấp dẫn có chi phí rẻ nhất năm 2020. Chuyên trang du lịch The Travel cũng từng đề xuất Việt Nam là một trong năm điểm đến có mức giá phải chăng nhất năm 2022. Và mới đây, Việt Nam lại tiếp tục được tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler liệt kê trong danh sách 21 điểm đến rẻ nhất năm 2024.
Không thể phủ nhận, việc được “chỉ mặt gọi tên” này ít nhiều giúp Việt Nam xác lập lợi thế cạnh tranh về giá so với nhiều điểm đến trên thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu vin vào lợi thế này để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch giá rẻ thì sẽ như dao hai lưỡi.
Bởi khi duy trì hình ảnh là điểm đến giá rẻ, du lịch Việt Nam không những đánh mất cơ hội tiếp cận dòng khách hạng sang có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, mà còn gây nguy cơ phát triển nền công nghiệp du lịch kiểu đại trà với những áp lực xấu đến môi trường, cơ sở hạ tầng, tài nguyên văn hóa…, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành kinh tế xanh nước nhà. Đây là điều đi ngược lại xu hướng phát triển du lịch của thế giới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, chúng ta không phản đối du lịch giá rẻ nhưng cũng không nên khuyến khích phát triển du lịch giá rẻ. Đối tượng khách mà du lịch Việt Nam cần thu hút mạnh mẽ là khách có mức chi tiêu cao.
Tất nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn cần hài hòa vì có khách có khả năng chi trả ít, có khách có khả năng chi trả nhiều. Điều quan trọng là phải có được những sản phẩm với mức giá hợp lý, tương xứng chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu và kích thích được mức tiêu của du khách…, hướng tới tăng trưởng du lịch về chất lượng thay vì số lượng.
Báo cáo Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, cùng với các chỉ số nằm trong nhóm Động lực kích cầu du lịch được đánh giá cao gồm Tài nguyên thiên nhiên (xếp hạng 24), Tài nguyên văn hóa (xếp hạng 25), thì Giá cả cạnh tranh chính là chỉ số được xếp hạng tốt nhất của Việt Nam (hạng 15).
Trong khi đó, những yếu tố như hạ tầng dịch vụ du lịch, sự bền vững với môi trường, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch và lữ hành chỉ được đánh giá ở mức thấp của thế giới. Điều này phần nào cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn đang chủ yếu cạnh tranh bằng giá và tiềm năng đầu vào trong phát triển du lịch.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chừng nào ngành du lịch của chúng ta còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với giá trị gia tăng không lớn, thì chừng đó chúng ta không thể tạo ra bước phát triển bứt phá cho du lịch, và ngành du lịch của chúng ta suy cho cùng cũng chỉ là ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa… Tôi nghĩ phát triển du lịch thời gian tới cần phải tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” này”. Ai từng đi du lịch Thái Lan hẳn sẽ thấy chi phí các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực… ở “xứ sở Chùa Vàng” không chênh lệch quá nhiều so với Việt Nam, nhưng trong cùng khoảng thời gian lưu trú, mức chi tiêu trung bình của du khách tại Thái Lan đạt những 2.400-2.500 USD/ngày, cao gấp đôi so với mức chi trung bình của du khách tại Việt Nam (1.200 USD/ngày, theo thống kê năm 2019). Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do khách đến Thái Lan có vô vàn trải nghiệm để buộc phải tiêu tiền, gần như không có thời gian trống trong lịch trình, trong khi đến Việt Nam, sau khi kết thúc hành trình tham quan trong ngày, du khách không biết đi đâu để tiêu tiền. Chính sự nghèo nàn của những sản phẩm, dịch vụ đã khiến Việt Nam hạn chế khả năng đón dòng khách có mức chi trả cao.
Những năm gần đây, nỗ lực thay đổi hình ảnh về một điểm đến giá rẻ, Việt Nam ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú du lịch, trung tâm giải trí, mua sắm… được chuẩn hóa hướng đến phục vụ phân khúc khách cao cấp.
Không ít công trình nghỉ dưỡng hiện đại do các nhà đầu tư chiến lược xây dựng đã được vinh danh là những khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Ememerald Bay… Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tổ hợp giải trí quy mô lớn như: Sun World Bà Nà Hills Đà Nẵng; Công Viên Châu Á Đà Nẵng; VinWonders Nam Hội An; Grand World Phú Quốc…
Những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Sa Pa, Hội An, Ninh Bình… ngày càng chứng minh vị thế là những “thiên đường du lịch” hút khách quốc tế.
Có thể thấy, với tốc độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng du lịch nhanh, mạnh, cộng sự đa dạng, độc đáo về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, Việt Nam có đầy đủ thế mạnh để có thể trở thành điểm đến sang trọng của dòng khách cao cấp.
Vừa qua, một tỷ phú Ấn Độ quyết định bao trọn khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất ở Phú Quốc để tổ chức “siêu” đám cưới xa hoa kéo dài tới 7 ngày với sự tham dự của hàng trăm vị khách thuộc giới thượng lưu; hay việc tỷ phú Bill Gates vừa chọn Đà Nẵng cho hành trình du lịch của mình cùng bạn gái… là những minh chứng cho thấy Việt Nam không hề thiếu sức hấp dẫn với du khách hạng sang.
Họ không tìm kiếm một chuyến đi mà chủ yếu tìm kiếm những trải nghiệm để lại nhiều cảm xúc. Vì thế, theo các chuyên gia, để nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hút khách cao cấp, điều quan trọng là cần cung ứng được những chuỗi dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao đủ làm thỏa mãn nhu cầu du khách.
Du lịch Việt Nam có thể tham khảo cách làm của một số nước, xây dựng giá tour không quá cao, nhưng khéo léo lồng gắn những dịch vụ cao cấp đi kèm như chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mua sắm, giải trí… thành chuỗi những trải nghiệm tạo cảm xúc để du khách không ngại “dốc hầu bao” trong sự vui vẻ và tự nguyện.
Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp để tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để lan tỏa hình ảnh về một điểm đến Việt Nam xanh, sạch, đẹp và đẳng cấp.