Những năm gần đây nở rộ xu hướng cho con học lớp tiền tiểu học (lớp học 36 buổi dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1), bởi các bậc cha mẹ mong muốn chuẩn bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho con khi bước vào môi trường giáo dục bậc tiểu học. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tích cực, việc cho trẻ học lớp 36 buổi cũng có những vấn đề còn băn khoăn, lo ngại…
Hãy để trẻ bước vào lớp 1 với sự hứng thú khám phá kiến thức và những điều mới lạ, hấp dẫn. (Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường trong giờ học). Ảnh: Trà Hương
Có con trai sinh năm 2017 sẽ học lớp 1 năm học 2023-2024, do đó, hơn 1 tháng nay, vợ chồng anh Tạ Phương Hoàng ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên sốt sắng tìm địa chỉ để đăng ký cho con theo học lớp 36 buổi.
Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi nghĩ môi trường bậc tiểu học khác hoàn toàn bậc mầm non. Trong khi đó, vợ chồng tôi bận rộn với công việc và chăm con nhỏ, nên không có thời gian kèm cặp, hướng dẫn con. Vì lo lắng con sẽ không đáp ứng kịp chương trình và tụt lùi so với các bạn, nên tôi đăng ký cho con học lớp 36 buổi để chuẩn bị kiến thức nền cơ bản và chuẩn bị cả về mặt tâm lý giúp con tự tin bước vào lớp 1. Bên cạnh đó, lớp 36 buổi còn giúp tôi trông giữ, chăm sóc con trong dịp nghỉ hè”.
Do bận làm việc tại công ty, nên chị Tạ Thị Thủy ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc không có thời gian kèm con học; hơn nữa, chị sợ bản thân không có phương pháp mà tự dạy con học dẫn đến tình trạng con viết, phát âm không đúng quy chuẩn. Vì vậy, 4 tháng qua, chị đã gửi con gái đến lớp tư thục dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Con chị Thủy học vào các buổi thứ Bảy, Chủ nhật, được cô giáo cho làm quen trước với chữ cái, ghép vần, số đếm, các phép tính đơn giản.
Thực tế, những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ huynh đưa con đi học lớp 36 buổi trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh không cho con học lớp học này. Anh Nguyễn Văn Quốc ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên cho biết: “Cả 2 con tôi khi vào lớp 1 đều không học lớp 36 buổi, bởi tôi muốn con được phát triển tự nhiên. Tuy vậy, tôi vẫn mua các quyển tập tô dành cho trẻ 5 tuổi và hướng dẫn con tô theo các nét chữ, học đếm số…”.
Nhiều phân tích cho rằng, việc chuyển từ môi trường mầm non với các hoạt động vui chơi là chủ yếu sang môi trường tiểu học là môi trường học kiến thức và kỷ luật cao hơn, đòi hỏi trẻ phải có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị đầy đủ về tâm thế, tinh thần. Cùng với đó, khi bước vào năm học chính thức, chương trình giáo dục là pháp lệnh trong khi sĩ số học sinh đông, một cô giáo không thể kèm hết được tất cả học sinh, nhiều trẻ sẽ khó khăn để theo kịp chương trình, do đó, nếu được học lớp 36 buổi sẽ giúp trẻ có nhiều thời gian học hơn để theo kịp bạn bè.
Tuy nhiên, việc học trước khi vào lớp 1 cũng có những vấn đề đáng lo ngại. Nếu giáo viên dạy trước chương trình lớp 1, khi vào học chính khóa, trẻ biết trước kiến thức sẽ có tâm lý chủ quan, không còn tập trung cao và mất đi sự hứng thú khám phá kiến thức mới trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, trẻ dễ bị áp lực vì phải đi học từ sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Qua khảo sát, nhiều giáo viên cho rằng, các khóa học trước khi trẻ vào lớp 1 giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, so sánh, cảm nhận không gian, suy luận, tưởng tượng và diễn đạt. Ngoài ra, việc đưa con tới các lớp học này là nhu cầu của phần lớn cha mẹ học sinh, vừa mong muốn con có tâm thế vào lớp 1, vừa để giải quyết bài toán giúp họ có nơi yên tâm gửi con trong dịp hè. Nhưng cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng, ở bậc mầm non đã đảm bảo các điều kiện cho trẻ vào lớp 1, nên không cần thiết phải học lớp 36 buổi…
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, làm quản lý và là người tiên phong trong đổi mới giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc, thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Ở khía cạnh tích cực, lớp 36 buổi nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản cần thiết để trẻ không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1; đồng thời, phục vụ nhu cầu của phụ huynh học sinh.
Để khóa học này có ý nghĩa, tác dụng tích cực với trẻ, phụ huynh không nên đặt yêu cầu quá cao; cần trao đổi, đề xuất với giáo viên không dạy trẻ trước chương trình, không gượng ép, nhồi nhét kiến thức mà tập trung vào việc giúp trẻ làm quen với môi trường giáo dục đòi hỏi cao hơn ở bậc tiểu học; ôn lại các kỹ năng ở mầm non như cách phát âm, đọc số, nhận diện màu sắc (thêm vị trí của đồ vật..); hướng dẫn và rèn cho trẻ kỹ năng, nền nếp cần thiết như tư thế ngồi học, cách cầm bút, sự tập trung, kích thích sự ham học, muốn khám phá của trẻ…
Nếu không đúng tinh thần đó, lớp tiền tiểu học sẽ phản tác dụng, không chỉ ảnh hưởng không tốt đến học sinh, mà còn gây khó khăn cho giáo viên khi các con chính thức bước vào lớp 1 bởi không phải 100% trẻ đều học lớp 36 buổi, nên không đảm bảo mặt bằng chung kiến thức của học sinh.
Đối với cương vị là cán bộ quản lý cần có cái nhìn bao quát, toàn diện để chỉ đạo giáo viên đảm nhiệm lớp 1 tuân thủ chương trình giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp lứa tuổi của trẻ, hướng tới sự phát triển năng lực, phẩm chất của trẻ”.
Vậy, nên hay không nên cho con học khóa tiền tiểu học? Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất, phương pháp của khóa học, định hướng đúng đắn của phụ huynh; đặc biệt, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm đến tâm lý của trẻ, nếu trẻ hứng thú với việc đi học trước khi vào lớp 1, muốn khám phá nhiều thứ mới lạ thì việc cho trẻ học lớp tiền tiểu học là sự lựa chọn tốt, hướng tới mục tiêu để trẻ được tự tin, hạnh phúc và phát triển toàn diện.
Minh Hường