Cuối tháng 3, ở Nhật là thời điểm hoa anh đào mãn khai. Hoa nhuộm trắng từ thành thị tới nông thôn, trên đường cao tốc hay len trong các con phố.
Vẻ đẹp thanh tao, mỏng manh đặc trưng của hoa anh đào không chỉ mê hoặc hàng triệu khách du lịch mà còn khiến chính những người dân sinh ra tại xứ sở loài hoa này đắm say. Cách người Nhật kỷ niệm mùa lễ hội hoa anh đào đã tạo nên văn hóa “hanami” độc đáo có một không hai trên thế giới.
10 giờ 45 phút sáng 28.3, chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) của Công ty Vietravel đưa 150 du khách Việt Nam từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đáp xuống sân bay Fukushima (Nhật Bản), bắt đầu”Cung đường kim cương” đi qua 5 tỉnh Fukushima – Tochigi – Ibaraki – Tokyo – Kawaguchi.
Điểm đến đầu tiên của cung đường hình kim cương là Edo Wonderland – nơi lưu giữ những năm tháng vàng son xa của đất nước Nhật. Con đường dẫn vào công viên tái tạo lịch sử – văn hóa – con người Nhật Bản thời kì Edo lác đác sắc hoa anh đào hồng đậm. Trên những cành nhỏ, khẳng khiu chi chít hoa bung sắc khiến nhiều du khách phải chạm tận tay mới tự tin khẳng định: “Đúng là hoa thật”.
Vào hẳn bên trong, cả ngôi làng Edo diện tích gần 1 km2 ngập trong sắc trắng tinh khôi của hoa anh đào. Không chỉ hấp dẫn khách thập phương, Edo Wonderland mùa này vẫn thu hút rất đông người Nhật Bản đến trải nghiệm, thưởng hoa. Người Nhật chưa bao giờ hết “mê” hoa anh đào.
Song, cái sự “mê” ấy, phải đến Tokyo, người ta mới cảm nhận rõ dù thời điểm chúng tôi có mặt ở kinh đô phía Đông của nước Nhật, ngày đã chuyển vào tối. Những dãy anh đào bung nở như một dải lụa ôm lấy con sông Sumida “thắp sáng” Tokyo. Đặc biệt, dưới những gốc cây anh đào có nhiều bàn ghế được kê ngay ngắn, nhìn xa tưởng như khu phố ẩm thực.
– “Không phải hàng quán đâu, người Nhật đang thưởng hoa anh đào đấy. Họ tự mang đồ đến, có thể là bàn ghế hoặc trải thảm, rồi vừa ăn uống quây quần, vừa ngẩng đầu ngắm hoa” – anh Trần Vũ, hướng dẫn viên có kinh nghiệm gần 10 năm đưa du khách đến Nhật, lý giải.
– “Họ ăn uống tự phát như vậy có bị cơ quan chức năng đến dẹp không?” – một du khách trong đoàn hỏi.
– “Không. Người Nhật mang cái gì tới là sẽ mang tất cả những thứ đó về. Họ sẽ không bao giờ xả rác hoặc làm bẩn nơi công cộng. Hơn nữa, hoạt động này là một nét văn hóa của người Nhật” – anh Vũ nói thêm.
Nét văn hóa mà anh Trần Vũ giới thiệu có tên là “Hanami”, trong tiếng Nhật có nghĩa là “ngắm hoa”. Vào mùa hoa anh đào nở rộ, người dân Nhật Bản thường tổ chức những buổi dã ngoại hoặc chỉ đơn giản là cùng gia đình, bạn bè ăn uống, tán gẫu dưới tán cây, cảm nhận những cánh hoa nhẹ nhàng lất phất bay trong gió vương ngay trên tóc.
Dọc bờ sông, trong công viên, dưới các tuyến phố… đến Nhật Bản những ngày này đều bắt gặp hình ảnh một gia đình, một nhóm bạn hay một đôi tình nhân ngồi ăn uống thảnh thơi bên gốc cây anh đào.
Văn hóa ngắm hoa, thưởng trà dưới gốc anh đào của người Nhật mang đậm tính triết lý về sự sống, về cuộc đời. Nó bắt đầu từ việc cây anh đào có tuổi thọ cao, một số giống tới hơn 100 năm. Thế nhưng “tuổi thọ” của hoa anh đào thì rất ngắn, cánh rất mỏng manh. Ngay cả trong mùa xuân, hoa chỉ nở trong khoảng 1 tháng là tàn lụi.
Vì thế với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao nhưng mong manh. Nếu không kịp thời tận hưởng, vẻ đẹp đó sẽ nhanh chóng biến mất. Giây phút ngồi dưới tán cây anh đào, người ta sẽ bỏ lại hết những lo toan, vất vả của cuộc sống thường nhật để tận hưởng niềm vui, để biết sống trọn vẹn, ý nghĩa một kiếp người….
Cũng bởi ý nghĩa như vậy nên ở các thành phố lớn, nơi nhịp sống ngày càng căng thẳng và áp lực thì lễ hội mùa xuân, văn hóa Hanami càng diễn ra nhộn nhịp. Nó giúp người Nhật cân bằng giữa áp lực cuộc sống để sau đó lại tiếp tục bước về phía trước.