Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, Michele Borba, chuyên gia nuôi dạy con và tác giả của những đầu sách nổi tiếng nước Mỹ, nhận thấy kiên trì là kỹ năng mềm hiệu quả hàng đầu trong việc giúp những đứa trẻ thành công hơn trong cuộc sống.
Tương tự, nghiên cứu của Angela Duckworth, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennysylvania (Mỹ) đã đưa ra kết luận rằng sự kiên trì là yếu tố then chốt quyết định thành công của một người nhiều hơn trí thông minh hay tài năng bẩm sinh.
Nữ giáo sư trên đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tâm lý có liên quan đến sự thành công, bao gồm cả những quan sát, phân tích từ chính cuộc đời của mình. Vào năm 2013, cô đã giành giải thưởng xuất sắc MacArthur cho những nghiên cứu của mình. Cùng năm đó, cô cũng có bài phát biểu được lan truyền mạnh mẽ trên TED Talk và ra mắt cuốn sách về sự kiên trì – yếu tố chính quyết định thành công.
Giáo sư Duckworth cho rằng những cơ hội bên ngoài, hay tài năng bẩm sinh sẵn có là một chuyện, nhưng bạn sử dụng nó như thế nào, bạn kiên trì, nỗ lực đến đâu lại là một câu chuyện khác. Đa phần những người thành công trên thế giới này không chỉ cậy nhờ vào trí thông minh bẩm sinh. Họ đi xa hơn hẳn những người khác đơn giản là vì họ đã dành nhiều thời gian và bền bỉ rèn luyện hơn những người khác.
Ví dụ dễ thấy nhất Duckworth đưa ra là ở Học viện Quân sự Hoa Kỳ, hay còn gọi là Học viện West Point – nơi đào tạo ra những công dân ưu tú, các nhà lãnh đạo xuất sắc với đầy đủ kỹ năng và phẩm chất hiếm có – đã áp dụng chương trình huấn luyện nghiêm ngặt, khắc nghiệt nhất, đòi hỏi sự khổ luyện kiên trì, bền bỉ để thúc đẩy khả năng, sự thành công của sinh viên.
Chia sẻ với Business Insider, nữ giáo sư cũng cho rằng: “Sự hấp dẫn của nhân tố ‘X’, hay yếu tố ‘thiên tài’ vẫn không ngừng được mọi người tìm kiếm, khen ngợi. Nhưng nếu chỉ suy nghĩ như thế thì bạn đang tự giới hạn bản thân mình. Có thể quá trình hơn 10 năm tập đàn piano của tôi không giúp tôi trở thành Mozart. Nhưng ít ra tôi cũng đã kiên trì để hơn tôi của 10 năm trước. Nói cách khác, thông minh bẩm sinh là quan trọng, nhưng chỉ có sự kiên trì rèn luyện mới giúp cho bản thân và khả năng bẩm sinh đi được quãng đường xa”.
Tiến sĩ tâm lý học Lisa Damour, tác giả cuốn sách Untangled, cũng đánh giá khả năng kiên trì của một đứa trẻ là một trong những yếu tố để thành công. Bạn không thể bảo vệ trẻ khỏi mọi điều tồi tệ trong cuộc sống, nhưng có thể cải thiện bằng cách dạy trẻ kiên trì.
Chuyên gia gợi ý các cách cha mẹ có thể giúp trẻ xây dựng tính kiên trì.
1. Loại bỏ các yếu tố làm trẻ nhụt chí
Có bốn yếu tố làm trẻ nhụt chí gồm:
Mệt mỏi: Bảo vệ khả năng tập trung của con bằng cách tuân thủ thói quen ngủ đúng giờ. Tắt các thiết bị một giờ trước khi đi ngủ và để ngoài phòng ngủ của trẻ.
Lo lắng: Áp lực phải thành công có thể quá sức với trẻ. Hãy bày tỏ với con rằng tình yêu của bạn không phụ thuộc vào thành tích của chúng.
Đánh giá con dựa trên thành tích: Thấm nhuần tư duy phát triển để con hiểu rằng thắng lợi không phải là cố định. Khen ngợi con vì những nỗ lực của con chứ không phải kết quả.
Đặt kỳ vọng cao hơn khả năng: Đặt kỳ vọng cao hơn một chút so với trình độ kỹ năng của con có thể tạo kích thích và nỗ lực nhưng kỳ vọng quá cao có thể gây lo lắng, trong khi kỳ vọng quá thấp có thể dẫn đến buồn chán.
2. Luôn bên cạnh nhưng không làm hộ
Một trong những lợi ích của sự kiên trì là giúp trẻ đối phó với các vấn đề khi bạn không có mặt để giúp đỡ, ví dụ lúc ở trường. Việc được trao quyền và phải tự mình tìm cách giải quyết một chuyện nào đó, trẻ sẽ học được nhiều hơn.
Tuy nhiên, để trẻ chủ động không có nghĩa phó mặc. Bạn cần giữ vai trò quan sát, hỗ trợ và động viên trẻ. Trường hợp không có mặt ngay lúc đó, bạn có thể hỏi trẻ trong bữa tối hoặc trước khi đi ngủ, khuyên con cách làm tốt hơn cho lần sau.
Mục tiêu của bạn không phải biến mình thành chiếc khiên che chắn, làm hộ hoặc sửa chữa nếu con làm sai. Chẳng hạn, trẻ một học làm salad, bạn có thể kê sẵn ghế để trẻ cao hơn, di chuyển những dụng cụ từ trên cao xuống vừa tầm với của trẻ… thay vì làm hộ luôn.
3. Trở thành hình mẫu
Hãy để trẻ thấy được bạn luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi mọi việc trở nên khó khăn. Trước khi trẻ bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ, công việc nào đó, hãy cổ vũ và động viên tinh thần bằng câu nói: “Mình sẽ kiên trì cho đến khi nào thành công mới thôi”. Luôn lấy bản thân làm gương cho con, đây chính là phương pháp giảng dạy đang được nhiều phụ huynh áp dụng.
4. Dạy con rằng sai lầm là cơ hội phát triển
Nhắc nhở con sai lầm không phải lúc nào cũng tiêu cực, mà đôi khi là cơ hội cho con có bước phát triển tốt hơn. Chấp nhận cái sai của con, rằng: “Không sao cả. Điều quan trọng là con đã cố gắng”.
Bạn cũng nên thừa nhận những sai lầm của mình. Điều này sẽ giúp con nhận ra mọi người đều mắc sai lầm và thành công sẽ xảy ra khi bạn không để thất bại định hình mình.
5. Khuyến khích sáng tạo
Theo tiến sĩ tâm lý học Carol Dweck, khi bạn dạy trẻ rằng trí thông minh có thể mở rộng và phát triển, chúng sẽ có động lực lớn hơn ở trường và cố gắng đạt kết quả tốt hơn.
Khi kiên trì giải quyết một việc, trẻ sẽ phát hiện ra những cách làm mới. Để rèn luyện óc sáng tạo của một đứa trẻ, các nhà khoa học khuyên phụ huynh có thể tổ chức vài trò chơi đơn giản, gắn liền với cuộc sống. Chẳng hạn khi đồ chơi bị hỏng, bạn hãy yêu cầu trẻ làm một cái tương tự từ lego, thùng carton…
6. Tìm ra hoạt động phù hợp
Hãy tạo điều kiện để con tìm thấy sở thích, niềm đam mê hoặc tài năng tự nhiên của bản thân. Không nên áp đặt con thực hiện theo sở thích của bố mẹ, vì điều này sẽ khiến trẻ bị chán nản, hình thành tâm lý muốn bỏ cuộc.
Nếu bé thích vẽ, hãy hỏi xem liệu con có muốn đến lớp hội họa vào cuối tuần không? Nếu con thích thể thao, đừng ngại ngần cho bé đến sân tập. Hãy cố gắng khơi gợi hứng thú của trẻ nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, bạn nên chú ý định hướng những sở thích phù hợp với độ tuổi của con.
7. Chia nhỏ nhiệm vụ
Dạy con chia các nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý hơn sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn mỗi khi hoàn thành được một việc. Nếu con choáng ngợp vì quá nhiều bài tập, bảo con liệt kê ra các bài tập vào một tờ giấy dính theo độ khó hay độ dài. Sau đó làm từng nhiệm vụ một.
8. Tạo cái nhìn thực tế
Bạn không thể dạy kiên trì nếu không để trẻ biết chúng thật sự đang sở hữu những gì. Điều này không có nghĩa rằng nói thẳng với trẻ “Con không có năng khiếu vẽ đâu, làm cái khác đi”.
Thay vào đó, bạn có thể giải thích cho trẻ về khái niệm “năng khiếu” hoặc “bẩm sinh”, từ đó dần định hướng cho trẻ cái nhìn thực tế hơn để lựa chọn lĩnh vực khác. Sự kiên trì chỉ có ý nghĩa khi theo đuổi một điều gì khả thi và phù hợp.
9. Nuôi dưỡng tư tưởng
Sự thành công luôn đến từ sự chăm chỉ, quá trình rèn luyện chứ không phải nằm ở yếu tố may mắn, tiền bạc hay di truyền. Do đó, bạn hãy cố gắng định hướng cho trẻ tin rằng kết quả tốt là do nỗ lực, tránh để trẻ nghe được những câu nói như “Làm được là do may mắn”, “Hên xui cả thôi”.
Việc định hướng con mình ngay từ khi còn bé sẽ giúp trẻ giảm ý định từ bỏ và làm việc chăm chỉ hơn. Thay vì chỉ ngồi thụ động nhưng vẫn mong muốn kết quả tốt đến với mình.
10. Ăn mừng những chiến thắng nhỏ
Thất bại lặp đi lặp lại có thể phá hủy sự kiên trì, nhưng thành công nhỏ nhất có thể khuyến khích trẻ tiếp tục, vì vậy hãy giúp trẻ xác định những chiến thắng nhỏ của mình.
Ví dụ: Lần trước con đánh vần đúng 6 từ, lần này được 8 từ. Khi con chịu khó, con đang rất tiến bộ.
11. Nhìn vào mặt tích cực
Lạc quan là yếu tố quan trọng để rèn tính kiên trì, nhất là trong trường hợp đứa trẻ thất bại. Bạn nên nhắc nhở điều quan trọng nhất không phải trẻ đã làm gì sai mà sẽ làm gì tiếp theo.
Chẳng hạn, đứa trẻ rất muốn vào đội múa để đi diễn văn nghệ nhưng không được lựa chọn. Trong trường hợp này, bạn có thể động viên trẻ đến cố vũ bạn bè, học hỏi những động tác hay để kỹ năng của mình trở nên tốt hơn.
12. Giúp trẻ tự kiểm soát hành vi
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, giúp trẻ hình thành được khả năng tự kiểm soát hành vi bản thân ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp con có cái nhìn đúng đắn hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó là những kết quả đầu ra tích cực khác, bao gồm khả năng kiếm tiền khi trưởng thành, có cho mình khoản tiết kiệm, sức khoẻ thể chất.
Đồng thời, việc kiểm soát hành vi còn giúp trẻ sở hữu tinh thần kiên cường, biết cưỡng lại sự cám dỗ ngoài xã hội và nỗ lực hơn trong mọi vấn đề của cuộc sống.
13. Kéo dài sự tập trung
Nếu con bạn muốn từ bỏ một bài tập, hãy đặt đồng hồ bấm giờ và cho vào thời gian phù hợp với mức độ tập trung của con. Giải thích rằng chỉ cần tuân thủ cho đến khi chuông báo hiệu. Sau đó, con có thể nghỉ ngơi và đặt lại bộ đếm thời gian.
Khuyến khích trẻ xem có thể hoàn thành bao nhiêu việc trước khi chuông reo để thấy được mình đang thành công. Theo thời gian, việc tập trung sẽ trở nên dễ dàng hơn.
6 câu bố mẹ nên nói với con mỗi ngày