Thuyền đi qua đoạn có cầu Ánh Trăng- một điểm “check in” của Hội An. |
Trong lòng tôi luôn có hình ảnh một Hội An lung linh, lấp lánh ánh đèn. Nơi đó, thời gian như ngừng trôi. Nơi đó, như một chốn thân thương mà xa lâu tôi lại muốn quay về.
Chúng tôi đến Phố cổ Hội An (Quảng Nam) khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Vừa đặt chân đến phố cổ, một chị nhanh nhảu mời chào “Đi thuyền trên sông Hoài ngắm phố cổ đi em. Đi thuyền giờ này là lý tưởng nhất để ngắm cảnh và chụp ảnh đẹp”.
Lời mời nghe khá hấp dẫn nên chúng tôi mua ít đồ ăn vặt và nhanh chóng lên thuyền. Thuyền được trang trí lồng đèn rất Hội An, anh lái thuyền kiêm hướng dẫn viên giới thiệu về quang cảnh Hội An, trong đó có khu vực “Đảo Ký ức Hội An” được đầu tư đưa vào khai thác phát triển du lịch xanh song hành cùng trải nghiệm văn hóa và du lịch đặc sắc cho du khách.
Thuyền đi ngang qua sân khấu- nơi diễn ra show diễn thực cảnh Ký ức Hội An, anh lái thuyền cho biết “buổi tối, du khách canh giờ đổ về sân khấu xem show diễn, rất hay!”. Ra mắt đầu tiên năm 2018 với show diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam, đến năm 2022, Hội An đã chính thức đưa Ký ức Hội An vào tour tham quan phố cổ.
Thuyền đến chân cầu bộ hành Ánh Trăng, anh lái thuyền tắt máy, thắp nến và đưa cho chúng tôi những chiếc đèn hoa đăng xinh xắn. Gần đó, du khách trên thuyền khác cũng đang thả hoa đăng và cầu nguyện. Ánh sáng từ những thuyền đầy lồng đèn, của hoa đăng in xuống dòng sông hòa với ánh sáng của những “cây xanh làm từ đèn” và những dãy phố lung linh bên bờ tạo nên một khung cảnh huyền ảo và lãng mạn.
Theo một số tài liệu, nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII, XVIII. Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo.
Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển.
Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú.
Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Với những giá trị nổi bật, năm 1999, UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới.
Phố cổ Hội An không chỉ thu hút khách du lịch bởi kiến trúc cổ kính, vẻ đẹp trầm mặc mang dấu ấn xưa mà còn làm say lòng du khách bởi ẩm thực độc đáo như: cơm gà phố Hội, bánh đập- hến xào, bánh xèo Hội An, bánh bèo Hội An, cao lầu… Trong đó, cao lầu là món ăn có từ rất lâu, hương vị đậm đà từ các loại thịt, tôm và các loại gia vị quyện với những sợi mì dai hấp dẫn du khách.
Bên cạnh những nhà hàng, quán ẩm thực đông nghịt khách thì những cửa hiệu quần áo, vải vóc, lồng đèn… cũng thu hút khách. Trong đó, lồng đèn là biểu tượng rất đỗi quen thuộc trên không gian phố cổ. Ngày nay, người dân đã sáng tạo thêm các loại đèn lồng có thể xếp lại và mang đi dễ dàng, thuận tiện để du khách mua về làm quà.
Đêm Hội An lung linh. |
Đêm trên phố Hội An, bên cạnh tản bộ, ngồi xích lô… ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực, mua quà lưu niệm. Du khách cũng không thể bỏ qua việc trải nghiệm đi thuyền gỗ nhỏ một người chèo trên đoạn sông ngay bên phố và tất nhiên là cũng… thả hoa đăng, cảm nhận một vẻ đẹp rất riêng, rất đỗi bình yên của một đô thị cổ hàng trăm năm tuổi.
Trải qua bao nhiêu năm, Hội An vẫn một vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ như gói trọn không gian, thời gian của những ngày xưa cũ. Song, người dân Hội An biết cách tạo ra những cái mới trên nền cổ mà vẫn giữ cho Hội An vẻ đẹp bình yên, đầy mê hoặc. Tôi say sưa ngắm nghía, cảm nhận vẻ đẹp bình yên của Hội An và thật lòng tôi có chút tiếc nuối khi phải chia tay nơi này. Chợt ngân nga mấy câu trong “tình ca xứ Quảng” của Trần Quế Sơn:
“Nếu em yêu cái bềnh bồng thì dạo thuyền trên sông Thu
Nếu em ưa thánh địa linh thì về Mỹ Sơn em nhìn
Rồi chờ hè sang, nghe từng cơn gió nóng
Rồi ngồi thềm trăng nghe mẹ anh hò khoan…”
(Bài hát Yêu cái mặn mà)
Bài, ảnh: SÔNG HẬU