Một buổi chiều du lịch về Sầm Sơn, thay vì gọi xe điện chở đi ăn một cách bị động như trước đây, chúng tôi quyết định tự mình khám phá bằng cách lên Google tìm kiếm thì mới biết, Thanh Hóa có đặc sản Gỏi Nhệch Nga Sơn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Top Viet Nam bình chọn là 1 trong 100 đặc sản ngon nhất cả nước vào năm 2021. Từ đây, chúng tôi biết thêm, ở Sầm Sơn có nhà hàng Vũ Bảo (ngay cổng chính FLC) nổi tiếng với món ăn này và đó là lý do thôi thúc chúng tôi trải nghiệm.
Nhà hàng Vũ Bảo (Sầm Sơn) lúc lên đèn.
Khi chúng tôi đến, nhà hàng Vũ Bảo đã lung linh dưới những ánh đèn điện được giăng mắc khắp nơi. Khác với sự nguy nga của những nhà hàng, khách sạn cao tầng nằm dọc trên đường Hồ Xuân Hương, ở Vũ Bảo vừa có vẻ hiện đại trong kiến trúc hạ tầng, vừa mang nét đẹp thơ mộng nhờ lối trang trí cầu kỳ, diễm lệ, rất hợp lòng những ai muốn tìm kiếm một không gian để ăn uống, thư giãn và “check in” sống ảo.
Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã bắt gặp ngay nụ cười thân thiện của các nhân viên lễ tân trong bộ áo dài mềm mại. Họ mời chúng tôi chọn bàn và không quên rót những ly nước mát lạnh trước khi giới thiệu về thực đơn.
Để Gỏi Nhệch thơm ngon thì ngoài các loại rau củ gia vị ra còn cần phải có cả nước chấm có tên là Chẻo.
Dù đã chọn bàn ăn ở tầng 1 nhưng vì bản tính tò mò, tôi lần lượt đi hết 4 tầng của nhà hàng Vũ Bảo. Mỗi tầng đều có cách thiết kế riêng nhưng tầng nào cũng được bố trí các chậu hoa, cây cảnh, tạo nên một không gian hài hòa, thân thiện, rất dễ làm lay động cảm xúc của thực khách sau những ngày mệt mỏi vì nắng nóng. Đặc biệt ở các tầng đều có bàn ăn ngoài trời nên thực khách có thể giao hòa với thiên nhiên và ngắm cảnh thành phố về đêm đầy mộng mị. Đó cũng là lý do tôi luôn thích Sầm Sơn vào lúc đã lên đèn vì có cảm giác thư thái và thảnh thơi đến kỳ lạ, nhất là khi được thưởng thức những món ăn ngon giữa một không gian lịch lãm, thoáng đãng với những cơn gió trong lành đến từ muôn trùng biển cả.
Chẻo có mầu sắc vàng óng ánh, sánh đặc, mùi vị chủ đạo là ngọt, chua và ngậy nhưng phải có bí quyết mới có thể chế biến thành công được.
Quay trở lại bàn ăn với những thực đơn đã được lựa chọn, tôi và người thân lấy làm háo hức với đặc sản Gỏi Nhệch vì khác với các món gỏi mà chúng tôi đã từng ăn trước đó, nước chấm của món ăn này có vẻ rất khác lạ. Nó có tên gọi là Chẻo, được làm từ xương của cá Nhệch kết hợp với thịt ba chỉ và hàng chục loại gia vị nên cho mùi vị rất độc đáo, vừa chua chua, ngọt ngọt, béo béo; vừa bùi bùi, mặn mặn, thanh thanh… Nói chung là đậm đà, thơm ngon, nhất là khi ăn cùng với gỏi và các loại rau, củ gia vị nên ở đây người ta còn gọi đặc sản này là Chẻo Nhệch cũng bởi vậy. Thế nhưng, khổ một nỗi là chúng tôi lại không biết cách cuốn món ăn này sao cho gọn gàng nên khi ăn vào miệng thì lấm lem hết cả. Thành ra, vì mê hương vị Chẻo, các thành viên trong gia đình cứ lấy bánh đa quệt ăn liên hồi nên chẳng mấy chốc mà cả bát Chẻo hết sạch. Thấy vậy, nữ nhân viên quản lý của nhà hàng liền mang ra thêm một bát Chẻo nóng hổi và khéo léo quấn lá sung thành một cái phễu đựng, sau đó cho gừng, hành, xả, ớt…, các loại rau cúc tần, kinh giới, húng thơm… và vài ba sợi gỏi vào bên trong rồi cuối cùng mới cho một thìa Chẻo lên trên để đưa cho từng vị khách thưởng thức. Đến lượt mình, tôi cảm nhận rất rõ vị mát lành, ngọt dai của gỏi hòa quyện với muôn loại gia vị khiến cho các nơron thần kinh khi ấy như giãn nở ra mang lại rất nhiều cảm xúc khó tả. Nhân viên quản lý còn bật mí thêm “phải ăn Gỏi Nhệch với Chẻo lúc còn đang nóng sẽ ngon hơn” nên khi thấy chúng tôi lúng túng đã không ngần ngại gói bằng hết đĩa gỏi ở trên bàn mới tiếp tục đi làm công việc của mình.
Chúng tôi được nhân viên của nhà hàng Vũ Bảo gói gém Gỏi Nhệch vào một cái phễu được làm bằng lá sung khiến cho món ăn trông hấp dẫn hơn rất nhiều.
Rất hài lòng về cung cách phục vụ tận tình của các nhân viên ở nhà hàng Vũ Bảo và lại càng vương vấn hơn với món Chẻo Nhệch nơi đây nên lúc ra về đi qua bể nuôi hải sản tươi sống, chúng tôi tò mò muốn xem hình dáng con cá Nhệch thế nào mà người xưa khen là “chim Gà, cá Nhệch” (ý nói trong các loài chim thì thịt gà là ngon nhất và trong các loài cá thì Nhệch là đặc sản dẫn đầu). Thì ra, đó là một loại cá rất giống với lươn nhưng lại dài và to hơn. Chúng được chuyển về từ vùng duyên hải của huyện Nga Sơn (nơi phát tích ra món gỏi Nhệch trứ danh như bây giờ) nên thịt có vị ngọt và thơm hơn so với các vùng miền khác.
Cá Nhệch được nhà hàng Vũ Bảo nuôi trong bể hải sản. Lúc đang sống nó có hình dáng rất giống với lươn.
Trước khi lên xe rời đi, tôi không quên nhờ nhân viên lễ tân chụp cho mình và gia đình một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nhìn dòng chữ Nhà hàng Vũ Bảo lấp lánh trong khuôn hình, tôi lấy làm thắc mắc hỏi: “Tại sao là đặc sản nổi tiếng của Thanh Hóa nhưng chỉ có nhà hàng Vũ Bảo là chọn Gỏi Nhệch Nga Sơn làm món ăn đặc trưng trong khi thực đơn của các nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn lại không thấy có?”. Lúc này, nhân viên lễ tân mới vui vẻ giải thích: “Vì chủ nhà hàng Vũ Bảo là người gốc Nga Sơn nên vừa có bí quyết làm Chẻo ngon, vừa muốn quảng bá đặc sản quê hương nên mới đưa Gỏi Nhệch làm món ăn chủ đạo. Đó cũng là lý do mà ngoài cơ sở kinh doanh đầu tiên ở Nga Sơn thì hiện nay, Vũ Bảo đã có 7 nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh (bao gồm cả ở Sầm Sơn) và tất cả đều có món ăn đặc trưng là Gỏi Nhệch”.
Khi đã thưởng thức Gỏi Nhệch ở nhà hàng Vũ Bảo thì đa phần thực khách đều có xu hướng quay lại, nhất là những vị khách nam ham thích thưởng thức những món ăn độc, lạ.
Hóa ra là vậy, giờ thì tôi đã hiểu vì sao Gỏi Nhệch Nga Sơn lại là tinh hoa ẩm thực của vùng đất xứ Thanh. Đó không chỉ là kết tinh của sự tỉ mỉ, cầu kỳ và thêm cả sự sáng tạo trong cách chế biến mà ở món ăn ấy còn mang đậm một chữ tình nên một khi đã thưởng thức rồi thì lòng người đều không khỏi nhắc nhớ, khó quên.
Mai Vui