Bài hát Tiểu đoàn 307 có lẽ không xa lạ với nhiều người:
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...
Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang.
Trận Mộc Hóa được nhắc trong lời bài hát là chiến thắng Mộc Hóa do Trung đoàn 120 phối hợp Tiểu đoàn 307 cùng bộ đội và du kích địa phương tổ chức đánh địch từ ngày 16 đến 18/8/1948. Đó là trận “công đồn, đả viện” lừng lẫy, đi vào lịch sử hào hùng của quân, dân Nam bộ thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Trận đánh oanh liệt
Bia chiến thắng trận Mộc Hóa được xây dựng khang trang tại thị xã Kiến Tường
Trận công đồn Mộc Hóa (tỉnh Long An) trở nên nổi tiếng bởi đó là chiến thắng oanh liệt khi ta tấn công một tiền đồn của địch cắm sâu vào vùng căn cứ địa Đồng Tháp Mười, án ngữ tuyến hành lang từ miền Đông xuống miền Tây Nam bộ. Đồn Mộc Hóa nằm trên gò Bắc Chiêng, không chỉ thuận lợi cho tổ chức phòng thủ và quan sát từ xa mà còn có lực lượng trú đóng và trang bị vũ khí khá mạnh (gồm 1 đại đội lính đánh thuê với 1 cối 81, 2 cối 60, 2 đại liên, 4 trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường,...). Đặc biệt, nếu bị tấn công, đồn Mộc Hóa được pháo binh chi viện tức thời.
Với quyết tâm phá thế kìm kẹp của địch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia và mở rộng căn cứ Đồng Tháp Mười, khai thông tuyến hành lang chiến lược từ miền Đông xuống miền Tây Nam bộ, ta thống nhất phương án “công đồn, đả viện” - dùng lực lượng tấn công đồn Mộc Hóa; đồng thời, đánh chặn quân viện binh của Pháp từ biên giới qua.
22 giờ 30 phút đêm 16/8/1948, ở mặt trận công đồn, quân ta đồng loạt tấn công đồn Mộc Hóa, tạo thế vây ép xung quanh đồn, khi địch “bung” ra sẽ tiêu diệt từng toán nhỏ. Tại mặt trận lộ Kompong-Rou, Đại đội 931 thuộc Tiểu đoàn 307 làm nhiệm vụ chặn đầu ở đồn Ông Tờn (xã Bình Hiệp). Khi địch lọt vào trận địa phục kích, quân ta nổ súng tiêu diệt 23 tên, bắt sống nhiều tên, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand.
Chiến lợi phẩm thu được trong trận Mộc Hóa (Ảnh tư liệu từ Bảo tàng Thư viện tỉnh)
Kết quả, sau 3 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt trên 100 tên, làm bị thương hàng chục tên, bắt sống nhiều lính Pháp. Ngoài ra, ta còn đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, thu trên 100 súng các loại, trang bị cho bộ đội và du kích. Sau chiến thắng trên, giữa năm 1949, địch rút chạy khỏi đồn. Đồn Mộc Hóa bị phá bỏ là thắng lợi to lớn cho việc mở rộng căn cứ cách mạng của Khu 8 và mở rộng địa bàn đánh địch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Không chỉ là chiến thắng oanh liệt, trận Mộc Hóa còn mang dấu ấn đặc biệt khi trở thành đề tài đầu tiên ra mắt “điện ảnh bưng biền” vang danh ngày ấy. Trận đánh được quay phim trực tiếp từ chiến trường, được xem là một kỳ tích của điện ảnh cách mạng bưng biền khi chính thức công chiếu vào đêm 24/12/1948 tại bờ kinh Dương Văn Dương ở chiến khu Đồng Tháp Mười.
Tiếp bước thế hệ cha anh
Thị Đoàn Kiến Tường thực hiện mô hình Người con hiếu thảo, đến thăm gia đình ông Đỗ Thanh Đảnh (Ảnh: Thị Đoàn cung cấp)
Chiến thắng trận Mộc Hóa năm xưa mãi được thế hệ sau ghi nhớ. Bia chiến thắng trận Mộc Hóa xây dựng trong khuôn viên Công viên thị xã Kiến Tường, thường xuyên được quan tâm, chăm sóc. Tiếp bước thế hệ cha anh, tuổi trẻ thị xã Kiến Tường ra sức đóng góp xây dựng quê hương, làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa.
Theo Bí thư Thị Đoàn Kiến Tường - Nguyễn De Goonl, công tác Đền ơn đáp nghĩa được Thị Đoàn đặc biệt chú trọng thông qua nhiều hoạt động: Thăm, tặng quà gia đình chính sách; thực hiện mô hình Người con hiếu thảo;... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 02/9 và chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8), Thị Đoàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong đoàn viên, thanh niên thị xã.
Anh De Goonl cho biết: “Mặc dù đang tập trung cho chuỗi hoạt động tình nguyện hè, Thị Đoàn vẫn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm vun bồi thêm lòng biết ơn thế hệ cha anh cũng như niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, Thị Đoàn và Đoàn cơ sở đẩy mạnh vận động xã hội hóa thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa, trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện mô hình Người con hiếu thảo. Các hoạt động đều nhận được sự ủng hộ của đoàn viên, thanh niên. Mỗi lần tổ chức Người con hiếu thảo, chúng tôi học được rất nhiều từ những câu chuyện của các chú, các bác, từ đó, vun bồi thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Thị Đoàn Kiến Tường tổ chức thăm, tặng quà, nấu ăn tại nhà 5 gia đình chính sách; tặng nhiều phần quà cho thương binh, gia đình chính sách trên địa bàn thị xã với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Đoàn cơ sở còn tăng cường xã hội hóa để tổ chức nhiều hoạt động Đền ơn đáp nghĩa khác./.
Nguyễn Văn Hiếu - Quế Lâm
Source link
Bình luận (0)