Xin ông cho biết, ĐSĐT đã mang đến những lợi ích thiết thực nào cho Hà Nội?
ĐSĐT của Hà Nội đã có những bước nhảy vọt, nhất là sau khi tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành khai thác. Tuyến ĐSĐT này đã mang đến cho chúng ta nhiều thành công.
Chúng ta đã chứng minh trên thực tế tính ưu việt của ĐSĐT so với các phương thức vận tải khác. Hiện mỗi ngày làm việc có khoảng 37.000 lượt hành khách sử dụng ĐSĐT đi lại, trong đó 80% đi vào giờ cao điểm, tức là những người đi thường xuyên bằng vé tháng. Hiện tượng ùn tắc giao thông trên tuyến đã giảm rất rõ rệt.
Chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ từ quản lý nhà nước đến những người làm dự án, rồi đặc biệt là đội ngũ vận hành ĐSĐT theo hướng chuyên nghiệp. Để đào tạo một lái tàu tại Trung Quốc hết 505 triệu đồng nhưng trong nước chỉ hết 187 triệu đồng mà vẫn đảm bảo trình độ, chất lượng chuyên môn. Thực tế là chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo nhân lực cho cả tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) và tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội.
Có ý kiến cho rằng Hà Nội sẽ phải mất hàng trăm năm nữa mới xây dựng được toàn mạng lưới ĐSĐT. Ông có nghĩ như vậy không?
Tôi cho rằng đó là ý kiến một chiều, không có cơ sở. Ví dụ như TP Thâm Quyến (Trung Quốc) năm 2004 mới đưa tuyến ĐSĐT đầu tiên vào hoạt động, nhưng đến năm 2023, sau 19 năm họ có 16 tuyến với 518km ĐSĐT. Điều đó cho thấy không thể tính toán lộ trình xây dựng, phát triển ĐSĐT theo kiểu số học thuần túy.
Đúng là nhiều năm qua Hà Nội gặp không ít khó khăn trong đầu tư, xây dựng ĐSĐT. Nhưng thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau khi tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, cho hiệu quả cao, TP đã nhận thấy rõ giá trị, vai trò của ĐSĐT và đang tập trung toàn lực cho nó.
Cụ thể thì đột phá như thế nào thưa ông?
Thứ nhất là đột phá về cơ chế chính sách. Điều này cần phải thực hiện từ Quốc hội, Chính phủ cho đến chính quyền TP. Chúng ta phải tạo ra một hàng lang pháp lý mới, đặc thù, giải quyết tận gốc những vướng mắc của ĐSĐT hiện nay.
Thứ hai là đối với kênh huy động nguồn vốn, vấn đề này hết sức quan trọng và cần sớm có chính sách. Cụ thể là chúng ta phải xác định phát triển TOD, coi đó là nguồn lực chính để đầu tư ĐSĐT.
Hơn nữa, vay ODA của nước nào chúng ta sẽ phải sử dụng công nghệ, nhà thầu của nước đó, kéo theo nhiều bất cập về sau, đặc biệt là sự khác biệt về công nghệ dẫn đến khó kết nối, tích hợp với nhau trong tương lai.
Thứ ba là về TOD, trước hết phải có nhận thức chung về TOD, phân loại các khu vực có khả năng xây dựng, phát triển mô hình TOD. Với những tuyến ĐSĐT đi qua khu vực dân cư ở đông rồi thì chỉ có thể tận dụng quanh các nhà ga để làm dịch vụ, thương mại. Với khu vực còn chưa hoặc đang đô thị hóa thì hoàn toàn có thể làm TOD được và nên làm trước.
Thứ tư là về mô hình quản lý ĐSĐT từ khi làm dự án cho đến lúc khai thác, vận hành. Các nước trên thế giới thành công trong quản lý ĐSĐT là do họ tích hợp đơn vị đầu tư và đơn vị vận hành. Như chúng ta hiện nay, đầu tư xây dựng là một đơn vị; quản lý, khai thác lại là một đơn vị khác. Tương tự như việc một người đi hỏi vợ, một người lấy thì về sau sẽ nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là trong việc kết nối toàn hệ thống với nhau bởi mỗi dự án sử dụng một công nghệ khác nhau.
Những năm qua, Hà Nội đã có sự chuyển biến như thế nào trong lĩnh vực ĐSĐT?
Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt, rất tích cực từ cách nhìn nhận, cho đến cách làm ĐSĐT so với trước khi có tuyến tàu điện đầu tiên đi vào vận hành. Sự thay đổi đó lan tỏa từ lãnh đạo TP cho đến người dân.
Đối với những công việc liên quan tới ĐSĐT, lãnh đạo TP Hà Nội đã rất sát sao, quan tâm. Thời gian qua lãnh TP đã trực tiếp chủ trì, tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ĐSĐT phát triển. Luật Thủ đô cũng đang được dự thảo, sửa đổi để tạo thuận lợi tối đa cho ĐSĐT.
Về phía người dân, ban đầu còn rất nhiều ý kiến ngờ vực ĐSĐT, không biết liệu có thành công không hay thất bại. Thậm chí có lúc dư luận cho rằng tàu Cát Linh – Hà Đông vắng khách. Nhưng đến giờ tất cả đều đã nhận thấy ĐSĐT rất ưu việt, văn minh và phù hợp với giao thông đô thị Hà Nội. Người dân đã chấp nhận đi bộ từ 1,5 – 2km để tiếp cận ĐSĐT, văn minh hơn khi đi tàu điện nói riêng và sử dụng phương tiện vận tải công cộng nói chung.
Có thể nói Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực cho ĐSĐT, đây là một điều kiện rất quan trọng để TP thực hiện được kịch bản đột phá, hướng tới mục tiêu xây dựng thêm 200km ĐSĐT vào năm 2035, và xa hơn nữa là hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT Thủ đô theo quy hoạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
10:22 20/04/2024