Sau khi kết thúc phiên toà, ông Kiệt đã tìm đến báo Cà Mau trình bày nhiều vấn đề mà ông cho rằng có khuất tất trong vụ án này.
Ông Kiệt tường thuật lại vụ tai nạn: “Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 20/4/2018, tôi điều khiển xe ô tô tải, lưu thông trên đường Hành lang ven biển phía Nam (hướng từ tỉnh Kiên Giang về tỉnh Cà Mau). Khi đi đến đoạn đường thuộc Ấp 7, xã Thới Bình (huyện Thới Bình), xe tôi đang đi bên phần đường của mình thì Ðinh Trung Toán (điều khiển xe mô tô đi ngược chiều) vượt xe khác cùng chiều với Toán rồi lấn sang phần đường, va chạm vào vùng đầu đèn báo rẽ, kính chiếu hậu phía bên tài của xe tôi. Tai nạn xảy ra làm Toán bị thương, 2 xe hư hỏng nhẹ”.
Ông Kiệt cho biết, công an địa phương đã có mặt tại hiện trường, tiến hành lập biên bản và thông báo với cơ quan chức năng đến ghi nhận hiện trạng ban đầu. Ðến 10 giờ ngày 21/4/2018, các lực lượng chức năng phối hợp lập biên bản hiện trường và tiến hành các bước xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Ngô Văn Kiệt mong mỏi vụ án được xử lý minh bạch.
“Vụ án này đã kéo dài hơn 5 năm, có nhiều tình tiết, nghi vấn tôi đặt ra nhưng không được cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSÐT) quan tâm. Cụ thể như, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn được lập vào ngày 21/4/2018 đã xác định tâm vùng đụng phù hợp với bản phân tích lỗi, kết luận lỗi của Ðội Cảnh sát giao thông huyện Thới Bình, vào ngày 8/5/2018… nhưng không được xem xét giải quyết vụ án. Trong khi, vụ việc đã xảy ra gần 1 năm thì thực nghiệm hiện trường không còn tính chính xác, tất cả các nhân chứng đều không trực tiếp nhìn thấy vụ tai nạn xảy ra mà sau khi nghe tiếng va chạm mới đến hiện trường và phán đoán theo cảm tính, nên trong quá trình làm việc với CQCSÐT, lời khai của nhân chứng đều mâu thuẫn nhau…, vậy mà biên bản thực nghiệm điều tra vào ngày 23/7/2019 lại được xem là chứng cứ pháp lý (!?). Mặt khác, tại phiên toà sơ thẩm ngày 12/7, tôi yêu cầu chủ toạ triệu tập các nhân chứng để đối chất tại toà, nhằm làm rõ vấn đề mâu thuẫn lời khai, nhưng vị chủ toạ vẫn quyết định xét xử vắng mặt nhân chứng”, ông Kiệt băn khoăn.
Quan ngại của ông Kiệt hoàn toàn có cơ sở theo quá trình giải quyết vụ án này. Bởi, từ năm 2019 đến nay, không ít lần hồ sơ vụ án buộc phải điều tra lại để bổ sung vì sự nhập nhoà lời khai nhân chứng, biên bản hiện trường…
Tài liệu, chứng cứ vụ án được ông Kiệt cất giữ.
Cụ thể là, phiên toà ngày 26/11/2021, HÐXX sơ thẩm TAND huyện Thới Bình quyết định xử phạt ông Kiệt 1 năm tù. Không chấp nhận quyết định của HÐXX sơ thẩm, ông Kiệt kháng cáo, được TAND tỉnh Cà Mau chấp nhận và tổ chức phiên toà xét xử phúc thẩm vào đầu tháng 6/2022. Qua xem xét toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, cũng như ghi nhận lời khai, diễn biến tại phiên toà phúc thẩm, thấy rằng cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ, nên HÐXX phúc thẩm đã quyết định huỷ bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Bình, giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Thới Bình điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung.
Ngày 20/10/2022, VKSND huyện Thới Bình vẫn giữ nguyên quan điểm như Cáo trạng số 42 (phiên toà xét xử sơ thẩm ngày 26/11/2021), truy tố ông Kiệt về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b, khoản 1, Ðiều 260, Bộ luật Hình sự (Cáo trạng số 39/CT-VKS, căn cứ theo kết luận điều tra tháng 9/2022 của CQCSÐT Công an huyện Thới Bình). TAND huyện Thới Bình đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (như đã nói ở phần trên).
Luật sư Nguyễn Văn Trung, người bào chữa cho ông Kiệt, cho rằng, Cáo trạng số 39 của VKSND huyện Thới Bình chưa đáp ứng yêu cầu điều tra lại theo quyết định của bản án phúc thẩm. Nhân chứng được hiểu là người trực tiếp thấy, chứng kiến, hiểu biết, nhưng các nhân chứng trong vụ án này chỉ độ khoảng thời gian và suy đoán theo cảm tính. Trong khi, điều tra lại mà lời khai của các nhân chứng không đối chiếu các điểm khai mâu thuẫn trước đây, chủ yếu chỉ yêu cầu khai lại cho đúng để đủ chứng cứ đề nghị truy tố. Mặt khác, có đoạn video do nhân chứng cung cấp, CQCSÐT chỉ sử dụng nội dung những lời thoại bất lợi cho ông Kiệt để suy đoán kết tội.
“Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”, ông Trung trích dẫn Ðiều 13, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017./.
Mỹ Pha