Bị từ chối vì bệnh viện không công nhận kết quả
Anh T.B.T. (ở Đà Nẵng) cho biết có ý định đi làm việc tại Hàn Quốc nên từ năm 2022 anh bắt đầu thi tiếng Hàn và khám sức khỏe để đăng ký tham gia chương trình EPS. Kết quả khám sức khỏe và các điều kiện khác đảm bảo nên tháng 7-2023, anh được chủ lao động bên Hàn gọi.
Anh được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đưa đi học và kiểm tra sức khỏe lại lần nữa. Tại đây anh được Bệnh viện Đa khoa Tràng An kiểm tra sức khỏe, theo thông báo ngày 11-7, anh được kết luận dương tính với bệnh giang mai.
Ngày 27-7, Bệnh viện Tràng An có văn bản thông báo anh không đạt yêu cầu về sức khỏe theo quy định của chương trình. Căn cứ kết quả này, trung tâm thông báo dừng chương trình EPS đối với anh vì lý do sức khỏe.
Đầu năm 2024, được một chủ sử dụng lao động khác bên Hàn gọi, anh đến nhiều bệnh viện tại Đà Nẵng làm xét nghiệm giang mai thì kết quả âm tính.
Tuy nhiên, tháng 2-2024, anh được chương trình EPS đưa đi xét nghiệm và kết quả xét nghiệm vẫn kết luận dương tính với bệnh giang mai.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, căn cứ điều kiện về sức khỏe của người lao động khi tham gia chương trình EPS, anh T. không đủ điều kiện về sức khỏe để tham gia.
Theo văn bản trả lời của trung tâm này, phía Bệnh viện Tràng An cũng khẳng định không công nhận kết quả khám sức khỏe do người lao động tự khám tại các bệnh viện khác, mà chỉ công nhận kết quả khám sức khỏe của Bệnh viện Da liễu trung ương.
Điều trị khỏi, chỉ còn kháng thể, từng đi cho máu
Theo anh T., cách đây 7 năm anh mắc giang mai ngoài ý muốn và điều trị khỏi ngay sau đó. Anh không giấu việc này và có trình bày thẳng với các thầy cô.
“Tôi đã đi xét nghiệm tại rất nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng. Các kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể chỉ có kháng thể, tôi cũng xét nghiệm nhiều lần và đi hiến máu nhiều lần. Khi xét nghiệm RPR đều cho kết quả âm tính. Riêng kết quả xét nghiệm TPHA tại Bệnh viện Da liễu trung ương cho kết quả dương tính”, anh T. nói.
“Bác sĩ nói tôi từng mắc giang mai nên khi điều trị khỏi có kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai để bảo vệ. Đồng thời cho biết với chỉ số này bây giờ hoàn toàn sạch bệnh và khó có khả năng lây. Vậy mà lại không được công nhận”, anh T. nói thêm.
Anh T. cho biết suốt hơn 2 năm anh đã tập trung cho mục tiêu xuất khẩu lao động nên không được đi anh rất thất vọng.
Đại diện Bệnh viện 199 (Bộ Công an tại Đà Nẵng) cho biết đối với bệnh giang mai, thông thường việc xét nghiệm khi xuất khẩu lao động sẽ làm xét nghiệm sàng lọc trước, tức RPR. Nếu âm tính thì thôi, nếu dương tính thì mới làm TPHA.
“Với bệnh giang mai, sau khi mắc bệnh và điều trị khỏi cơ thể sẽ tự tạo kháng thể để phòng ngừa. Kết quả xét nghiệm TPHA cho thấy chỉ số kháng thể. Chỉ số này có thể giảm dần rồi mất, hoặc tồn tại suốt đời không trở về âm tính được”, người này nói.
Tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng trả lời nội dung tương tự. Theo đó, kết quả xét nghiệm RPR âm tính cho thấy trường hợp “giang mai đã khỏi bệnh”. Kết quả TPHA dương tính cho thấy cơ thể có kháng thể với bệnh này (sẹo huyết thanh).
“Kết quả xét nghiệm của chúng tôi trung lập nhưng bên quản lý chỉ lao động ở tuyến cao nhất quy định cơ sở xét nghiệm nào thì cần dùng kết quả ở đó”, vị này nói.
Tương tự, Bệnh viện 199 cho rằng cần đối chiếu quy định chương trình EPS liên quan hướng dẫn về sức khỏe có nói rõ việc “đã mắc bệnh giang mai” hay “đang mang bệnh giang mai” để làm căn cứ sức khỏe cho lao động đi nước ngoài.
Đà Nẵng đề nghị tạo điều kiện
Ông Nguyễn Thành Nam, phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, cho biết vừa qua đơn vị đã có buổi làm việc với anh T.. Qua xem xét hồ sơ và giấy tờ liên quan của anh T., đơn vị đã có văn bản gởi các đơn vị liên quan.
“Chúng tôi đã đề xuất hỗ trợ tạo điều kiện để anh T. được tiếp tục tham gia chương trình EPS. Theo đó anh T. sẽ tự cam kết nếu khi sang Hàn Quốc và phía bạn yêu cầu khám sức khỏe mà anh T. không đạt theo tiêu chuẩn quy định và buộc phải xuất cảnh về lại thì sẽ tự về lại Việt Nam. Mọi chi phí anh T. sẽ tự chịu trách nhiệm và không liên quan đến cơ quan phái cử”, ông Nam nói.
Nên cụ thể liên quan đến các bệnh như giang mai
Một bác sĩ chuyên về huyết học – truyền máu cho biết cũng từng tư vấn cho nhiều trường hợp tương tự anh T.. Vị này cho rằng nếu chỉ vì “có kháng thể” hoặc “đã từng mắc nhưng khỏi bệnh” mà bị từ chối xuất khẩu sẽ rất thiệt thòi cho người lao động.
Theo đó, trường hợp này nếu bắt buộc phải đi xuất khẩu lao động có thể kết hợp thêm các kết quả xét nghiệm khác liên quan tới giang mai và giấy tờ giải thích của bệnh viện, chứ không nên khăng khăng từ chối người đã khỏi bệnh.