Mạng xã hội đang mở ra cho phụ nữ nông thôn, nữ tiểu thương cơ hội mở rộng kinh doanh, kết nối, đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là những thách thức, rủi ro khi tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, đòi hỏi chị em phải không ngừng trang bị kỹ năng để kinh doanh hiệu quả, an toàn.
Bài 1: Làm giàu từ lũy tre làng
Người dân tại thôn Thượng Thành (xã Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đã quen với hình ảnh chị Hủng Thị Dạng quay video giới thiệu cuộc sống thôn quê, livestream giới thiệu các sản phẩm do chị và bà con làm ra.
Chị Dạng tâm sự: “Đường vào chỗ chúng tôi khá xa, việc đi lại khó khăn nên rất khó để tiếp cận khách hàng. Nhờ có mạng xã hội, tôi có cơ hội giới thiệu các sản phẩm như chè Shan tuyết, măng rừng… đến với chị em ở khắp mọi miền”.
Cũng từ trang trại của mình, chị Nguyễn Thị Trang (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và các thành viên Hợp tác xã Bò Mông số 11 đã sử dụng mạng xã hội để bán sản phẩm làm từ thịt bò và giới thiệu các dịch vụ kinh doanh của hợp tác xã.
“Nhiều lúc chúng tôi cũng bị lúng túng vì chưa quen cách sử dụng thiết bị, cách tương tác hay các thuật toán của từng nền tảng mạng xã hội. Song, chúng tôi vừa làm, vừa học hỏi, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá sản phẩm”, chị Trang chia sẻ.
Từ khi livestream bán hàng, các mặt hàng nông sản của chị Phạm Thị Với (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) bán rất nhanh. Việc kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội không mất nhiều chi phí lại giúp chị Với có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra cơ hội để phụ nữ tại các vùng nông thôn phát triển kinh tế ngay tại quê hương mình. Thông qua “chợ online”, nhiều mặt hàng từ lũy tre làng như nông sản, đặc sản địa phương, đồ thủ công, sản phẩm của làng nghề truyền thống đã được đưa đến tay của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phụ nữ cũng nhanh chóng nắm bắt và tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. “Việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội giúp tôi thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ước tính, có khoảng 80% sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng biết đến và mua thông qua các nền tảng mạng xã hội”, chị Vy Thị Lụa (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết.
Bài sau: Sự chuyển mình của các nữ tiểu thương
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/kinh-doanh-qua-mang-xa-hoi-co-hoi-va-thach-thuc-voi-phu-nu-2024070114015158.htm