Nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ hàng hóa từ nước khác lẩn tránh xuất xứ, mạo danh hàng Việt để xuất khẩu vào Mỹ nhằm hưởng mức thuế thấp sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thương chiến thời “Trump 2.0” nếu có sẽ làm gia tăng cơ hội cho hàng Việt.
Thương chiến tái khởi động?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố có thể sẽ áp thuế nhập khẩu 100% với hàng hóa từ các thành viên nhóm BRICS, trong đó có Trung Quốc, nếu nhóm này “đe dọa vị thế USD”. Trước đó, ông Trump cũng dọa áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ hàng hóa của Mexico, Canada và bổ sung 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc ngay trong ngày đầu nhậm chức. Trong suốt chiến dịch tranh cử, nhà lãnh đạo này cũng đề xuất thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ sản phẩm vào Mỹ, riêng Trung Quốc có thể bị áp 60-100%.
Thực tế, trong thời kỳ cầm quyền trước đây (2017-2021), ông Trump từng tăng thuế nhập khẩu lên 25% với 350 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ các sản phẩm pin năng lượng mặt trời và máy giặt vào năm 2018. Sau đó là các mặt hàng thép và nhôm xuất sang Mỹ cũng chịu thêm thuế, kể cả hàng xuất xứ từ các nước đồng minh. Trong năm nay, Mỹ tiếp tục tăng 100% thuế nhập khẩu xe điện, 50% đối với pin mặt trời, 25% đối với pin xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế; đồng thời dự tính sang năm 2025 sẽ tăng lên 50% thuế với chất bán dẫn từ Trung Quốc.
Tất nhiên, Trung Quốc không thể ngồi yên mà đã “đáp trả” bằng việc tăng thuế nhập khẩu đối với đậu nành và máy bay Mỹ vào nước này. Đặc biệt, năm ngoái, Trung Quốc khởi động cuộc chiến bán dẫn với nền kinh tế số 1 thế giới bằng thông báo sẽ chặn các hợp đồng mua sắm công đối với Tập đoàn Micron (Mỹ) – nhà sản xuất chip nhớ – do không vượt qua được quá trình đánh giá về an ninh, kế đó là yêu cầu đánh giá an ninh đối với các sản phẩm của Intel đang lưu hành tại Trung Quốc. Đáng lưu ý, 1/4 tổng doanh thu của tập đoàn này đến từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đồng thời, từ giữa năm 2023, Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, hạn chế xuất khẩu 8 loại gallium và 6 loại germanium với lý do an ninh quốc gia. Đây là các kim loại sử dụng phổ biến trong sản xuất chip.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đầu tiên đã dẫn đến việc áp thuế đối với khoảng 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và 185 tỉ USD hàng hóa Mỹ trước khi kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại vào năm 2020. Hiện tại, ngày 3.12 vừa qua, Trung Quốc chính thức tuyên bố cấm xuất khẩu một số khoáng sản quý hiếm sang Mỹ, đánh dấu diễn biến leo thang mới trong cuộc chiến công nghệ giữa 2 bên. Động thái trên cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng chuỗi cung ứng để gây sức ép, đặc biệt bằng cách chặn xuất khẩu các vật liệu quan trọng cho sản xuất vũ khí và chất bán dẫn sang Mỹ.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhận xét: Các dữ liệu cho thấy tác động từ đòn đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump hầu như không rõ nét với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu là công cụ ưa thích của nhà lãnh đạo này và trong lần cầm quyền thứ hai, tình hình có thể sẽ khác. Với kinh nghiệm và sự chuẩn bị, đợt áp thuế mới có thể được thực hiện nhanh, dứt khoát và tác động mạnh mẽ hơn lên hàng hóa Trung Quốc.
Ở nhiệm kỳ trước, Tổng thống Mỹ mất gần nửa năm để kiện toàn, sắp xếp bộ máy nhân sự. Nay dù chưa chính thức, ông đã sắp xếp xong hầu hết nhân sự chủ chốt, xây dựng một bộ tham mưu sắc bén. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, bản lĩnh chính trị, nhận thức về đối tác cũng sâu sắc, rõ ràng hơn sau khi ông Trump có thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Thế nên, việc áp thuế với hàng hóa các nước mà Tổng thống đắc cử tuyên bố nhiều khả năng sẽ xảy ra. Lần này, nhóm hàng liên quan bán dẫn, chip, pin năng lượng… có thể được ưu tiên đẩy mạnh hơn.
“Tuy nhiên, điều cần lưu ý là chính quyền Mỹ mới sẽ cân nhắc việc áp thuế ảnh hưởng đến người dân nước mình như thế nào. Đánh thuế nhập khẩu cao, người dân Mỹ phải mua hàng giá đắt hơn, hiện hàng hóa sản xuất tại Mỹ luôn có giá đắt hơn hàng nhập khẩu khi chưa áp thuế. Một nghiên cứu mới đây của Viện kinh tế Peterson cho thấy thuế nhập khẩu của Tông thống đắc cử Trump sẽ khiến mỗi gia đình người Mỹ tốn thêm chi phí 2.600 USD/năm”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.
Nguy cơ hàng Việt vạ lây?
Theo các chuyên gia, nguy cơ thương chiến lặp lại được dự báo sẽ gây tổn hại cho chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, các nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tác động bởi đều là bạn hàng lớn của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích: VN là một trong số các quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Cụ thể, Mỹ đang chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN, ước tăng gần 25% so năm ngoái. Hàng hóa VN sang Mỹ trong thời gian qua cũng bị “soi” rất nhiều do thâm hụt thương mại lớn. Nếu sắp tới Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước thì có thể sẽ áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa từ VN. Càng phải lưu ý hơn khi hàng VN sang Mỹ tăng, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào VN cũng tăng mạnh do chúng ta mua nguyên vật liệu để sản xuất xuất khẩu.
“Mỹ từng kiện chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ VN. Nếu cán cân thương mại Mỹ – VN chênh lệch quá lớn, nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại, chống bán phá giá là rất lớn. Nói chung, kiểu gì thì VN cũng bị vạ lây từ chính sách áp thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao phổ biến như thủy sản, dệt may, đồ gỗ… sẽ bị ảnh hưởng nếu không cẩn trọng”, chuyên gia này cảnh báo.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản VN (VASEP), cũng nhận định: Chiến tranh thương mại nếu xảy ra trong thời gian tới có thể dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu mặt hàng thủy sản trong ngắn hạn vào VN do các công ty nước khác tìm cách tránh thuế quan trong tương lai. Đây là một kịch bản có thể dự báo trước. Khả năng các công ty từ Trung Quốc tìm cách bán hàng sang Mỹ hoặc các nước khác trước thời điểm tăng thuế có thể dẫn đến tắc nghẽn và chậm trễ tại các cảng chính của Mỹ. Mặt khác, có thể có sự chuyển dịch của các công ty thủy sản Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có VN, tạo ra thách thức nhiều hơn cơ hội như cạnh tranh về nguồn nguyên liệu căng thẳng hơn, uy tín sản phẩm VN có thể bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, thừa nhận: “Việc hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế qua ngả VN trong thời gian trước có thể đã xuất hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó chúng ta đã thấy làn sóng đầu tư FDI từ Trung Quốc hoặc mua bán, thâu tóm DN nội địa, hoặc đứng sau lưng để điều hành. Trung Quốc hiện nay rất mạnh trong công nghệ chế biến, làm chủ chuỗi cung ứng cũng như xây dựng hệ thống thương mại điện tử hoàn chỉnh. Như vậy trước mắt chúng ta có thể thấy tình hình thuận lợi lẫn thách thức đan xen. Nhưng về lâu dài có thể sẽ rất phức tạp trong việc quản lý dòng vốn đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng trong cuộc chiến về thuế giữa hai thị trường lớn nhất thế giới”.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng qua các nước thứ ba (trong đó có VN) để tránh thuế nhập khẩu cao vào thị trường Mỹ. Trong nhiệm kỳ trước, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các khoản thuế cao lên một loạt sản phẩm, nhắm vào hơn 60% hàng hóa Trung Quốc, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Dữ liệu mở rộng đến năm 2023 cũng có lưu ý đến hàng hóa từ Mexico và VN. “Nhưng những dấu hiệu không đủ lớn để cho thấy một xu hướng chính. Chẳng hạn đối với VN, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ cùng có tỷ lệ tăng tương đối tương đồng với tất cả các hàng hóa chứ không chỉ riêng những mặt hàng mà Mỹ “soi chiếu””, Vụ Thương mại đa biên cho biết.
Cơ hội cho xuất khẩu và thu hút FDI lớn hơn
Mặt khác, các chuyên gia và DN cũng nhận định là “trong nguy luôn có cơ”. Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết: “Đơn hàng xuất khẩu của các DN đang thuận lợi, nhiều công ty đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2025. Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành, đang phục hồi rõ rệt. Với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc thì có khả năng xuất khẩu đồ gỗ VN vào thị trường này sẽ tăng lên trong thời gian tới”.
Tương tự, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, phân tích: “Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của ngành dệt may VN với kim ngạch trên 10 tỉ USD/năm, chiếm tỷ trọng 40%. Ở chiều ngược lại, VN cũng đang nhập khẩu khoảng 38-39 mặt hàng nông nghiệp của Mỹ. Trong đó, ngành dệt may VN đang nhập khẩu và là khách hàng lớn nhất của ngành bông Mỹ, phục vụ cho các nhà máy kéo sợi. Với mối quan hệ chặt chẽ như thế, DN ngành dệt may VN tự tin đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi về chính sách của các nước, kể cả sự thay đổi trong chính sách của Mỹ”.
Đối với các mặt hàng thủy sản, bà Lê Hằng cũng đồng quan điểm. Theo bà, khi chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho VN trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Thế nên, VN có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, việc sản phẩm thủy sản Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan cao có thể làm giảm nguồn cung cấp từ nước này, giúp VN tăng thị phần xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ.
“Nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại và Trung Quốc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, trong khi đó là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, đây sẽ là cơ hội cho VN tại phân khúc cao cấp như tôm hùm, cua, hải sản tươi sống…”, bà Lê Hằng nhận định.
Về đầu tư, theo chuyên gia kinh tế, GS Hà Tôn Vinh, thương chiến lần 2 nếu có xảy ra thì VN có lợi thế nhiều hơn là bất lợi. Lý do, VN là quốc gia mới có ký kết hợp tác toàn diện với Mỹ, đang có chiến lược quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Mỹ đang rất cần.
“Trung Quốc từng áp dụng chính sách tiền tệ vào năm 2018 – 2019, cho nhân dân tệ mất giá so với USD khi hàng hóa sang Mỹ bị áp thuế. Đồng tiền rẻ hơn khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, qua đó giúp giảm tác hại do thuế quan gây ra. Sự phá giá đồng tiền mang tính chiến lược của Trung Quốc có thể đã giúp xuất khẩu của nước này không bị tổn thương nhiều từ chính sách thuế của Mỹ. Lần này, có thể Trung Quốc lần nữa áp dụng chính sách đó, bên cạnh một số biện pháp đáp trả khác liên quan đất hiếm, bán dẫn. Với VN, nền công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, bán dẫn, chip… là những ngành chúng ta hướng tới trong tương lai. Những ngành này người Mỹ rất cần để phát triển kinh tế. Thế nên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể giúp VN hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh hơn. Trung Quốc đang tăng đầu tư vào VN nhưng tình thế cho thấy thu hút FDI từ các thị trường đồng minh khác của Mỹ như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng có xu hướng tăng.
Cuộc chiến thương mại lần 2 có xảy ra thì lợi thế thu hút FDI công nghệ vào VN rất lớn do VN đang có khát vọng, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, có nền chính trị ổn định, chính sách tinh giản bộ máy hành chính đang được triển khai quyết liệt… Đó là điểm cộng lớn cho nhà đầu tư nhìn vào.
GS Hà Tôn Vinh
DN VN đã chống chịu với áp lực rất lớn trong nhiều năm qua, đồng thời đã đặc biệt đầu tư mạnh về công nghệ tự động hóa và quản trị số nhằm giải quyết bài toán về năng suất lao động, giá thành sản xuất, giữ uy tín chất lượng, giữ quan hệ hợp tác với các đối tác. Thế nên, hàng dệt may sang Mỹ có cẩn trọng hơn, nhưng không đáng lo ngại. Dự kiến, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 44 tỉ USD, tăng 11,26% so với năm 2023 và kế hoạch đến 2025 phải đạt mức 47 – 48 tỉ USD.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cho-hang-viet-thoi-ky-trump-20-18524120423051012.htm