Chiều 27/3, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 3/2024. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì, với sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Phan Tâm cùng trưởng, phó các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Khuyến khích nhân sự làm trực tiếp báo cáo cách tiếp cận mới
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TT&TT, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 971.000 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 69.000 tỷ đồng. Đóng góp của ngành TT&TT vào GDP ước đạt 220.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chia sẻ các số liệu về sự phát triển ngành, tại mỗi hội nghị giao ban quản lý nhà nước, Bộ TT&TT cũng lựa chọn trình bày một số báo cáo chuyên đề nhằm cung cấp thêm những góc nhìn mới, cách làm hay.
Với lượng dữ liệu khổng lồ được sinh ra mỗi ngày, hiện phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý và sở hữu dữ liệu. Do đó, Phó Vụ trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) Trần Minh Tân đã giới thiệu về một khái niệm mới được gọi là dữ liệu đồng tạo. Đây là loại dữ liệu do từ 2 đầu mối trở lên đóng góp hình thành.
Theo ông Tân, sự xuất hiện của dữ liệu đồng tạo đặt ra nhiều vấn đề về xác định quyền sử dụng và sở hữu. Trong lúc chưa có Luật Dữ liệu, để tránh phát sinh mâu thuẫn, các doanh nghiệp cần rà soát kỹ các điều khoản trong hợp đồng khi giao dịch liên quan đến dữ liệu.
Trung tâm Thông tin (Bộ TT&TT) đã trình bày một số thay đổi về cách thức truyền thông chính sách. Trung tâm Thông tin đã hình thành một mạng lưới với sự tham gia của các đơn vị trong Bộ, đại diện nhiều cơ quan báo chí cùng sở TT&TT các địa phương.
Một điểm mới trong hoạt động truyền thông chính sách của Bộ TT&TT là việc tích cực xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Trung tâm Thông tin đã hình thành các tài khoản chính thức của Bộ TT&TT trên Facebook, TikTok và Zalo.
Cùng với điều này, hoạt động truyền thông chính sách của Trung tâm Thông tin đã thay đổi theo hướng “nhanh, tại chỗ và mobile hóa”. Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá cao những thay đổi và hiệu quả nhận thấy trong hoạt động của Trung tâm Thông tin. Cách làm này thể hiện đúng tinh thần “nhanh, ngắn, rộng” của Bộ trưởng.
Tăng cường hoạt động quản lý ngành TT&TT
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ TT&TT liên tục đôn đốc các đơn vị về những việc cần làm ngay. Đầu tiên là chấn chỉnh tình trạng chậm, muộn trong việc triển khai các nhiệm vụ. Theo đó, trưởng các đơn vị trong Bộ được yêu cầu rà soát lại tất cả các công việc đã được giao, nếu không thực hiện được cần sớm báo cáo lại. Đồng thời, sớm có biện pháp hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản, quy định mà Bộ TT&TT đã ban hành, đặc biệt là các nghị định đang bị chậm.
Tại cuộc họp này, Cục Viễn thông được lưu ý về việc xử lý vấn đề SIM rác trước ngày 15/4, cùng với đó là hoàn thiện dự thảo Chiến lược cáp quang biển quốc tế. Với Cục Tần số Vô tuyến điện, lãnh đạo Bộ nhắc nhở về việc khẩn trương hoàn thiện đề án thay thế 2 vệ tinh và báo cáo về quy hoạch băng tần 1.800 MHz.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động hoàn thiện đề cương chi tiết các nội dung chuẩn bị cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu từng đơn vị có liên quan xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm thực thi, triển khai 4 trụ cột phát triển kinh tế số là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
Các Cục, Vụ cũng phải hoàn thiện phương pháp đo lường và công bố các chỉ số phát triển ngành trong lĩnh vực quản lý của mình trong Quý 2 năm nay. Điều này nhằm tạo động lực, buộc các doanh nghiệp, địa phương phải cạnh tranh, cải thiện thứ hạng, chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành TT&TT.
Với vụ việc hệ thống thông tin của công ty chứng khoán VNDIRECT bị tấn công, gây tê liệt dịch vụ, sự cố đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc đầu tư cho an toàn thông tin. Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, vụ việc trên được lãnh đạo Bộ TT&TT nhìn nhận như một cơ hội để truyền thông, buộc cả hệ thống phải thay đổi nhận thức. Đây cũng là quan điểm chung, xuyên suốt cho nhiều lĩnh vực quản lý khác của Bộ TT&TT.