Bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay chứng kiến nhiều tình huống bất ngờ, có tác động không nhỏ tới lựa chọn của các cử tri Mỹ.
Bà Kamala Harris và “phó tướng” Tim Walz. (Nguồn: AFP) |
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 giữa một phụ nữ da màu, lợi thế sức trẻ với ứng viên dày dạn “trận mạc” nhưng khoảng cách tuổi tác khá lớn có thể sẽ là những yếu tố khiến cuộc bầu cử vào tháng 11 tới ở xứ cờ hoa trở nên thú vị và khó đoán.
Vị thế đang lên
Đến nay, bà Kamala Harris có khởi đầu thuận lợi trong chiến dịch tranh cử. Bà nhanh chóng nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng Dân chủ. Ngày 5/8, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, ông Jaime Harrison, chính thức tuyên bố bà Harris trở thành ứng viên tổng thống của đảng với 99% số phiếu ủng hộ trong số 4,567 đại biểu đảng Dân chủ tham gia bỏ phiếu.
Ngay cả trước khi chính thức được công nhận, trong hai tuần đầu vận động cho chiến dịch tranh cử, bà Harris đã huy động được 310 triệu USD, vượt qua con số 138,7 triệu USD của ông Trump huy động được trong tháng Bảy. Đáng chú ý, 66% số tiền quyên góp này đến từ những nhà tài trợ lần đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay và 94% là khoản quyên góp dưới 200 USD. Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của bà Harris thu hút được 170.000 tình nguyện viên đăng ký phục vụ chỉ trong hai tuần, từ sau khi ông Biden tuyên bố rút lui đến nay.
Theo khảo sát cuối tháng Bảy của ABC News, tỷ lệ ủng hộ bà Harris tăng từ 35% lên 43% và tỷ lệ cử tri độc lập ủng hộ bà Harris tăng từ 28% lên 44% chỉ sau một tuần chính thức tham gia cuộc đua. Bên cạnh nhóm đối tượng là cử tri trẻ và phụ nữ, chiến dịch tranh cử của bà Harris còn công bố chương trình “Những người Cộng hòa vì Harris” nhằm lôi kéo những người Cộng hòa không hài lòng với những phát ngôn về “sự độc tài” và chính sách biệt lập, xa rời đồng minh và NATO của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ngày 6/8, bà Harris tuyên bố chọn ông Tim Walz, 60 tuổi, Thống đốc bang Minnesota và đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các thống đốc thuộc đảng Dân chủ, làm người tham gia liên danh tranh cử cùng mình. Với việc chọn ông Walz, người được coi là khuôn mẫu cho những gì đảng Dân chủ muốn thực hiện trên phạm vi toàn quốc khi thúc đẩy một loạt các chính sách cấp tiến (đưa quyền tiếp cận phá thai vào luật tiểu bang, khôi phục quyền bỏ phiếu cho những người từng bị giam giữ, phổ cập bữa ăn miễn phí tại cá trường học…), bà Harris hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình tại vùng Trung Tây, khu vực quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Cơ hội để ngỏ
Theo giới quan sát bầu cử, với những diễn biến gần đây cho thấy hiện nay, nội bộ đảng Cộng hòa không còn chắc chắn vào chiến thắng của ông Trump bởi sự quan tâm của truyền thông đã giảm sút sau vụ “ám sát hụt” và phần nào lúng túng trong tìm ra điểm yếu của bà Harris để tấn công.
Đội ngũ chiến dịch của ông Trump kêu gọi ông tập trung “công kích” đối thủ đảng Dân chủ về vấn đề nhập cư trái phép, lạm phát và việc xử kiện kém hiệu quả khi bà Harris còn làm công tố viên thay vì những chỉ trích kém thuyết phục tập trung vào chủng tộc, giới tính của bà Harris mà ông Trump thường dùng trong thời gian qua.
Mặc dù bà Harris rút ngắn, thậm chí dẫn trước ông Trump trong nhóm cử tri trẻ (60%-40%) theo thăm dò của Generation Lab, ông Trump vẫn được cử tri tin tưởng hơn trong giải quyết vấn đề kinh tế, nhập cư và xử lý khủng hoảng ở Trung Đông trong cuộc khảo sát do NPR/PBS News/Martist tiến hành từ 1-4/8. Điều đó cho thấy, mỗi bên đều có những lợi thế khiến cử tri sẽ phải đau đầu lựa chọn cho lá phiếu của mình.
Kịch bản khó đoán
Các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay diễn ra hết sức quyết liệt. Kết quả thăm dò từ ngày 24-28/7 của Reuters cho thấy bà Harris đã vươn lên dẫn trước ông Trump ở 4/6 bang chiến trường gồm Michigan, Arizona, Wisconsin và Nevada. The Economist hôm 6/8 cho thấy bà Harris đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 48% so với 45% trong cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc. Đây là lần đầu tiên ứng cử viên đảng Dân chủ dẫn trước đảng Cộng hòa trong cuộc khảo sát kể từ tháng 10/2023.
Tuy nhiên, việc giành được số phiếu phổ thông trên toàn quốc chưa đủ để giúp một ứng cử viên tổng thống chiến thắng chung cuộc như trường hợp của bà Hillary Clinton và ông Al Gore trước đây. Để bảo đảm có được 270 phiếu đại cử tri cần thiết, bà Harris phải chiến thắng ở các bang chiến trường như Pennsylvania và Michigan, những nơi có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử gần đây.
Năm 2020, dù Tổng thống Biden chiến thắng trước cựu Tổng thống Trump với cách biệt 4,5% số phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng ông Biden chỉ thắng với cách biệt mong manh 0,6% phiếu bầu tại bang Wisconsin để có đủ lá phiếu đại cử tri thứ 270 và chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nếu bà Harris phải đối mặt với bất lợi tương tự ở các bang dao động thì việc dẫn trước về số phiếu phổ thông trên toàn quốc chưa đủ bảo đảm việc bà sẽ giành đủ 270 phiếu đại cử tri để có chiến thắng cuối cùng.
Ngày 8/8, hai ứng cử viên Trump-Harris đều xác nhận sẵn sàng cho cuộc tranh luận trực tiếp trên đài ABC News. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đối mặt đầu tiên giữa ông Trump và bà Harris với tư cách ứng cử viên tổng thống đại diện cho hai đảng lớn nhất nước Mỹ.
Giới quan sát dự đoán kết quả cuộc tranh luận lần này nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ tới lá phiếu của các cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri trung lập, trong tháng 11 này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bau-cu-tong-thong-my-co-hoi-tam-chia-deu-281926.html