Ngày 6/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam.
Nông sản Việt có lợi thế cạnh tranh
Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức khóa “Tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam” thuộc nhiệm vụ “Tăng cường năng lực xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng sang thị trường EU thông qua bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Nin, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm INTEC, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh P.C |
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Nin, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm INTEC, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tầm ảnh hưởng lớn, mang lại cơ hội phát triển chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với hiệp định này, hơn 99% dòng thuế xuất khẩu vào EU được xóa bỏ theo lộ trình, giúp các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may… có lợi thế cạnh tranh”.
Do đó, buổi tập huấn là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong Thành phố Hà Nội trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại số đầy tiềm năng, thông qua bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam. Đồng thời tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc khối liên minh EU thông qua hiệp định EVFTA.
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Trần Nguyên Các – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tổ chức kinh tế số đã chỉ ra nhiều cơ hội khi các doanh nghiệp nông sản Việt thâm nhập vào thị trường EU. Ông cho biết, EVFTA khuyến khích ngành nông sản Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn EU, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận các chứng nhận như GI (chỉ dẫn địa lý), Organic và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU, đảm bảo tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng cao của EU, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
Hiện tại, có một số chứng nhận uy tín cho thị trường EU như Protected Geographical Indication (PGI) hoặc Protected Designation of Origin (PDO) – bảo vệ các sản phẩm có nguồn gốc địa lý cụ thể, gắn với phương pháp sản xuất truyền thống; hoặc chứng nhận GlobalG.A.P. được yêu cầu cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo phương pháp bền vững, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường; chứng nhận HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) phù hợp với mọi loại thực phẩm, đảm bảo kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển.
Cơ hội đi kèm thách thức
Những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức bởi EU vốn luôn là thị trường khó tính.
Trước hết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tổ chức kinh tế số chỉ ra thực trạng rằng, tỷ trọng thị trường EU trong xuất khẩu chung của Việt Nam còn khiêm tốn, ví dụ như EU chỉ khoảng 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi dù đã tăng nhưng chưa như kỳ vọng, như với EVFTA chỉ đạt gần 26% (năm 2022). Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu tại thị trường các nước FTA.
Bên cạnh đó, đối với Việt Nam, yêu cầu cao về chất lượng, bảo vệ sức khỏe con người và thương mại, phát triển bền vững (bảo vệ môi trường, bảo đảm các quyền lợi của người lao động, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội)…
Tiến sĩ Trần Nguyên Các – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tổ chức kinh tế số trao đổi cùng doanh nghiệp. Ảnh P.C |
Từ đó, Tiến sĩ Trần Nguyên Các đã nêu lên 4 thách thức của nông sản Việt khi tiến vào thị trường EU.
Thứ nhất, nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia xuất khẩu khác, đặc biệt là trong việc đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn của EU.
Thứ hai, yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản. EU có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu truy xuất nguồn gốc, điều này đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp quy trình sản xuất.
Thứ ba, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao và chứng nhận quốc tế đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn lực lao động có kỹ năng.
Cuối cùng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nông sản có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất lớn và ổn định để xuất khẩu sang EU.
Trước những thách thức trên, đòi hỏi các doanh nghiệp nông sản Việt Nam phải sớm đổi mới toàn diện trên tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó tập trung đổi mới công nghệ, minh bạch về truy xuất nguồn gốc… để nhanh chóng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với những quy định của EVFTA để từ đó hoàn thiện các khâu sản xuất, chế biến…
Nguồn: https://congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-co-hoi-rong-mo-de-nong-san-viet-vao-thi-truong-eu-362883.html