Theo chuyên gia về chứng khoán, việc VN-Index lao dốc tuần qua giữa lúc nhiều thông tin tốt đối với nền kinh tế là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và lựa chọn cổ phiếu theo “khẩu vị” kinh doanh của mình.
VN-Index “lao dốc” về 1.270 điểm
Nhìn lại diễn biến của thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy, sau khi liên tục nỗ lực vượt mốc 1.300 không thành, chỉ số VN-Index đã liên tiếp có 2 phiên giảm điểm. Sau khi để mất mốc 1.280 điểm, VN-Index tiếp tục giảm sâu hơn vào cuối tuần tại mốc 1.270,6 giảm 7,5 điểm (-0,59%) so với phiên trước.
Độ rộng của thị trường nghiêng về bên bán, tại sàn HOSE, số lượng cố phiếu giảm giá hơn gấp đôi cổ phiếu tăng, 230 mã giảm và 95 mã tăng.
Thanh khoản phiên cuối tuần cũng ghi nhận mức khớp lệnh thấp hơn khoảng 11% so với trung bình 20 phiên gần nhất, xuống còn gần 15.500 tỷ đồng toàn thị trường, riêng sàn HOSE là hơn 13.700 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giảm hơn 10 điểm, trong đó, VNM (Vinamilk, HOSE) giảm mạnh nhất với 2,56%. Theo sau là các cổ phiếu giảm dưới 1% như CTG (VietinBank, HOSE), BCM (Becamex, HOSE), ACB (ACB, HOSE), HDB (HDBank, HOSE), MBB (MBBank, HOSE),…
Ở chiều ngược lại, 5 mã cổ phiếu ngược dòng thị trường tăng giá là PLX (Petrolimex, HOSE), POW (PV Power, HOSE), GAS (PV Gas, HOSE), MWG (Thế giới di động, HOSE), FPT (FPT, HOSE).
“Điểm sáng” tuần qua thuộc về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn đã có tín hiệu mua ròng tích cực hơn trong những phiên giữa tuần.
Một cổ phiếu “ngược dòng” tăng gần 220% sau 7 phiên giao dịch
Trước xu hướng tiêu cực toàn thị trường, cổ phiếu VDG (CTCP Vạn Đạt Group, UPCoM) đã “tăng nóng” 218% chỉ sau 7 phiên chào sàn, trong đó 6 phiên “tăng trần”, đạt thị giá 35.000 đồng/cp.
Được biết, VDG chào sàn UPCoM vào ngày 26/9 ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu, ngay phiên đầu tiên mã cổ phiếu địa ốc này đã tăng kịch trần 40% so với giá chào sàn.
Nhờ đó, vốn hóa thị trường của Vạn Đạt Group tăng từ 50 tỷ đồng lên 175 tỷ đồng chỉ sau 7 phiên đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Với diễn biến này, phía công ty đã đưa ra giải trình, biến động giao dịch của cổ phiếu đến từ sự ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư, việc tăng trần là nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Ngoài ra, theo công bố, doanh thu thuần tại VDG 6 tháng đầu năm đạt 110,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1,1 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 47% và 37,6% kế hoạch cả năm.
Vạn Đạt Group hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh sợi, chỉ dệt may. Doanh nghiệp có đầu tư vào một công ty sản xuất sợi nhưng mới dừng ở sở hữu 16% và đang phải trích lập dự phòng.
Loạt biến động “ghế nóng” chủ tịch, tổng giám đốc
Thời gian gần đây, ngoài diễn biến khó lường tại sàn chứng khoán, sự biến động nhân sự cấp cao được ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Saigonres (SGR, HOSE) vừa thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT độc lập của ông Kiều Minh Long và bầu bà Nguyễn Thị Kim Quyên thay thế.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam – LPBank (LPB, HOSE) đã thông báo bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc thường trực, ông Vũ Quốc Khánh giữ chức quyền Tổng Giám đốc từ ngày 4/10. Đồng thời, công bố ông Hồ Nam Tiến sẽ không đảm nhận chức Tổng giám đốc nữa mà giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LPBank.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB, HOSE) tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc Eximbank, có hiệu lực từ 3/10 với thời gian là 3 năm. Ông Hải từng là thành viên Hội đồng đầu tư ABBank, Phó Tổng Giám đốc ABBank Asset Management, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance).
CTCP Tập đoàn Điện Quang (DQC, HOSE) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/10 về việc xin ý kiến thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Hồ Quỳnh Hưng sang ông Trần Quốc Toản. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 31/10 – 11/11.
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG, HOSE) vừa miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Thông theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, HDG bầu ông Lê Xuân Long giữ vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 3/10 cho nhiệm kỳ 2024 – 2029. HDG cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Minh vào trị trí Tổng giám đốc.
6 cổ phiếu sàn UPCoM có cơ hội chuyển sang sàn HOSE
Hiện tại, top 6 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM bao gồm: VGI (Viettel Global, UPCoM), ACV (Cảng Hàng không Việt Nam, UPCoM), MCH (Masan Consumer, UPCoM), MVN (Vinalines, UPCoM) , BSR (Lọc Dầu Bình Sơn, UPCoM), VEA (VEAM, UPCoM) đều có chung “câu chuyện” về việc chuyển sàn sang HOSE.
Trong đó, BSR đã nộp hồ sơ niêm yết sau khi xóa thành công khoản nợ quá hạn 1.127 tỷ đồng của BSR-BF bằng cách cho phá sản. MBS Research đánh giá BSR sẽ chính thức niêm yết trên HoSE từ đầu năm 2025.
Gần đây, HĐQT CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH, UPCoM) thuộc Tập đoàn Masan cũng đã thông qua việc chuyển cổ phiếu lên HOSE và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
BSC Research đánh giá, nếu cả 6 cổ phiếu trên đều chuyển sang HoSE thành công, ACV và BSR sẽ vào nhóm VN30, trong khi POW và BVH bị loại. Cổ phiếu VGI và MVN không đáp ứng tiêu chí giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float, còn MCH thì không đáp ứng tiêu chí về khối lượng giao dịch.
Đồng thời, BSC cũng lưu ý về kỳ đánh giá chỉ số vào tháng 1/2025 sắp tới. Trong trường hợp HOSE không thay đổi bộ quy tắc tính toán chỉ số, tính đến dữ liệu ngày 30/9/2024, LPB (LPBank, HOSE) đã đủ điều kiện vào VN30. Đồng nghĩa với việc POW có nguy cơ bị loại khỏi VN30.
Tính đến phiên 4/10, vốn hóa của LPB xếp sau 16 công ty trong nhóm VN30. Các cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng có mức vốn hóa “khủng”, với ACV và VGI lần lượt xếp thứ 3 và 4 về vốn hóa, vượt qua nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác như Vingroup (VIC, HOSE), FPT (FPT, HOSE), Hòa Phát (HPG, HOSE), và Vinamilk (VNM, HOSE).
Nhận định và khuyến nghị
Ông Nguyễn Chí Hiếu, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, dù diễn biến ngắn hạn không tốt về kỹ thuật, kèm với tâm lý lo ngại thể hiện rõ qua thanh khoản, song, đây cũng là giai đoạn tốt để tích lũy cổ phiếu.
Đối với nhà đầu tư, việc quản trị danh mục và lựa chọn cổ phiếu sẽ là rất quan trọng trong thời gian này, đặc biệt khi thị trường trong 6 tháng qua liên tục tăng theo dạng các cổ phiếu riêng lẻ, chưa có một ngành nào dẫn dắt cụ thể. Ngoài ra, cần duy trì tỷ trọng tiền mặt an toàn để có thể mua trong những cú đạp sâu trong bối cảnh thị trường có thanh khoản thấp và rất nhạy cảm.
Lựa chọn cổ phiếu cho giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư có thể xem xét theo hai hướng: Tập trung vào các nhóm cổ phiếu sẽ hưởng lợi từ việc kích thích kinh tế Trung Quốc: Bao gồm các ngành hàng hóa như: Thép, Cao Su, Phân bón; Tập trung vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, gồm: Đầu tư công, Ngân hàng, Chứng khoán.
Chứng khoán SSI cho biết, thị trường có khả năng hồi phục nhẹ về vùng 1.279 điểm, tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh ngắn hạn vẫn chưa chấm dứt.
Chứng khoán KB đánh giá, thị trường vẫn nghiêng về nhóm mã giảm, chỉ số mất lực đỡ chủ yếu từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index có cơ hội phụ hồi tại quanh các vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư có thể kết hợp trải mua thêm 1 phần tỷ trọng trading khi chỉ số và các mã cổ phiếu mục tiêu điều chỉnh về lại các vùng hỗ trợ 1.255 điểm.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 24 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 7-11/10, trong đó, 21 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả thưởng cổ phiếu.
Tỷ lệ cao nhất là 200%, thấp nhất là 1%.
2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/10, tỷ lệ 40%.
CTCP ILA (ILA, UPCoM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 8/10, tỷ lệ 16,6%.
1 doanh nghiệp trả thưởng cổ phiếu:
CTCP Tập đoàn Green+ (GPC, UPCoM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/10, tỷ lệ 33%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
ANV | HOSE | 11/10 | 27/12 | 5% |
D2D | HOSE | 11/10 | 30/10 | 87% |
SHP | HOSE | 11/10 | 25/10 | 20% |
USC | UPCOM | 11/10 | 23/10 | 1,1% |
X20 | HNX | 11/10 | 28/10 | 6% |
PNC | HOSE | 10/10 | 11/11 | 5% |
YTC | UPCOM | 10/10 | 31/10 | 1,62% |
ITS | UPCOM | 9/10 | 25/10 | 1% |
SLS | HNX | 9/10 | 4/11 | 200% |
BVS | HNX | 9/10 | 22/10 | 8% |
SKH | UPCOM | 9/10 | 30/10 | 21% |
SBM | UPCOM | 9/10 | 25/10 | 10% |
TLP | UPCOM | 9/10 | 25/10 | 2,5% |
TKA | UPCOM | 9/10 | 24/10 | 8% |
TCT | HOSE | 9/10 | 14/11 | 5% |
STW | UPCOM | 8/10 | 18/10 | 9,36% |
E29 | UPCOM | 8/10 | 18/10 | 5% |
SBB | UPCOM | 8/10 | 22/10 | 5% |
NHT | HOSE | 7/10 | 22/10 | 10% |
BTP | HOSE | 7/10 | 31/10 | 1,45% |
RTB | UPCOM | 7/10 | 8/11 | 22% |
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-7-10-11-10-co-hoi-quan-tri-danh-muc-va-lua-chon-co-phieu-cho-nha-dau-tu-20241007082909553.htm