Hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, nhu cầu đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) lớn là những điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hạ tầng KCN tìm đến Quảng Ngãi để “lót ổ”.
Quảng Ngãi xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo tiền đề để phát triển chuyên sâu |
Hạ tầng kết nối đồng bộ
Quảng Ngãi có vị trí địa lý thuận lợi trên các trục kinh tế Bắc – Nam, trục kinh tế Đông – Tây kết nối khu vực biển Đông – Đông Nam Á, có khả năng kết nối nội tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế với hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại sẵn có. Đặc biệt, tỉnh có hệ thống cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Quốc lộ 1 chạy dọc các địa bàn trọng điểm và Quốc lộ 24 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, cảng biển nước sâu Dung Quất là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế…
Theo Sở Giao thông – Vận tải Quảng Ngãi, tỉnh có 30 bến cảng đi vào hoạt động với sản lượng khoảng 45 triệu tấn/năm và đang đề nghị điều chỉnh quy hoạch để nâng cao công suất khai thác cảng Dung Quất lên khoảng 90 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi nằm cạnh Cảng hàng không Chu Lai và liên kết chặt chẽ với Khu kinh tế mở Chu Lai, để phát huy tiềm năng, lợi thế của 2 khu kinh tế nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần sớm xây dựng Dung Quất – Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ trọng điểm của cả nước.
Một lợi thế nữa là nguồn nhân lực ở Quảng Ngãi dồi dào, với dân số hơn 1,2 triệu người, hơn 64% lao động qua đào tạo nghề, chi phí xây dựng và nhân công rẻ hơn các khu vực khác.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất.
Khu kinh tế Dung Quất có diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, là một trong 5 khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Trong tương lai, nơi này sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa, hóa dầu và năng lượng quốc gia, trong đó trọng tâm là lọc hóa dầu, điện khí, tạo cơ hội thu hút những nhà đầu tư chiến lược, là tiền đề để phát triển chuyên sâu, tạo đột phá trong nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Dư địa phát triển hạ tầng KCN còn rất lớn
Ông Đàm Minh Lễ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho hay, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 KCN với tổng diện tích đất khoảng 6.648 ha. Tỉnh định hướng phát triển các KCN này theo các mô hình KCN – đô thị – dịch vụ, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai và lợi thế sẵn có. Đồng thời phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế chuyên biệt, xanh và phát triển bền vững.
Đến nay, Quảng Ngãi có 4 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 178 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 37.643 tỷ đồng; trong đó có 159 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động; thu ngân sách năm 2023 khoảng 2.918,2 tỷ đồng.
“Hiện nay, nhu cầu thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn, trong khi quỹ đất sạch phục vụ cho thu hút các dự án thứ cấp còn ít. Do đó, việc thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN là cần thiết và đây là những lợi thế để tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư”, ông Đàm Minh Lễ cho hay.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP và đầu tư tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nên được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành…
“Quảng Ngãi tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án; tập trung thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Xác định các dự án hạ tầng KCN là tiền để để thu hút các dự án thứ cấp, đặc biệt là các dự án FDI”, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chia sẻ.
Được biết, tại Hội nghị “Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.HCM”, dự kiến diễn ra vào chiều 3/10/2024, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi 6 dự án đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, gồm Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (KCN, đô thị, dịch vụ Bình Thanh), diện tích 1.287,8 ha; Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (KCN Bình Hòa – Bình Phước I), diện tích 342 ha; Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, đô thị, dịch vụ Dung Quất II, diện tích 765 ha; Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN An Phú, diện tích 276 ha; Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN đa ngành Bình Long, diện tích 341,89 ha; Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tại 7 huyện với 23 cụm công nghiệp, diện tích 925,6 ha.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-ha-tang-kcn-o-quang-ngai-d226172.html