Trong tuần qua, thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu không mấy tích cực, VN-Index giảm mạnh 33 điểm; công bố từ các công ty kinh doanh chứng khoán cho thấy lợi nhuận ngành giảm… Các chuyên gia nhận định thế nào về thị trường chứng khoán tuần này?
Tuần qua VN-Index giảm gần 33 điểm
Trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực, chỉ số VN-Index liên tục duy trì trạng thái “lao dốc”, mất gần 33 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.252,7 điểm. Áp lực bán chiếm ưu thế với “sắc đỏ” lan tỏa thị trường, trong khi đó, dòng tiền chảy vào thị trường vẫn còn yếu.
Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt 14.800 tỷ đồng, riêng sàn HOSE là 13.784 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản midcap nổi bật với PDR (Phát Đạt, HOSE), DIG (DIC Group, HOSE), DXG (Đất Xanh, HOSE),… tăng từ 1-2%.
Các nhóm ngân hàng, thép và bán lẻ bất ngờ quay đầu với sức ép, điều chỉnh nhẹ của thị trường.
Dẫn đầu nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực tuần qua là ACB (ACB, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), STB (Sacombank, HOSE), FPT (FPT, HOSE), MBB (MBBank, HOSE), MSN (Masan, HOSE),…
Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index
Nhóm cổ phiếu tích cực với lực đóng góp không đủ tạo lực cản cho đà giảm, dẫn đầu là EIB (Eximbank, HOSE), GMD (Gamadept, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE), DXG (Đất Xanh, HOSE), DIG (DIC Group, HOSE),…
Khối ngoại duy trì lực bán liên tiếp 11 phiên trên toàn thị trường, tổng lực bán vượt 400 tỷ đồng. MSN chịu lực “xả” mạnh nhất với 242 tỷ đồng, kế tiếp là DGC, TCB (Techcombank, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) chịu lực bán từ 50-100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VPB (VPBank, HOSE) được mua tích cực với 6,8 triệu đơn vị, đóng góp 0,2 điểm tăng cho chỉ số phiên cuối tuần.
Lợi nhuận ngành chứng khoán giảm quý thứ 2 liên tiếp
Sau quý đầu năm khởi sắc, tình hình kinh doanh tại nhóm chứng khoán có dấu hiệu chững lại và đi xuống trong 2 quý liên tiếp. Quý 3 vừa qua, tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của nhóm công ty chứng khoán (CTCK) đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2023 nhưng thấp hơn gần 7% so với quý 2 trước đó.
Đây cùng là khoảng thời gian thị trường chứng khoán biến động không mấy thuận lợi. VN-Index rung lắc mạnh tại mốc 1.300 điểm, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Giao dịch trong quý 3 ảm đạm, giá trị bình quân trên HOSE chỉ đạt chưa đến 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ 2023 cũng như giai đoạn nửa đầu năm nay.
Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tự doanh của các CTCK. Môi giới và tự doanh đều gặp khó, cho vay trở thành hoạt động cứu cánh lợi nhuận cho các CTCK.
Quý 3 vừa qua, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của các CTCK ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2023 và cao hơn gần 4% so với quý trước. Đây là quý thứ 3 liên tiếp nguồn thu này tăng trưởng so với quý trước và là mức kỷ lục trong lịch sử.
Lợi nhuận của ngành chứng khoán quý 3 có sự phân hóa rõ rệt, nhiều CTCK ghi nhận LNTT giảm hơn trăm tỷ so với quý 2, như: Chứng khoán SSI (SSI, HOSE), Chứng khoán HSC, Chứng khoán APG và đặc biệt là Chứng khoán SHS (SHS, HNX).
Ngược lại, Chứng khoán VPS (VPS, HOSE), Chứng khoán VNDirect (VND, HOSE), Chứng khoán VIX (VIX, HOSE), Chứng khoán ACBS ghi nhận LNTT tăng mạnh cao so với quý 2 trước đó.
10 CTCK có lãi lớn nhất ngành đều ghi nhận LNTT trên 200 tỷ đồng trong quý 3/2024. Chỉ có duy nhất Chứng khoán TCBS lãi trên nghìn tỷ với LNTT gần 1.100 tỷ đồng, dù vậy, diễn biến LNTT quý 3 cũng giảm so với cùng kỳ 2023 và quý 2 trước đó.
Các khoản lỗ chủ yếu rơi vào các CTCK quy mô nhỏ, nặng nhất là trường hợp của APG với LNTT âm gần 150 tỷ đồng.
Nhìn chung, quý 3 vừa rồi là giai đoạn không thật sự thuận lợi đối với các CTCK. Mọi kỳ vọng đến từ những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thông tư 68 có hiệu lực cho phép nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch không cần ký quỹ 100%,…
“Anh trai vượt ngàn chông gai” giúp Yeah1 đạt doanh thu gấp 3 lần
Theo báo cáo tài chính mới nhất, CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG, HOSE) đã đạt doanh thu hơn 345 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đây là mức doanh thu cao kỷ lục kể từ quý 4/2020 của doanh nghiệp.
Được biết, Yeah1 đã đầu từ cho chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” – phiên bản Việt của chương tình nổi tiếng “Call me by fire” từ Trung Quốc, dành cho các ngôi sao trên 30 tuổi, phát sóng từ cuối tháng 6.
Nhờ sức hút từ hàng triệu lượt xem, nhiều tiết mục lọt vào top trending (xu hướng) trên YouTube và được bàn luận rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, truyền thông, chương trình đã thu hút được hàng chục nhà tài trợ, trong đó lớn nhất là Techcombank.
Từ đó, hoạt động quảng cáo và tư vấn truyền thông đã đóng góp hơn 89% tổng doanh thu của doanh nghiệp, giúp doanh thu mảng này tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Yeah1 ghi nhận lãi gộp hơn 79 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần. Đây cũng là khoản lãi gộp cao nhất của công ty kể từ quý IV/2018.
Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,5 lần do hoạt động kinh doanh phục hồi, Yeah1 vẫn đạt lợi nhuận sau thuế gần 34,3 tỷ đồng, cao gấp 10,7 lần so với quý III/2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2022.
Tổng 9 tháng đầu năm, Yeah1 ghi nhận hơn 629 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt gần 55,8 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần. Như vậy, công ty đã hoàn thành gần 79% doanh thu và 86% lợi nhuận theo kế hoạch năm nay.
Cổ phiếu thép hưởng lợi từ chính sách chống bán phá giá
Những năm qua, ngành thép Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức lớn: sự biến động mạnh của giá nguyên vật liệu, áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy ra khi Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chứng khoán MB (MBS) cho biết, các biện pháp này không chỉ giúp giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh từ thép giá rẻ mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp thép nội địa tái cơ cấu, phục hồi và phát triển.
Việc áp thuế CBPG lên thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc đã tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị phần của các công ty Việt Nam có khả năng gia tăng rõ rệt khi nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc bị hạn chế. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tăng cường sản lượng mà còn cải thiện biên lợi nhuận.
Song, Chứng khoán Shinhan nhấn mạnh, bên cạnh nhiều triển vọng tích cực, ngành vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn như sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhìn chung, các biện pháp chống bán phá giá đang và sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong việc định hình lại cấu trúc của ngành thép Việt Nam. Các doanh nghiệp thép cần tiếp tục tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu để tận dụng các cơ hội mới.
Nhận định và khuyến nghị
Theo Chứng khoán TPS, cổ phiếu MBB (MBBank, HOSE) của Ngân hàng TMCP Quân Đội – MB (MBB, HOSE) được khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 29.000 đồng/cp, kỳ vọng tăng 18% với giá đóng phiên 25/10.
Theo TPS, trong 5 năm gần nhất, có thể thấy chiến lược kinh doanh của ngân hàng MB tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân. Cụ thể, cuối 6/2024, tiền gửi không kỳ hạn khác của khách hàng của MBB đạt 230.210 tỷ đồng chỉ đứng sau nhóm ngân hàng Big4.
Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MBB vào 2019 chỉ đạt 92,352 tỷ đồng, ngang với lượng tiền gửi của TCB và cao hơn không đáng kể so với nhóm các ngân hàng thương mại khác. Phần lớn sự thay đổi đáng kể này có thể thấy rõ kể từ khi MBB thực hiện chuyển đổi số vào giữa 2019.
Ngoài ra, nhờ vào lượng khách hàng cá nhân lớn, tỷ suất của MB đang đứng đầu trong ngành đạt hơn 37%, xếp sau là TCB và VPB vốn cũng rất mạnh trong mảng chuyển đổi số, lần lượt đạt 36% và 33% vào cuối 6/2024.
Có thể nói rằng với chiến lược kinh doanh tập trung vào khối khách hàng cá nhân không chỉ giúp ngân hàng MB có lượng tiền gửi lớn mà còn giúp cho ngân hàng này có tỷ suất CASA tốt, giúp giảm áp lực biên lãi thuần để có nhiều chính sách giá và sản phẩm cho vay tốt hơn.
Ông Vũ Mạnh Minh, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, thị trường đang phải đối mặt với các yếu tố ngắn hạn khá thách thức: Tỷ giá USD/VND leo thang khiến Ngân hàng Nhà nước đã bán USD nhằm ổn định tỷ giá, hút lượng tiền VND khỏi thị trường; cùng lúc, Kho bạc Nhà nước lại mua vào, làm tăng áp lực ngắn hạn lên thanh khoản VND.
Yếu tố khối ngoại cũng tạo ra sự lo ngại khi chưa có xu hướng rõ ràng, mua bán liên tục trong thời gian ngắn và phân hóa rất rõ; tạo ra sự bất ổn trong tâm lý các nhà đầu tư.
Đây là giai đoạn đầy thử thách với NĐT khi kinh tế thế giới và Việt Nam đi theo những con đường khác nhau và chịu nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là NĐT cần giữ vững tinh thần, quản trị rủi ro tốt và luôn theo dõi sát sao các diễn biến của thị trường.
Trong ngắn hạn, NĐT nên hạn chế đầu tư vào các cổ phiếu nhạy cảm với biến động tỷ giá, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vay nợ bằng ngoại tệ lớn. Đồng thời, ưu tiên các mã có câu chuyện cuối năm như bất động sản và đầu tư công, khi đây là những ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các gói đầu tư công đã được phê duyệt cho năm 2025.
Dù ngắn hạn có thể xuất hiện những đợt điều chỉnh mạnh, các yếu tố nền tảng của thị trường vẫn rất tích cực trong trung hạn. Do đó, nhà đầu tư nên tập trung vào chiến lược tích lũy các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn khi giá cổ phiếu giảm về vùng giá hấp dẫn như Ngân hàng – Bất động sản – Khu công nghiệp; không nên mua đuổi khi thị trường tăng nóng, kiên nhẫn xây dựng vị thế bằng cách mua vào khi giá điều chỉnh hợp lý với hành động mua dàn trải nhiều lần.
Chứng khoán KB cho rằng, phe bán tiếp tục chiếm ưu thế, điểm tích cực xuất hiện tại áp lực cung giá thấp đã được kiểm soát tốt hơn, không còn hiện tượng bán thảo, mở ra cơ hội cho nhịp hồi phục sớm. Tuy nhiên, xu hướng đi ngang đang chi phối, các phản ứng hồi phục tại vùng hỗ trợ yếu thường không kéo dài và rủi ro giảm xuống các vùng hỗ trợ mạnh hơn vẫn còn.
Chứng khoán Vietcap nhận định, thiếu lực mua đã khiến gia tăng đà giảm cho VN-Index tuần qua. vùng hỗ trợ chủ đạo trong tuần là 1.240 – 1.250 điểm. Ngưỡng 1.265 điểm đóng vai trò kháng cự cho thị trường, nơi áp lực bán giá cao từ tuần trước sẽ trở lại. Song, hiện tại vẫn chưa có tín hiệu suy yếu của áp lực bán hoặc cải thiện từ phía mua. Do đó, NĐT nên chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ lực cầu trước khi mua.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 9 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 21-25/10, trong đó, cả 9 doanh nghiệp đều trả bằng tiền mặt.
Tỷ lệ cao nhất là 4%, thấp nhất là 20%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
GHC | HOSE | 1/11 | 22/11 | 20% |
TFC | HNX | 1/11 | 20/11 | 12% |
CLW | HOSE | 31/10 | 25/11 | 4% |
PCC | UPCOM | 31/10 | 14/11 | 15% |
BHA | UPCOM | 31/10 | 12/11 | 6% |
ABR | HOSE | 30/10 | 21/11 | 20% |
DHT | HNX | 30/10 | 29/11 | 5% |
BDW | UPCOM | 30/10 | 20/11 | 12% |
XDH | UPCOM | 29/10 | 8/11 | 8% |
* Nhận định và khuyến nghị nêu trong bài chỉ có giá trị tham khảo
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhan-dinh-ve-thi-truong-chung-khoan-tuan-28-10-1-11-20241028083653896.htm