TP – Chuyến tàu liên vận khởi hành từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc đến nước thứ ba với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK).
Hàng hóa qua cửa khẩu miễn hậu kiểm
Nhà máy đặt tại tỉnh Tây Ninh, thay vì vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, đường bộ như trước đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, Thương mại và Dịch vụ Hùng Duy chọn đi bằng đường sắt trên chuyến tàu liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần (Bình Dương). Đại diện công ty cho biết, lô hàng xuất khẩu đầu tiên từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là tinh bột sắn, loại dùng làm thực phẩm.
Gần 500 tấn hàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, Thương mại và Dịch vụ Hùng Duy được đóng trong 19 container loại 40 feet, vận chuyển đến ga Sóng Thần, sau đó đến ga Yên Viên (Hà Nội). Tại đây, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang toa tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù qua các trạm song thủ tục rất nhanh, bởi tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS-VSIS) phân luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).
Hoạt động trong lĩnh vực nông sản tại Bình Dương, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ hàng hóa Hải Âu cho biết: “Ưu điểm của vận chuyển bằng đường sắt là hàng hóa không bị va đập, hư hỏng, di chuyển đúng lịch trình không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác. Hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt sẽ được đi thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua. Với hàng hóa là nông sản, thời gian bảo quản ngắn, việc đi bằng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho DN”.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics (Bình Dương) chia sẻ, tàu liên vận mở ra hướng đi mới cho hàng hóa đến các nước. Thông thường với container 40 feet lạnh, nếu đi đường thủy, cước phí chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm, với đường hàng không sẽ cao gấp hai lần. DN có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, giảm khoảng 1/2 chi phí vận chuyển.
Chuyến tàu liên vận chở hàng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc Ảnh: H.C |
Là đơn vị khai thác chuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ Trung Quốc đến các nước thứ ba, ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, những xung đột chính trị ở một số nước đã ảnh hưởng, làm gián đoạn lưu thông hàng hóa. Để khắc phục, DN chọn giải pháp vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc qua Kazakhstan đến Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Caspian để vào châu Âu.
Theo ông Hùng, việc lựa chọn kênh đường sắt để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng mở ra cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Trung Á, châu Âu thông qua tuyến đường sắt liên vận. Đặc biệt, trong bối cảnh đường vận tải biển đi qua Biển Đỏ đang gặp nhiều rủi ro, giá cước leo thang thì việc đa dạng các tuyến đường vận chuyển sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro.
Lưu thông hàng hóa hai chiều
Xếp hàng hóa lên toa tàu tại ga Sóng Thần |
Có DN lo ngại hàng hóa sẽ ùn ứ, khi nhiều đơn vị chọn vận chuyển bằng đường sắt. Về việc này, ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay ga Sóng Thần quản lý phần diện tích sử dụng khoảng hơn 20 ha. Nhà ga có 17 đường ray với sức chứa trên 350 toa xe, 5 kho chứa hàng. Năng lực xếp dỡ của ga đạt 2.000 tấn hàng hóa xếp dỡ/ngày đêm.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai đầu tư nâng cấp ga Sóng Thần để đạt năng lực khai thác 3,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sau khi được đầu tư, các chuyến tàu liên vận xuất phát từ ga Sóng Thần sẽ chạy thẳng tới Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại, thay vì phải chuyển tiếp ở các ga trong nước như hiện nay. Do đó, ga Sóng Thần đủ sức đáp ứng số lượng hàng hóa lớn.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương Ngô Văn Mít thông tin, trong tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương đạt 4,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có sự tăng trưởng cao như gỗ, sản phẩm từ gỗ tăng 205,3%; sắt thép, sản phẩm từ sắt thép tăng 162,3%; túi xách, ví da, ba lô, mũ, ô (dù) tăng 161,2%; giày dép các loại tăng 127,9%; hàng dệt may tăng 126,4%.
Ông Nguyễn Trần Hiệu – Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương thông tin, địa phương thường xuyên có 3.483 DN xuất khẩu, nhập khẩu với các đối tác tại 213 nước và vùng lãnh thổ. Dù vậy, phần lớn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các DN trên địa bàn được vận chuyển bằng đường biển.
Theo ông Hiệu, việc đưa ga Sóng Thần vào phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ mở rộng sự lựa chọn cho các DN. Sau Tết Giáp Thìn 2024, ga Sóng Thần vận chuyển lô hàng nông sản đầu tiên đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) với 21 toa xe; trong đó có 9 container lạnh chở hoa quả và thực phẩm. Thời gian từ ga Sóng Thần đến Trịnh Châu dự kiến từ 9 – 10 ngày và theo kế hoạch sẽ tổ chức chạy 1 chuyến/tuần.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, các đoàn tàu liên vận có thể quá cảnh Trung Quốc để đi đến một số nước như Nga, châu Âu (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan…), Kazakhstan, Mông Cổ. Lý do mới có một chuyến tàu/tuần vì xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt mới vận hành, khách hàng đang dần chuyển từ các loại hình vận tải khác sang đường sắt. Khi nhu cầu càng tăng, ngành đường sắt sẽ nâng dần tần suất chạy tàu, mục tiêu là chạy hằng ngày.
Tới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng thử nghiệm của nhiều chủ hàng khác nhau nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS – TBS Tân Vạn (Cảng tổng hợp Bình Dương thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương). Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, DN (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất, xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững.