Ngày 2/11, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày càng phát triển. Trong giai đoạn 2017 – 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 45 triệu USD.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 triệu USD trong năm nay.
Nhấn mạnh, Việt Nam và Mông Cổ đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 70 năm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, du lịch.
Cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong tiến trình đó, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mông Cổ.
Để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị hai bên phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; tiếp tục khai thác các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam – Mông Cổ; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới.
Hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại mỗi nước; mở rộng hợp tác đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong các ngành hai bên có thế mạnh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước sang nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, như du lịch, lao động và hợp tác theo các kênh địa phương. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương hai nước cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác bền vững.
Bày tỏ vui mừng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cho rằng, Diễn đàn sẽ góp phần quan trọng, làm phong phú thêm các nội dung hợp tác, đặc biệt góp phần phát triển mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
Trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh thông báo ông và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhất trí việc nâng cấp quan hệ hợp tác Mông Cổ – Việt Nam lên “Đối tác toàn diện” nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024; đồng thời cho biết việc hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông thông qua chuyến thăm lần này, góp phần kết nối giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cho biết, Mông Cổ hiện nay đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai chiều với 26 quốc gia, ký Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với 43 nước. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất tại Mông Cổ có cơ hội được hưởng các ưu đãi thuế ở nhiều quốc gia, như trong khuôn khổ Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu (GSP), Mông Cổ có thể xuất khẩu không thuế đối với 7.200 sản phẩm vào thị trường Liên minh châu Âu.
Thông tin về việc Mông Cổ đã thành lập mới Bộ Phát triển kinh tế nhằm đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan ngoại thương và đầu tư nước ngoài, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh khẳng định, nhà nước Mông Cổ sẽ tiếp tục đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện làm việc ổn định và môi trường pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng thống cho rằng Việt Nam và Mông Cổ có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, như lương thực, năng lượng, nông nghiệp, khai khoáng, giao thông vận tải, môi trường và du lịch. Doanh nghiệp hai nước hoàn toàn có thể hợp tác theo hướng cung ứng quặng sắt, than cốc, khai thác và chế biến đất hiếm.