Chứng khoán Việt Nam thiếu thông tin hỗ trợ; 6 cổ phiếu tiềm năng cuối năm; PNJ dự kiến tăng 18% lợi nhuận; Cổ phiếu Vietravel tăng vọt; Lịch trả cổ tức.
VN-Index trầm lắng khi “trống” thông tin
Sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn trong tuần qua đến từ lực cầu yếu cùng áp lực bán ròng trở lại của khối ngoại, sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ khiến tâm lý nhà đầu tư khó có thể vững vàng.
VN-Index ghi nhận 4 phiên liên tiếp giảm điểm tại vùng kháng cự 1.280 điểm, giảm tổng cộng 7,57 điểm (-0,6%) sau 5 phiên, xuống 1.262,57 điểm.
HNX Index giảm nhẹ 0,99 điểm, còn 227 điểm; UPCOM cũng giảm 0,14 điểm, còn 92,54 điểm.
Thanh khoản giảm mạnh khi thị trường tiếp tục biến động, thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt. Trừ nhóm ngành ngân hàng diễn biến trong sắc xanh, nhiều cổ phiếu các dòng chứng khoán, bất động sản, dầu khí, thép… đều có biến động trầm lắng, chìm trong sắc đỏ.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp với 1.207 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cổ phiếu VCB (Vietcombank, HOSE) chịu áp lực bán mạnh nhất với giá trị bán ròng 54 tỷ đồng. Kế tiếp là loạt cổ phiếu lớn khác, gồm: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) là 37 tỷ, VPB (VPBank, HOSE) là 21 tỷ,…
Ngược chiều, HDB (HDBank, HOSE) được gom mạnh nhất sàn với giá trị 58 tỷ đồng; CTG (VietinBank, HOSE), SSI (Chứng khoán SSI, HOSE),… cũng được khối ngoại mua ròng với giá trị khoảng vài chục tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Nhận định về diễn biến tuần mới, các chuyên gia cho rằng dòng tiền ảm đạm đang là yếu tố đáng chú ý. Dù vậy, xu hướng trung, dài hạn vẫn tương đối tích cực và nhà đầu tư (NĐT) cần tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như lên chiến lược phân bổ tỷ trọng vào các ngành cổ phiếu tiềm năng.
T&T trở thành cổ đông chiến lược, cổ phiếu Vietravel tăng vọt
Ngược chiều xu hướng thị trường, VTR (Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel, UPCoM) tăng liên tiếp 3 phiên.
Kết phiên cuối tuần, cổ phiếu VTR dừng ở 22.500 đồng/cổ phiếu, tăng tới 7,66% so với phiên trước. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này tăng kịch trần với gần 12%.
Diễn biến này xuất hiện nhờ thông tin T&T Group trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines.
Theo đó, Tập đoàn Vietravel, Công ty CP Vận tải và Thương mại hàng không T&T (T&T Airlines), Công ty TNHH Siêu cảng và Trung tâm Logistics Quốc tế T&T (T&T SuperPort), Công ty CP Quản lý Quỹ BVIM vừa chính thức trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group, trở thành cổ đông chiến lược của Vietravel Airlines là cột mốc quan trọng của T&T Airlines, T&T SuperPort nói riêng và T&T Group trong giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp. Việc hợp tác, đầu tư này thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải, hàng không và du lịch; tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế…
PNJ được kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 tăng 18%
Mới đây, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ (PNJ, HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh thu đạt 35.210 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận sau thuế 1.876 tỷ đồng, tăng 8%.
Kết quả này đến từ doanh thu bán lẻ trang sức tăng 16%, chiếm 57,1% tổng doanh thu, giúp PNJ hoàn thành 95% chỉ tiêu doanh thu và 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
11 tháng qua, số lượng cửa hàng tại PNJ đã tăng lên 424 cửa hàng trên toàn quốc, mở mới 35 cửa hàng. Dự kiến trong năm 2025, mạng lưới này tiếp tục được mở rộng thêm 30-35 cửa hàng, tận dụng cơ hội giành thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ không đáp ứng quy định nguồn gốc vàng.
Dựa vào tình hình trên, Chứng khoán SSI nhìn nhận tích cực về triển vọng PNJ, dự báo doanh thu năm 2025 đạt 39.000 tỷ đồng (trong đó doanh thu bán lẻ tăng 14%) và lợi nhuận ròng đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 18%, nhờ tỷ trọng doanh thu bán lẻ tăng và giảm tác động từ khi giảm hàng tồn kho.
Ở diễn biến khác, bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch của PNJ, vừa đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/12/2024 – 16/1/2025. Nếu giao dịch thành công, bà sẽ nâng lượng sở hữu lên hơn 11,8 triệu cổ phần (2,33%), tương ứng 3,51% vốn điều lệ.
Điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng nửa cuối năm
Chứng khoán Agriseco (AGR) cho rằng, đây là giai đoạn phù hợp để giải ngân trở lại sau khi thị trường tạo đáy ngắn hạn trong tháng 11. Do đó, NĐT nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm tăng trưởng tích cực để xây dựng danh mục đầu tư tháng 12.
Theo đó, công ty điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng cho thời điểm cuối tháng 12 này.
FPT (CTCP FPT, HOSE) với triển vọng dài hạn từ chất bán dẫn, AI khi đã chính thức cùng Nvidia ra mắt nhà máy AI cung cấp dịch vụ AI, Cloud tại Việt Nam và Nhật Bản. Agriseco kỳ vọng đây là động lực dài hạn thúc đẩy FPT khi FPT vốn đã có tiềm lực tài chính tốt, duy trì chính sách cổ tức đều đặn (công ty cũng chuẩn bị chi trả cổ tức tiền mặt 2024 tỷ lệ 10% vào tháng 12 tới).
GMD (CTCP Gemadept, HOSE) khi tăng vốn nhằm mở rộng đầu tư gia tăng công suất. Mới đây, GMD đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 29.000 đồng/cp, nhằm huy động thêm 3.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để triển khai dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 dự kiến triển khai từ cuối năm 2024. Ngoài ra, dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 cũng sẽ được triển khai từ năm 2025.
HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát, HOSE) đạt định giá ở mức hấp dẫn. AGR đặt kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HPG tiếp tục được cải thiện với động lực chính từ thép xây dựng trong nước: Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng bán hàng thép xây dựng nội địa tháng 10 của HPG đạt hơn 378.000 tấn, tăng 65% so với cùng kỳ. Về khía cạnh pháp lý, luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế và thúc đẩy nguồn cung, thúc đẩy việc Chính phủ đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông giúp tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
AGR đánh giá mức giá hiện tại là phù hợp để nắm giữ dài hạn đối với cổ phiếu HPG.
KDH (CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, HOSE) nhờ triển vọng trung và dài hạn nhờ quỹ đất lớn. Doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất trên 600ha tại khu vực phía Đông TPHCM. Tính tới thời điểm kết thúc tháng 9, hàng tồn kho đạt 22.450 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm tại các dự án KDC Tân Tạo, Emeria, Clarita, Solina, Green Village, Phong Phú 2, cụm Công nghiệp Bình Trưng. Đây đều là các dự án có tiềm năng tăng giá, dự kiến sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho KDH.
REE (CTCP Cơ Điện Lạnh, HOSE) với 2 mảng kinh doanh cốt lõi đón nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, mảng thủy điện là động lực tăng trưởng chính trong các quý tiếp theo, khi nhu cầu điện trong năm 2025 dự báo ở mức cao với kịch bản cơ sở tăng trưởng điện đạt 11-12% (theo Bộ Công Thương). Mảng thủy điện của REE sẽ được huy động nhiều hơn nhờ xác suất cao xảy ra La Nina vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Ngoài ra, 2 nhà máy thủy điện Trà Khúc 2 và nhà máy điện gió Duyên Hải được REE mua lại trong năm 2024 với tổng công suất là 78MW dự kiến sẽ đóng góp doanh thu từ năm 2026.
VCB (Vietcombank, HOSE) đạt kế hoạch tăng vốn hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước (20.695 tỷ đồng) nhằm tăng vốn cho VCB lên 83.591 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định (ước tính 45.900 tỷ đồng) của VCB kỳ vọng sớm được chấp thuận trong thời gian tới, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset, đưa ra nhận định rằng: “Cơn gió lớn đang đổi chiều, cả thế giới tài chính đang đứng trước những chuyển động mạnh mẽ của vĩ mô toàn cầu”.
Đối với các thông tin vĩ mô, Mỹ – trung tâm kinh tế thế giới, đang khiến thị trường kỳ vọng mạnh vào việc giảm lãi suất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gửi tín hiệu rõ ràng về khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản vào kỳ họp tháng 12. Tuy nhiên, thực tế rằng đồng USD đã mạnh lên trong tuần qua. Ở trong nước, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì mức cao quanh 25.450 trong tuần qua. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực tỷ giá chưa thực sự được giải tỏa hoàn toàn.
Hiện, thị trường đang ở một vùng định giá đặc biệt hấp dẫn, mở ra cơ hội cho NĐT dài hạn. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường tăng trưởng gần 68%. Các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cùng với sự phục hồi của dòng tiền, chính là động lực chính cho thị trường bước vào một chu kỳ mới. Đây là lúc để nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, bởi vùng đáy định giá hôm nay có thể là bệ phóng cho những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Những cổ phiếu đáng chú ý nhất không nằm ngoài 3 ngành trụ cột của nền kinh tế, gồm: Chứng khoán với SSI (Chứng khoán SSI, HOSE); Ngân hàng với CTG (VietinBank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE); Thép với HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), NKG (Thép Nam Kim, HOSE).
Ngoài ra là nhóm bất động sản khu công nghiệp với KBC (Đô Thị Kinh Bắc, HOSE) và SZC (Sonadezi Châu Đức, HOSE).
Ông Hiếu đưa ra lưu ý, câu chuyện của thị trường lúc này không chỉ là những con số, mà còn là niềm tin. Với nền kinh tế đang lấy lại sức mạnh, chính sách hỗ trợ đồng bộ và dòng tiền thông minh đang quay trở lại, đây là thời điểm để những NĐT cần nhìn xa và hành động đúng lúc.
Chứng khoán Vietcap cho rằng, VN-Index giữ được ngưỡng 1.260 điểm. Xu hướng tăng sẽ được củng cố nếu hoạt động mua gia tăng giúp chỉ số vượt kháng cự 1.270 điểm. Tuy nhiên, vận động tăng trên thanh khoản thấp sẽ kéo dài giai đoạn đi ngang và làm giảm độ tin cậy của tín hiệu tích cực vốn có.
Chứng khoán SSI nhận định, mặt bằng thanh khoản thấp làm giảm sự sôi động của VN-Index, gây áp lực lên khả năng giữ biên độ 1.264 – 1.276 điểm. VN-Index đang lùi về vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.260 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn dần rõ nét. Dự kiến, chỉ số sẽ tiếp tục dao động trong phạm vi 1.256 – 1.268 điểm, với đà giảm tạm thời chiếm ưu thế.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 20 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 2 đến 6/12, trong đó, 19 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt và 1 doanh nghiệp phát hành thêm.
Tỷ lệ cao nhất là 95%, thấp nhất là 1%.
1 doanh nghiệp phát hành thêm:
CTCP Thép Nam Kim (NKG, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/12, tỷ lệ là 50%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
HPP | UPCOM | 16/12/2024 | 8/1/2025 | 10% |
IDV | HNX | 16/12/2024 | 30/12/2024 | 15% |
CNC | UPCOM | 16/12/2024 | 30/12/2024 | 20% |
VSI | HOSE | 16/12/2024 | 26/12/2024 | 10% |
HPD | UPCOM | 17/12/2024 | 8/1/2025 | 10% |
BFC | HOSE | 17/12/2024 | 30/12/2024 | 5% |
S4A | HOSE | 19/12/2024 | 8/1/2025 | 12% |
GDT | HOSE | 19/12/2024 | 31/12/2024 | 10% |
MCH | UPCOM | 19/12/2024 | 30/12/2024 | 95% |
CX8 | HNX | 19/12/2024 | 9/1/2025 | 1% |
DRC | HOSE | 19/12/2024 | 10/1/2025 | 5% |
HAM | UPCOM | 19/12/2024 | 10/1/2025 | 10% |
TIP | HOSE | 19/12/2024 | 24/1/2025 | 13% |
HC3 | UPCOM | 19/12/2024 | 3/1/2025 | 10% |
AVC | UPCOM | 19/12/2024 | 10/3/2025 | 5% |
DM7 | UPCOM | 19/12/2024 | 3/1/2025 | 10% |
VPD | HOSE | 20/12/2024 | 22/1/2025 | 14% |
THP | UPCOM | 20/12/2024 | 21/1/2025 | 2% |
TVT | HOSE | 20/12/2024 | 16/1/2025 | 4% |
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-16-20-12-co-hoi-giai-ngan-nhom-co-phieu-dau-nganh-20241216091855301.htm