Xu hướng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor), ngành bán dẫn thế giới đang có 4 xu hướng phát triển nổi bật.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024. Ảnh: Bình Minh

Đầu tiên là những tiến bộ công nghệ bán dẫn. Các “ông lớn” trong ngành như TSMC, Samsung, Intel dự kiến sản xuất chip 2nm trong năm 2025 và 1nm trong khoảng 2026 – 2027; Rapidus (Nhật Bản) cũng đặt mục tiêu 2nm trong năm 2027… 

Công nghệ đóng gói mới (chiplets, 3D stacking) đang giúp thay đổi đáng kể hiệu quả hoạt động của chip. Chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu sẽ có sự thay đổi, mở lối tham gia chuỗi cho nhiều vendor (nhà cung cấp) mới. Cơ hội đang tới với nhiều doanh nghiệp Việt.

Thứ hai, sự tăng tốc đầu tư và hỗ trợ của các Chính phủ cho fab (nhà máy sản xuất bán dẫn). 

TSMC dự kiến sẽ có Fab1 (4nm trong năm 2025) và Fab2 (3nm và 2nm trong năm 2028) ở bang Arizona – Mỹ; Fab1 (28/22nm và 16/12nm trong năm 2024) và Fab2 (6/7nm năm 2027) ở Kumamoto – Nhật Bản. 

Intel có Fab52 và Fab62 (20A, năm 2025) ở Arizona, Fab27 (18A, năm 2026) ở Ohio – Nhật Bản. 

Rapidus sẽ có Fab (2nm, năm 2027) ở Hokkaido – Nhật Bản. 

Các fab này đều nhận được hỗ trợ hàng chục tỷ USD từ Chính phủ.

Tại Mỹ, Đạo luật Chips (Chips Act) ban hành vào tháng 8/2022 nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn và duy trì lợi thế công nghệ của của quốc gia. Một số mục tiêu đặt ra gồm: Tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước; Tăng cường R&D (nghiên cứu và phát triển) ngành bán dẫn; Tăng cường an ninh quốc gia; Tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của Mỹ.

39 tỷ USD sẽ được Chính phủ đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất chip của nước Mỹ, trong đó có 500 triệu USD đầu tư vào hoạt động đào tạo, phát triển lực lượng lao động. 

“Việt Nam nằm trong danh sách 7 quốc gia có thể nhận được hỗ trợ của Mỹ theo Chips Act để cải thiện sản xuất cũng như đào tạo nhân lực bán dẫn. Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành đối tác của Chips Act. Điều này giúp các nước khác cởi mở hơn khi hợp tác với Việt Nam”, ông Hòa chia sẻ tin vui.

Thứ ba, những môi trường công nghệ mới như EV (xe điện), Autonomous vehicles (xe tự hành), Green manufacturing (sản xuất xanh), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật)… sẽ khiến nhu cầu về chip tăng hàng chục, hàng trăm lần. Đây là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành bán dẫn thế giới.

Cuối cùng là sự thiếu hụt nhân sự. Báo cáo của McKinsey & Company dự đoán đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu hụt 1 triệu lao động tay nghề cao trong ngành bán dẫn. 

“Tôi đã tới nhiều nước phát triển về bán dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)…, thấy giới trẻ đều không muốn làm chip vì nghĩ lĩnh vực này nhàm chán. Trong khi ngành chip Việt Nam đã trải qua hành trình khoảng 20 năm phát triển với lợi thế nguồn lực STEM. Việt Nam đang có đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư thiết kế, trên 40 doanh nghiệp bán dẫn, và là điểm đến của hơn 50 doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài. Đây là cơ hội cho chúng ta”, ông Hòa cho hay.

“Nhiều năm trước, Nhật Bản trỗi dậy cạnh tranh với Mỹ, tạo cơ hội cho Đài Loan (Trung Quốc) nhảy vào chuỗi cung ứng và tạo dựng vị thế trong ngành bán dẫn toàn cầu. Gần đây, lại xuất hiện căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, kéo theo loạt hạn chế, lệnh trừng phạt…, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng bán dẫn, và Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty bán dẫn từ khắp nơi trên thế giới. Việt Nam đang có cơ hội vượt lên trong “khúc cua” công nghệ khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy”, Chủ tịch FPT Semiconductor phân tích.

Chọn ngách để cạnh tranh

“Thế giới đang nói rất nhiều về TSMC – một trong những công ty hàng đầu về công nghệ bán dẫn. Xuất phát điểm của họ là công ty outsource (làm dịch vụ thuê ngoài), nhận làm cho cả IBM và Intel. Họ đã đi lên từ con số 0. Chúng tôi cũng như vậy, FPT Semiconductor hiện đã phát triển khoảng 100 kĩ sư trong nước và 50 kĩ sư tại nước ngoài (chủ yếu tại Nhật Bản), đảm nhận công việc thiết kế sản phẩm bán dẫn của rất nhiều khách hàng trên thế giới, được tham gia những công nghệ rất cao”, ông Hòa kể. 

FPT bắt đầu “nhập cuộc” bán dẫn từ hơn 10 năm trước. Ảnh: FPT

FPT bắt đầu “nhập cuộc” bán dẫn từ hơn 10 năm trước. Các dịch vụ thiết kế vi mạch được doanh nghiệp Việt này cung cấp từ năm 2014, bắt đầu từ thị trường Nhật Bản.

Cũng giống với mảng xuất khẩu phần mềm, FPT khởi động mảng bán dẫn từ Nhật Bản, sau đó triển khai sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Hàn Quốc, Châu Âu…

“Chúng ta có không ít chuyên gia bán dẫn đã học và làm việc ở nước ngoài. Họ sẵn sàng quay về Việt Nam để cùng nhau làm những việc lớn lao hơn”, ông Hòa nhấn mạnh một trong những ưu thế của Việt Nam trên “sân chơi” bán dẫn.

Sự thông minh, linh hoạt của doanh nghiệp Việt thể hiện ở chỗ tìm ra thị trường ngách để cạnh tranh.

Ngách thứ nhất – chip nguồn (sẽ có ở tất cả các thiết bị: Điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy giặt, tivi, tủ lạnh…).

FPT Semiconductor đang tập trung vào các dòng sản phẩm liên quan đến chip nguồn. Sản phẩm chip đầu tiên được doanh nghiệp Việt này thiết kế và phát triển vào năm 2022. Đây là một con chip LDO (điều chỉnh và ổn định điện áp đầu ra). FPT Semiconductor thiết kế rồi gửi sang nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc, đóng gói ở nhà máy tại Malaysia và test (kiểm thử) tại Việt Nam.

“Từ năm 2022, chúng tôi đã làm con chip rất đơn giản nhưng đáp ứng nhu cầu khắt khe nhất của các khách hàng Nhật. Hiện tại, hơn 70 triệu sản phẩm chip nguồn của FPT đã được đặt hàng. Khách hàng gồm cả những công ty sản xuất máy in, camera hàng đầu của Nhật. Sản phẩm của chúng tôi đảm bảo tiêu chuẩn của Nhật và sẵn sàng đưa ra thị trường. 

Chúng tôi đã xây dựng lộ trình phát triển cho các sản phẩm chip nguồn và đang bám sát lộ trình này, đồng thời thảo luận với khách hàng về các sản phẩm chip IoT khác. Từ giờ đến năm 2026, chúng tôi sẽ làm khoảng 30 con chip như vậy. Chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều ngách như thế cho các công ty trẻ, mới tham gia thị trường này”, Chủ tịch FPT Semiconductor hào hứng thông tin.

Phát triển IP core (lõi sở hữu trí tuệ bán dẫn) cũng là một lĩnh vực hoạt động của FPT Semiconductor, hiện chủ yếu tập trung vào analog IP liên quan đến chip quản lý nguồn. Khách hàng có thể kết hợp các IP này để thiết kế ra chip quản lý nguồn theo ý muốn riêng. Khi khách hàng phát sinh yêu cầu, doanh nghiệp Việt chỉ cần sắp xếp, chỉnh sửa một chút rồi đưa ra thị trường một cách nhanh chóng (ước tính chỉ trong vòng 3 – 6 tháng kể từ ngày nhận yêu cầu đối với chip nguồn trong máy tính bảng, cho RAM, camera…).

Ngách thứ hai – Standard Cell (phần tử logic cơ bản dùng để thiết kế mạch số). Kỹ sư của FPT Semiconductor đã làm được từ mức 180nm đến 5nm, và đang phát triển ở mức 3nm. Công nghệ được dùng cho cả TSMC, Samsung và Detech.

Một số thư viện Standard Cell, I/O, Memory Compilers đã được doanh nghiệp Việt phát triển, đang đề xuất khách hàng Nhật Bản sử dụng.

Ngách thứ ba – dịch vụ kiểm thử. OSAT (lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn thuê ngoài) là một công đoạn trong sản xuất chip mà Việt Nam có tiềm năng thực hiện. Quy mô toàn ngành OSAT dự kiến lên tới 71 tỷ USD vào năm 2029.

FPT Semiconductor đang hợp tác cùng đối tác Đài Loan xây dựng nhà máy ATE (thiết bị kiểm tra tự động) để thực hiện một phần công việc của OSAT, và mong muốn được hợp tác với thêm nhiều công ty OSAT tại Việt Nam để gia tăng sức mạnh trong mảng này. 

Ngay trong năm nay, nhà máy kiểm thử đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc sẽ đánh dấu bước khởi đầu mới của FPT Semiconductor, sau đó có thể mở rộng ra nhiều tỉnh/thành phố khác.

Cùng “giải bài toán” thiếu hụt nhân lực

Doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 600 tỷ USD.

Cùng với sự bùng nổ của ngành bán dẫn, đặc biệt là AI chip trong các năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều đang và sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức lớn trong việc thiếu hụt nhân sự.

Một số tổ chức như Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, Hiệp hội Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin của Nhật Bản, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc… đã đưa ra những số liệu dự báo cụ thể.

Tại Mỹ, tới năm 2030 dự kiến thiếu hụt 67.000 lao động trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu Mỹ tìm cách tự cung cấp chip, con số này sẽ tăng lên khoảng 300.000.

Tại Nhật Bản, chỉ tính riêng 8 doanh nghiệp bán dẫn lớn, trong 10 năm tới dự kiến thiếu 40.000 lao động.

Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu ít nhất 30.000 lao động trong 10 năm tới.

Đây là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam.

Doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 600 tỷ USD. Ảnh: FPT

Đại học FPT, FPT Polytechnic và FPT Academy đang hợp tác đào tạo với một số trường ở các quốc gia thiếu nhân lực bán dẫn để đón đầu cơ hội lớn.

Mong muốn góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trên thế giới bằng sức mạnh của các kỹ sư trẻ Việt Nam, các cơ sở giáo dục trong Tập đoàn FPT đang tích cực triển khai đào tạo kỹ sư bán dẫn với cả 3 loại hình: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đầu ra sẽ có cả kỹ sư, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu làm việc căn bản trong nhà máy, các kỹ sư thiết kế ở mức đại học, và cả những kỹ sư phần mềm hoặc kỹ sư ngành khác chuyển sang làm thiết kế chip.

“Chúng tôi đã hợp tác với gần 20 đại học trên thế giới để góp phần hiện thức hóa mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn mà Chính phủ đề ra”, ông Hòa nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm: “Xu hướng chuyển dịch nhân sự đang thay đổi. Nếu trước đây, kỹ sư Việt thường phải đi làm tại văn phòng công ty khách hàng (on-site), thì nay, mô hình thuê nguồn lực bên ngoài (offshore) dần được ưu tiên. Do vậy, có thể xây dựng các trung tâm lớn tại Việt Nam, để sinh viên tốt nghiệp đại học tới và tham gia sản xuất chip cho khách hàng nước ngoài”. 

Năm vừa rồi, FPT là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được 1 tỷ USD trong lĩnh vực phần mềm. FPT đã mất 20 năm để gặt hái thành quả như vậy. Hiện FPT đã có hơn 30.000 kỹ sư phần mềm, làm trong rất nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, tài chính, y tế, ô tô…

“Chúng tôi mong muốn viết tiếp câu chuyện tương tự cho ngành bán dẫn. Tập đoàn FPT đặt mục tiêu đến năm 2033, nhân sự bán dẫn sẽ phát triển đạt mốc 30.000 người, có thể sản xuất được các sản phẩm lớn như AI chip. Ngoài những con chip nguồn mức đơn giản, chúng tôi có thể thiết kế những con chip cao cấp hơn nữa, để đưa Việt Nam có thể đứng vững chắc trong lĩnh vực chip. 

Rất mong có thêm sự ủng hộ của Chính phủ và sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp khác để chúng ta có thể làm được những việc lớn”, Chủ tịch FPT Semiconductor hướng tới tương lai.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/co-hoi-de-viet-nam-vuot-len-trong-khuc-cua-cong-nghe-2311331.html