Công nghiệp hàng không là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà sản xuất nội địa nào đủ điều kiện để tham gia các chuỗi cung ứng của các hãng chế tạo máy bay. Tuy nhiên, cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã bắt đầu để mắt tới thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân này.
Một cơ sở nghiên cứu chế tạo máy bay ở tỉnh Aichi (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng/VNS
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Thương mại 2023 mà Boeing công bố hồi tháng 6/2023, hãng này dự báo nhu cầu máy bay thương mại mới trên thế giới từ nay tới năm 2042 lên tới gần 42.600 chiếc máy bay, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm cả Việt Nam) chiếm hơn 40%.
Đáng chú ý, nhu cầu máy bay mới của các hãng hàng không Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, với 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đủ điều kiện để tham gia vào các chuỗi cung ứng của các hãng chế tạo máy bay lớn trên thế giới. Trong số các công ty có thể sản xuất linh kiện, phụ tùng cho Boeing, Việt Nam có khoảng 5 công ty nhưng đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Tập đoàn Airbus khi hãng này chỉ có hai đối tác tại Việt Nam đủ điều kiện cung cấp các thiết bị cơ điện, cấu trúc compostie, linh kiện cho máy bay của hãng (gồm Công ty TNHH Meggitt (Pháp) và Công ty TNHH Nikkiso (Nhật Bản)) nhưng đều là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân chủ yếu là để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các hãng chế tạo máy bay như Boeing, Airbus hay Lockheed Martin, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của mỗi hãng, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về kỹ thuật và chất lượng của ngành công nghiệp hàng không. Chẳng hạn, theo ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty TNHH Onaga – doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay cung cấp cho Boeing ở Việt Nam, một trong những yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp phụ trợ khi có ý định tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng không, vũ trụ toàn cầu là họ cần phải có chứng nhận AS9100 “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing, kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu Brendan Nelson. Ảnh TTXVN phát
Mặc dù vậy, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu như vậy đã đến khi ông lớn Boeing bắt đầu để mắt tới thị trường này. Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại thành phố San Francisco hôm 15/11, Tiến sĩ Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu, thông báo Boeing cam kết xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay. Ông Brendan Nelson nhấn mạnh “việc phát triển ngành hàng không sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước và người dân”.
Ông Brendan Nelson mong muốn với kinh nghiệm của mình, Boeing sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo phi công, kỹ thuật viên, đội ngũ phục vụ bay; hỗ trợ về quy định an toàn bay và đội ngũ quản lý an toàn bay; xây dựng, vận hành trung tâm bảo dưỡng, bảo trì máy bay.
Tuy nhiên, theo ông Onaga Masaru, để việc hợp tác được thành công thì không thể thiếu được sự nỗ lực của tất cả các bên, cũng như sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó, phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) tổ chức hôm 7/11, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G kiêm Chủ tịch HANSIBA, đã đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hàng không; đào tạo kỹ sư kỹ thuật cao và công nhân kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp Việt Nam; tư vấn công nghệ, dây chuyền và máy móc sản xuất đạt chuẩn ngành hàng không; xây dựng thiết kế quy chuẩn của một nhà máy có nhà xưởng theo tiêu chuẩn đủ điều kiện sản xuất sản phẩm theo yêu cầu ngành hàng không; cùng nhau chọn lựa sản phẩm để sản xuất, tức là đầu ra cho các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng cũng đề nghị các bên cùng nhau hợp tác, thúc đẩy các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nói chung và Boeing nói riêng./.
Linh Anh