Báo chí có quá phụ thuộc vào nguồn tin từ mạng xã hội?
Với tính năng ưu việt, lan truyền nhanh, tính tương tác cao, nhưng chính tính nhanh nhạy đó cũng chính là điểm yếu của mạng xã hội (MXH) khi chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, người dùng không đủ suy xét độ chính xác của thông tin.
Ngoài việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, MXH còn làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống khi một số phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin truyền thống trên thực tế, chuyển qua đi “săn tin” trên MXH. Thậm chí một số tờ báo cũng chấp nhận cách thức khai thác thông tin này. Tuy nhiên, nếu nhà báo sử dụng thông tin trên MXH bừa bãi, không kiểm chứng nguồn tin sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Bàn về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus chia sẻ: “Mạng xã hội đã trở nên phổ biến và ăn sâu vào đời sống đến mức báo chí không thể quay lưng lại với nó. Theo thống kê, Việt Nam có tới xấp xỉ 80% dân số tiếp cận với internet, 70% dân số có ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Và khi ai cũng có trong tay một chiếc smartphone thì có nghĩa là ai cũng có thể trở thành nhà báo công dân. Vậy nên báo chí không thể bỏ qua nguồn thông tin dồi dào và khổng lồ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, với đặc điểm là dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, nên mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Đã có nhiều cơ quan báo chí lớn trong nước xây dựng các chuyên mục chuyên về xác thực thông tin trên MXH. Đi sâu vào những vấn đề công chúng trên MXH quan tâm, đồng thời có phản hồi để khẳng định thông tin đó đúng, sai, là thông tin giả, thông tin thiếu khách quan, một chiều hay đơn giản là chưa được kiểm chứng.
Nghề báo được ví như người canh gác cho sự tử tế, minh bạch và trách nhiệm trong xã hội. Chính vì thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người làm báo cần phải thể hiện rõ vai trò của mình là người xác thực thông tin, hoặc đào sâu những khía cạnh khác từ những thông tin, hình ảnh mà công dân đã đăng tải. Đó là sự khác biệt giữa nhà báo công dân và nhà báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên điều này cũng làm nảy sinh một vấn đề, đó là liệu nhà báo có quá bị phụ thuộc và chạy theo xác minh thông tin trên mạng xã hội?”.
Tiếp tục định vị lại giá trị của mình
Người Việt đọc tin tức qua mạng xã hội hay qua báo chí là câu hỏi đang được quan tâm. Trong Quý II năm 2024, bức tranh tiêu thụ tin tức tại Việt Nam cho thấy sự thay đổi năng động, được đánh dấu bởi sự khác biệt về sở thích giữa các thế hệ trên nhiều nền tảng kỹ thuật số. Theo dữ liệu từ Decision Lab, Facebook vẫn tiếp tục thống trị như một nguồn tin tức chính cho thế hệ trẻ, với 38% người thuộc thế hệ Z lựa chọn nền tảng mạng xã hội này.
Xu hướng này nhấn mạnh sức ảnh hưởng bền vững của Facebook, dù phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các kênh thông tin mới. Thế hệ Y, thường được xem như là cầu nối giữa phương tiện truyền thông truyền thống và kỹ thuật số, thể hiện một cách tiếp cận đa dạng hơn. Facebook vẫn là một thành trì vững chắc, thu hút 31% người dùng thuộc thế hệ Y. Tuy nhiên, thế hệ này cũng có sự tương tác đáng kể với các trang tin tức địa phương, với 28% người dùng dựa vào các nền tảng này. Điều này cho thấy mặc dù MXH rất quan trọng, nhưng vẫn có một nhu cầu đáng kể đối với nội dung được điều chỉnh theo bối cảnh và vấn đề địa phương.
Google nổi lên như là một cổng thông tin quan trọng, đặc biệt đối với thế hệ X, với 26% người thuộc nhóm này sử dụng công cụ tìm kiếm khổng lồ để cập nhật tin tức. Con số này nhấn mạnh sự phụ thuộc liên tục vào các công cụ tìm kiếm để tổng hợp tin tức, một xu hướng phổ biến ở tất cả các thế hệ nhưng đặc biệt rõ ràng ở nhóm người lớn tuổi, những người có thể ưu tiên việc truy cập trực tiếp vào các nguồn tin tức đáng tin cậy.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Xu thế chiếm lĩnh của MXH là có thật và việc đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước MXH là đòi hỏi không thực tế. Tuy vậy, báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo MXH. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là đã sẵn sàng trở thành 1 cơ quan báo chí. Báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với MXH”.
Vậy chúng ta nên làm gì trong bối cảnh này? “MXH và báo chí là hai lĩnh vực tách rời. Báo chí không so sánh mình với MXH mà khuyến nghị các cơ quan báo chí phải có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp. Đã có nhiều cơ quan báo chí đưa thông tin lên MXH và nhiều sản phẩm có đến hàng triệu lượt người xem. Điều này cho thấy báo chí cần chiếm lĩnh các nền tảng MXH để có chủ trương truyền thông hiệu quả nhất” – nhà báo Lê Quốc Minh cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật: “Nếu người làm báo tập trung quá nhiều vào những thông tin đó, hay nói nôm na như nhiều người là ngồi “hóng” MXH, cũng sẽ khiến nhiều người làm báo trở nên lười biếng, làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí, trong khi đấy là mối quan hệ mà chúng ta cần bồi đắp”.
Có một thực tế cho thấy, thế hệ trẻ, thậm chí người lớn tuổi ngày nay có xu hướng thích xem tin hơn là đọc tin. Sự giới hạn của chiếc màn hình điện thoại, cộng thêm giá cước vào mạng ngày càng rẻ, khiến người ta chỉ thích cắm mặt vào màn hình để xem các mẩu video ngắn chứa thông tin hơn là đọc một bài báo. Với các tòa soạn, việc kiếm 1 triệu views từ các video ngắn dễ dàng hơn việc kiếm 1.000 views từ các bài viết theo dạng văn bản. Những yếu tố đó dẫn đến xu hướng độc giả sẽ ngày càng lười đọc báo, đặc biệt là những bài viết dài mà chỉ thích lướt qua những dòng trạng thái trên mạng xã hội hoặc đốt dung lượng vào các video ngắn.
Ở góc nhìn khác, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng: Khi có quá nhiều thông tin trên mạng thì đó lại là lúc để các cơ quan báo chí tiếp tục định vị lại giá trị của mình. Quy luật là khi độc giả có xu hướng bội thực thông tin, họ sẽ quay lại những giá trị cốt lõi. Trên thế giới, lượng thuê bao đọc báo đang tăng lên với tốc độ khả quan, những bài báo dài, có đủ cả giá trị thông tin lẫn yếu tố phân tích, bình luận vẫn thu hút được nhiều người đọc, dĩ nhiên là có chọn lọc. Nên báo chí một mặt vẫn cần đáp ứng nhu cầu thông tin của đa số, nhưng cũng vẫn cần bồi đắp những giá trị mang tính cốt lõi của chính báo chí.
Lê Tâm
Nguồn: https://www.congluan.vn/suc-ep-tu-mang-xa-hoi-co-hoi-de-bao-chi-dinh-vi-lai-gia-tri-cua-minh-post316082.html