Cơ hội cho các sảm phẩm an toàn, hữu cơ, thân thiện với môi trường là rất lớn. Do đó, đơn vị sản xuất trước hết cần đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm.
Ngày 7/8, trong khuôn khổ tọa đàm cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Quản chặt quy trình sản xuất mật ong đảm bảo yêu cầu xuất khẩu
Tại Vĩnh Phúc, đoàn công tác đã tham quan, đánh giá tại Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco). Đây là một trong những công ty hàng đầu về sản xuất, chế biến mật ong chất lượng cao tại Việt Nam. Honeco có hơn 50 trang trại nuôi ong liên kết trên khắp cả nước, hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn mật ong với nhiều nguồn hoa khác nhau. Bên cạnh đó, hệ thống nhà máy chế biến hiện đại của Công ty có công suất hơn 500 tấn/tháng, trong đó có nhiều hệ thống chiết rót với các dung tích khác nhau.
Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi ong lấy mật. Chất lượng mật ong của chúng ta không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là thời gian qua tại thị trường trong nước các doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn tới tình trạng “mạnh ai người ấy làm”, việc cạnh tranh khốc liệt đã đẩy giá bán các sản phẩm từ mật ong xuống thấp.
Điều này không chỉ gây bất lợi cho người sản xuất mà chính các doanh nghiệp cũng lao đao vì vừa bị giảm lợi nhuận tại thị trường trong nước vừa khó đưa sản phẩm của mình đi vào các thị trường ngoài nước. Bởi lẽ, các quốc gia ngày càng tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, nhất là khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Do đó, để có thể đứng vững, Honeco đã đầu tư hệ thống dây chuyền, công nghệ chế biến hiện đại, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao làm từ mật ong kết hợp với thảo dược và hoa quả như: Tacumin, đông trùng hạ thảo sữa ong chúa, mật ong chanh leo, mật ong quất, gừng, sả… đáp ứng yêu cầu, thị hiếu ngày càng cao của các thị trường.
Trước những băn khoăn, kiến nghị của Honeco, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) đã thay mặt các đại biểu khuyến nghị: Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm nông sản nói chung, mật ong nói riêng đi vào các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, thị trường giá trị cao cũng đồng nghĩa với cạnh tranh gay gắt và yêu cầu khắt khe.
Do đó, Honeco bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng những thị trường mới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình sản xuất, nhất là tăng cường tập huấn, định hướng cho các trang trại liên kết quy trình kỹ thuật chăn nuôi, kiểm soát chất lượng, bảo quản sản phẩm, thông tin liên quan tới quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm… để đảm bảo sản phẩm tạo ra đạt được các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng xuất khẩu.
Rau hữu cơ “đắt xắt ra miếng”
Tại Hà Nội, đoàn công tác đã tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) và HTX Làng nghề bánh đa nem Trung Hà (xã Tiến Thịnh, Mê Linh). Anh Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng chia sẻ, HTX hiện có 8 thành viên và phát triển liên kết với 4 nhóm sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ (20 hộ) trên diện tích hơn 3ha. Trung bình mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường 300 – 400kg rau, quả các loại, thời điểm chính vụ tăng lên gần 1 tấn (chủ yếu đi vào siêu thị AEON).
Để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và đáp ứng được yêu cầu của đơn vị thu mua, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết cho các thành viên và tổ liên kết theo tinh thần tuân thủ một quy trình sản xuất chung. Ban quản trị và kiểm soát của HTX thường xuyên thông tin, tuyên truyền những quy định về an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng hữu cơ và kiểm tra, giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, hoạt động bài bản nên mặc dù sản phẩm của HTX có giá bán trung bình 24.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với các hộ sản xuất thông thường trong vùng (7.000 – 8.000 đồng/kg) nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thiếu hụt lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp, nguồn vốn hạn hẹp…, việc phát triển, duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ bền vững sẽ không hề dễ dàng với các HTX, nông dân nếu không có sự chung tay của toàn xã hội.
Sau khi trao đổi, thảo luận, lắng nghe những tâm tư từ phía các HTX, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường lưu ý, cơ hội cho các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường là rất lớn. Do đó, trước hết các HTX cần đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm bằng cách cụ thể hóa hơn nữa những ràng buộc, yêu cầu giữa các bên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, sơ chế, chế biến sản phẩm để việc truy xuất nguồn gốc được chi tiết nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng cán bộ được đào tạo về chuyên môn để giám sát hoạt động sản xuất, quản lý kho lạnh; cải tiến cơ sở vật chất, nhất là hệ thống sơ chế, khử trùng, cách ly; cải tiến bao bì sản phẩm để tăng sự hấp dẫn với người tiêu dùng; chi tiết, cụ thể hơn nữa việc xử lý những sản phẩm sắp và hết hạn sử dụng…
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/co-hoi-cua-san-pham-huu-co-than-thien-voi-moi-truong-rat-lon-d395546.html