Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc
Một thông tin đáng chú ý vừa được báo Nikkei Asia đưa tin cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2006, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc nữa. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường đang định hình lại các chuỗi cung ứng. Tờ báo này dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho rằng xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ trong 11 tháng tính từ đầu năm 2023 giảm đến 20% so cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, hàng từ Trung Quốc chiếm 13,9% tổng số lượng hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ, mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, sau khi đạt mức đỉnh chiếm trên 21% vào năm 2017.
Cũng theo bài báo, xuất khẩu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Mỹ trong năm 2023 có giảm, nhưng vẫn đạt mức cao thứ hai từ trước đến nay. Đặc biệt, hàng hóa từ ASEAN xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Trong thực tế, chính sách tăng cường lấy hàng từ các nước, tránh tối đa phụ thuộc vào quá nhiều hàng từ Trung Quốc, được Mỹ triển khai từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, điện thoại thông minh từ Trung Quốc xuất sang Mỹ đã giảm 10%, trong khi nhập khẩu điện thoại thông minh từ Ấn Độ lại tăng gấp 5 lần; hay máy tính xách tay từ VN sang Mỹ tăng gấp 4 lần.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), nhận xét các thông tin trên là “tín hiệu cực kỳ tích cực” cho hàng hóa từ VN. Mấy năm qua, các công ty Mỹ tìm phương án thay thế hàng hóa Trung Quốc từ sau khi chính quyền thời Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên hàng nghìn loại hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau này vẫn duy trì các mức thuế cao này. Thế nên, việc giảm hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ là điều dễ hiểu.
Với VN, việc sản xuất xuất khẩu của chúng ta có nhiều mặt hàng tương đồng với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Cùng với sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, hàng hóa VN đang có lợi thế lớn sau sự kiện chính trị quan trọng giữa Mỹ và VN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong năm qua. Mỹ đang nhắm tới VN trong nhiều lĩnh vực quan trọng như hạ tầng số, năng lượng, logistics, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, khoáng chất phục vụ bán dẫn… Đây là cơ hội lớn cho VN, các doanh nghiệp (DN), nhà làm chính sách cần chú ý để hướng dẫn, gợi mở nhằm tăng kim ngạch hàng hóa có giá trị gia tăng cao vào thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì thế giới này.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Cảnh báo hàng đội lốt…
Trong thực tế, chiến lược friend-shoring (định tuyến lại chuỗi cung ứng, nhằm tránh gián đoạn – PV) của chính quyền Mỹ là một trong lý do khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm. Để đối phó, Trung Quốc đang chọn chiến lược đi “đường vòng”, đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn để đưa hàng xuất sang Mỹ. Hai thị trường mà bài báo Nikkei Asia nhắc đến đang có lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ ngày càng tăng là Mexico và VN. Không dẫn số liệu chính thức, một nhà phân tích trên báo này nhận xét đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đang tăng lên, cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đặt các xưởng tại đó cho khâu lắp ráp cuối cùng.
Tại VN, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2023, đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 3 về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN, sau Singapore và Nhật Bản, với hơn 4,68 tỉ USD đăng ký mới, chiếm gần 12,8% tổng vốn FDI vào VN trong năm và tăng gấp 2,1 lần so với năm trước. Vị trí thứ 4 là Trung Quốc. Đặc biệt trong năm qua, xét về số dự án đầu tư, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 22,2%.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh cho rằng việc tăng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào VN có mặt tích cực là giúp hàng hóa VN xuất khẩu nhiều hơn, gia tăng vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, xét trên bình diện xã hội, càng nhiều nhà đầu tư vào VN, cơ hội tạo công ăn việc làm càng tốt hơn. Tuy vậy, ông lưu ý phải cảnh giác với tình trạng hàng hóa từ Trung Quốc theo chân các nhà đầu tư vào VN và chỉ làm công đoạn cuối, lấy xuất xứ để xuất sang Mỹ.
“Tỷ lệ giảm 20% hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ là con số rất lớn, tuy nhiên đó là số thực tế trên giấy tờ của Bộ Thương mại Mỹ. Với chính sách “đi đường vòng”, tôi tin là hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ dưới xuất xứ từ các thị trường khác rất nhiều. Chủ yếu là phân tán dưới dạng bán thành phẩm, đưa sang các nhà máy đóng tại các nước với hàng hóa chưa hoàn chỉnh, tiến hành hoàn chỉnh công đoạn cuối để xuất đi.
Chính sách dùng thương hiệu ẩn qua đối tác các quốc gia khác đã được nhiều DN Trung Quốc thực hiện thành công từ lâu. Cách làm này chưa hẳn gọi là đội lốt xuất xứ bởi trong thực tế, pháp luật các nước không cấm, nếu đạt tỷ lệ nội địa trên một mặt hàng đúng yêu cầu. Họ có thể không đội lốt hàng Việt để xuất đi, nhưng họ tìm được kẽ hở trong chính sách, pháp luật quốc tế. Nhiều quốc gia biết, nhưng không thể cấm đoán. Thế nên, hàng hóa Trung Quốc bằng chính sách đường vòng, tránh đánh thuế cao từ Mỹ vẫn vào được Mỹ trong mấy năm qua”, ông Vũ Quốc Chinh nói.
Theo ông Chinh, vấn đề của VN là phải siết chặt khâu công nhận xuất xứ hàng hóa. Chúng ta một mặt phải khôn khéo, có chính sách chặt chẽ hơn với hàng hóa từ Trung Quốc. Mặt khác, phải có công tác hậu kiểm thường xuyên sau cấp phép đầu tư, về nguyên liệu, sử dụng lao động. “Nguy cơ hàng Trung Quốc lẩn tránh xuất xứ, sang VN rất lớn do khoảng cách địa lý quá gần. Công tác cảnh báo phải được Bộ Công thương thực hiện thường xuyên mới mong ngăn ngừa được”, ông Chinh nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng bổ sung: “Số mặt hàng từ VN xuất đi Mỹ bị đưa vào diện cảnh báo áp thuế phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Đó là cảnh báo lớn mà ngành thương mại nước nhà phải lưu ý. Cần cảnh báo sớm, ngăn ngừa từ xa. Bởi khi bị phát hiện, uy tín thương mại hàng hóa VN tại các thị trường lớn bị ảnh hưởng”.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11.2023, hàng hóa xuất khẩu của VN là đối tượng của 239 vụ việc điều tra. Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của VN phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cục Phòng vệ thương mại VN (Bộ Công thương) cho hay số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của VN đang tăng nhanh. Nếu giai đoạn năm 2001 – 2011 chỉ có 50 vụ, thì giai đoạn 2012 – 2022 đã tăng 3,5 lần lên 172 vụ.
Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết ở giai đoạn cuối năm 1990, đầu những năm 2000, những mặt hàng hay bị kiện chủ yếu là có kim ngạch xuất khẩu lớn, có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như thủy sản, giày dép. Tuy nhiên, ở giai đoạn gần đây, số lượng các mặt hàng, lĩnh vực của ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn, lên tới gần 40 mặt hàng, có cả những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ, như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập…