Một số trường hợp không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật
Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra theo hai đợt từ ngày 14 – 18/8/2023 (đợt 1) và từ ngày 24 – 26/8/2023 (đợt 2). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Theo chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật; xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung liên quan của 5 chuyên đề giám sát… Đáng lưu ý, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của cử tri và dư luận xã hội, đó là câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu ra rằng: “Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay còn một số nơi có cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu về công tác xây dựng thể chế. Với vai trò Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận: “Vấn đề sợ trách nhiệm là có! Việc này không riêng gì Bộ Tư pháp nói, không riêng gì Chính phủ nói, mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các diễn đàn của Quốc hội cũng nói rất nhiều, nhưng lượng hóa nó là rất khó. Tôi thấy trong thực tế có một số trường hợp không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc có trường hợp cực đoan thì có quan điểm khác”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trên thực tế cũng không thể bao quát được hết tất cả các nhóm nội dung công việc, tuy nhiên có một số việc như sau: “Nhiều khi chúng ta không xem xét vấn đề trong hệ thống, trong tổng thể cho nên chúng ta cứ nói là do pháp luật. Các báo cáo rà soát cũng đưa ra một số kiến nghị và cứ nói rằng đó là vướng mắc, nhưng trên thực tế nghiên cứu kỹ ra thì cũng rất nhiều việc không phải như vậy. Thậm chí một số nơi chỉ có xu hướng giải thích theo hướng nói thật ra là để tiện cho mình hoặc hiểu và áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất, còn tình trạng hành chính hóa. Câu chuyện đó cộng với những sự gây ảnh hưởng của việc nọ, việc kia trong bối cảnh hiện nay nên các bộ, các ngành không chủ động, cho nên cũng có những trường hợp cực đoan, đáng lẽ là soạn thảo ban hành một thông tư theo trình tự, thủ tục bình thường thì cứ trao đi đổi lại để làm rút gọn, cuối cùng mất đến 4 – 5 tháng để xem có chốt được rút gọn hay không thì thà làm chính thức ngay từ đầu. Trên thực tế có tình trạng như vậy!”.
Xây dựng quy định cụ thể về hình thức đấu giá trực tuyến
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đặt vấn đề, đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, chống thông đồng, dìm giá, tiết kiệm nguồn lực, chi phí trong hoạt động đấu giá. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp đã làm gì để triển khai thực hiện tốt đấu giá trực tuyến trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: “Đây là một hình thức rất tốt, để chúng ta hạn chế một số chứ không phải là tất cả trong quá trình đấu giá hiện nay. Ví dụ như thông đồng, dìm giá hoặc không công khai, minh bạch… Một số các tổ chức đấu giá tài sản tư đã có những trang web và cách thức đấu giá trực tuyến, còn tài sản công thì bây giờ bắt đầu mới nghĩ tới. Vừa rồi sửa đổi, bổ sung Nghị định 62, chúng tôi đã đưa vào một ý quy định về hình thức đấu giá trực tuyến để chi tiết hóa và xây dựng một trang, thậm chí là một cổng đấu giá trực tuyến theo yếu tố gọi là lựa chọn”.
“Bây giờ có khó khăn là kinh phí theo hướng nào, quản lý nó ra làm sao, đặc biệt là trong cơ chế tự chịu trách nhiệm và cơ chế quản lý thị trường như thế này! Kinh nghiệm quốc tế về đấu giá trực tuyến cũng có rất nhiều kinh nghiệm tốt, như ở Hàn Quốc. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu mô hình này, tức là người ta giao cho một công ty đấu giá để xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử đấu giá. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu xem vận hành như thế nào trong thời gian sắp tới” – Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin thêm.
Phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác
Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho rằng: thời gian gần đây, giá lúa gạo tăng cao vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho bà con nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa tăng liên tục, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung – cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao, bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao. Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24, để người dân và doanh nghiệp thật sự an tâm sản xuất; đồng thời cũng đảm bảo đời sống cho người tiêu dùng, công nhân được ổn định.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ trong bối cảnh này, một là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; hai là chúng ta vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo, không phải là vấn đề thương mại, giá cả nữa mà như một cam kết của chúng ta có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực; ba là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không gây sốc cho thị trường nội địa hay đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một nhóm đối tượng là những người dễ tổn thương, khó tiếp cận nếu có những biến cố gì xảy ra. Đó là Công điện của Thủ tướng và còn 3 trục đó thì Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đi cùng với các địa phương đang làm điều đó”.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: “Đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long là xuống giống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, ngọt tới đâu thì xuống giống tới đó, thành ra không giống như miền Bắc là có mùa vụ Thu – Đông, Hè – Thu, Đông – Xuân rõ rệt, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long gần như là liên tục, lúc nào cũng có lúa trên đồng… Chúng tôi đã có bản đồ số hóa để có thể cùng với các địa phương rải vụ và tập trung vụ nếu cần thiết ở những điều kiện cho phép. Ở thời điểm này, nếu không có gì gọi là thiên tai mà với biến đổi khí hậu bình thường như mấy năm qua thì chúng ta hoàn toàn có, vừa tiêu dùng trong nước vừa để đảm bảo khoảng 7 – 8 triệu tấn lúa để xuất khẩu. Năm vừa rồi chúng ta xuất khẩu 7,1 triệu tấn, năm nay chúng ta vẫn còn dư địa”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giá một nông sản quyết định bởi cung cầu. Cầu tăng, cung không tăng thì giá lên; nhưng quyết định thứ hai, cái đó chúng ta không can thiệp được bởi vì đó là quy luật thị trường.
“Nhưng có một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm là có những tác động ngoài bài toán cung – cầu đó, tức là đẩy giá, tồn trữ, đặt cọc… cố tình đẩy giá lên gây ảnh hưởng rất lớn. Tôi mong rằng với bà con nông dân, với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cách đây mấy ngày ở Đồng Tháp, lúc này chúng ta phải tôn trọng nhau, phải cùng với nhau, phải chia sẻ với nhau, lúc chúng ta đang có được thời cơ thì chúng ta cũng chia sẻ thời cơ, nhưng chúng ta cũng phải tiên liệu. Tôi có nói bà con nông dân rằng mua bán không chỉ là vấn đề chúng ta được lợi mà chúng ta nghĩ rằng mùa sau còn mua bán với người đó được hay không? Nếu chúng ta ép một người thiệt thì không bao giờ hợp tác và tôi nói lại là chuỗi ngành hàng trong thời gian vừa qua dễ xung đột nằm ở chỗ đó… Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác thì mới bền vững được” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thiên An