Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, đạt mục tiêu chính thức của chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về động lực tăng trưởng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp chậm chạp cũng như tăng trưởng toàn cầu yếu.
Nền kinh tế Trung Quóc đã bị “đè nặng” bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở thanh niên và tình trạng suy thoái toàn cầu. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5,2% trong quý IV/2023, so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền tảng cơ bản tốt
NBS cho hay, các biện pháp bao gồm “thắt chặt quản lý vĩ mô, tăng cường mở rộng nhu cầu nội địa, tối ưu hóa cơ cấu, khôi phục niềm tin và ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro” đã giúp cải thiện đà phục hồi, cung và cầu của nước này.
Sản lượng công nghiệp, đo lường hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích của Trung Quốc tăng 4,6% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng mạnh hơn, đạt mức 7,2%.
Đầu tư tài sản cố định – bao gồm chi tiêu cho trang thiết bị nhà máy, xây dựng và các dự án hạ tầng khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng – cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2023.
Ngoài ra, xuất khẩu – vốn là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng – đã giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ năm 2016. Căng thẳng địa chính trị với Mỹ và nỗ lực của một số quốc gia phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Vào năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3% do các quy định liên quan đến Covid-19. Sau khi dỡ bỏ các biện pháp vào cuối năm 2022, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm ngoái.
Sau sự phục hồi ban đầu sau đại dịch, nền kinh tế đã bị “đè nặng” bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở thanh niên và tình trạng suy thoái toàn cầu.
Kang Yi – Ủy viên NBS cho biết trong một cuộc họp báo: “Nền kinh tế quốc gia chứng kiến đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì và các mục tiêu chính theo dự kiến đều đạt được kết qủa tốt”.
Hiện tại, Bắc Kinh đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024) tại Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang cho biết, đất nước đã đạt được mục tiêu kinh tế mà không cần dùng đến các biện pháp “kích thích lớn”.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, giống như một người khỏe mạnh thường có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc có thể xử lý những thăng trầm trong hoạt động của mình. Xu hướng tăng trưởng dài hạn chung sẽ không thay đổi.
Ông nói rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có “những nền tảng cơ bản tốt và vững chắc trong sự phát triển lâu dài” và rằng Bắc Kinh sẽ “tuân thủ chính sách quốc gia cơ bản về mở cửa với thế giới bên ngoài”.
“Quyết định đầu tư vào Trung Quốc không phải là rủi ro mà là cơ hội”, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh.
Thách thức nhân khẩu học
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, nền kinh tế này vẫn có những rủi ro nhất định. Cụ thể như những vấn đề cản trở thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, ngành công nghiệp này từ lâu đã chiếm khoảng 1/4 tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và có mức tăng chóng mặt trong hai thập niên.
Nhưng những khó khăn về tài chính tại các nhà phát triển lớn như Evergrande và Country Garden đã khiến các dự án bị dở dang, người mua cạn tiền và giá nhà liên tục giảm.
Trong khi đó, tình trạng thiếu việc làm của thanh niên cũng gây khó khăn cho nền kinh tế. Đất nước cũng phải đối mặt với những câu hỏi dài hạn hơn về tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Đất nước đã báo cáo tỷ lệ sinh thấp kỷ lục vào năm 2023.
NBS cho hay, năm ngoái, cả nước ghi nhận 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với 6,77 một năm trước đó. Tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất kể từ năm 1949. Bên cạnh đó, có khoảng 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, so với 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2022. Tổng dân số giảm vào năm 2023 xuống còn 1,409 tỷ người, giảm 2,08 triệu người so với năm trước.
Xu hướng này đánh dấu sự ngày càng sâu sắc của thách thức nhân khẩu học – điều có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dân số ngày càng giảm sẽ buộc Bắc Kinh phải thực hiện một số thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế và định hình lại các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe và nhà ở.
Tỷ lệ sinh chậm lại diễn ra bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng sinh con sau nhiều thập niên duy trì chính sách hạn chế sinh sản.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở New York (Mỹ) nhận định: “Ngày càng có ít người kết hôn và ít cặp vợ chồng muốn sinh con hơn”.
Củng cố “nền kinh tế bạc”
Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố một số biện pháp nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang suy yếu và triển khai nhiều gói kích thích như phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý IV/2023.
Nguồn vốn được triển khai với mục tiêu tài trợ cho các dự án khắc phục thảm họa nhằm hỗ trợ các khu vực bị thiệt hại do lũ lụt và động đất. .
Với tình trạng dân số già, hôm 15/1, chính phủ Trung Quốc ban hành văn bản hướng dẫn để củng cố “nền kinh tế bạc”. Văn bản vạch ra 26 biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí và văn hóa dành cho người già, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm dành cho nền kinh tế này.
Theo văn bản hướng dẫn, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát triển các cơ sở dưỡng lão, tối ưu hóa dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bao gồm củng cố các khoa lão nói chung và các bệnh viện y học cổ truyền. Văn bản kêu gọi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ xây dựng các cơ sở dưỡng lão và các dự án liên quan đến “nền kinh tế bạc”.
Ngoài ra, các chính quyền địa phương được phép phát hành trái phiếu đặc biệt để phát triển “nền kinh tế bạc”.
Năm 2024, các ngân hàng đầu tư quốc tế lớn dự đoán, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với năm 2023.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của JPMorgan Haibin Zhu nhấn mạnh: “Một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 là quản lý rủi ro suy thoái của nền kinh tế, đặc biệt là từ sự điều chỉnh của thị trường nhà ở và rủi ro lan tỏa”.
Dù nỗ lực cải thiện các điểm yếu nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2024. Năm nay, kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng ở mức 4,6%, “trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu và nhu cầu bên ngoài giảm sút”.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2024 do nhu cầu trong nước yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng.