Vụ Đông năm 2024, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Hợp tác xã cơ giới hoá đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện triển khai mô hình “Trình diễn khoai tây giống mới năng suất chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu”.
Mô hình với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), được thực hiện trên địa bàn xã Đông Xuân, với quy mô 10ha. Đây cũng là một trong những mô hình điểm trong áp dụng cơ giới hoá sản xuất vụ Đông 2024.
Hợp tác xã cơ giới hoá đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân Nguyễn Thành Cơ cho biết, khi thực hiện mô hình, để đảm bảo xuống giống đúng khung thời vụ, hợp tác xã đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Máy móc thay nhân lực con người, thực hiện từ khâu xới đất, đánh luống, bón phân đến phủ đất.
Trước đó, Hợp tác xã cơ giới hoá đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân đã đầu tư mua 4 máy cày đa năng, 2 máy phủ đất. Với mỗi một máy cày đa năng, trong một ngày sẽ phay được khoảng 3,5ha đất, lên luống 2,2ha.
“Máy phủ đất sau trồng công suất đạt khoảng 3,5ha/ngày. Vì vậy không lo chậm mùa vụ. So với thực hiện thủ công, làm bằng máy sẽ tiết kiệm công làm đất khoảng 10 triệu đồng/ha” – ông Nguyễn Thành Cơ chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để hoàn thành sớm công tác dồn điền, đổi thửa.
Đến nay, diện tích những thửa ruộng đã to hơn, rộng hơn, đường nội đồng cũng cơ bản được bê tông hóa. Cùng với xu hướng dịch chuyển lao động trong nông thôn diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu.
Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khẩu từ làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch sẽ giải quyết khâu thiếu lao động, đáp ứng được yêu cầu thời vụ gấp gáp; đặc biệt là giảm chí phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Thời gian tới, huyện Sóc Sơn tiếp tục xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và cơ cấu cấy trồng trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-co-gioi-hoa-giup-tiet-kiem-10-trieu-dong-hec-ta-chi-phi-lam-dat.html