Bố mẹ đóng tiền cho con đi học, vậy mà một giáo viên có công việc, có lương ngay tại trường học giữa trung tâm TPHCM lại ngang nhiên xin tiền phụ huynh để mua laptop.
Ở đó cô giáo T.P.H. tuyên bố không thu quỹ nhưng… cô mất laptop nên xin phụ huynh ủng hộ laptop.
Cô thu tiền, cô tự đưa ra giá trị cần mua của chiếc máy tính cá nhân cho mình, số tiền cô xin phụ huynh cùng số tiền cô sẽ bù vào cùng lời khẳng định: “Cô xin cái laptop này luôn nha phụ huynh”.
“Cô mua cái laptop, còn bao nhiêu cô báo phụ huynh. Và cô xin cái laptop này luôn nha phụ huynh”; “Cô nói cô lấy máy đen 11 triệu chạy dữ liệu nhanh, phụ huynh hỗ trợ cô 6 triệu, cô bù vào 5 triệu. Cô cảm ơn phụ huynh”… Đó là những tin nhắn thông báo về việc xin tiền phụ huynh mua laptop từ cô H.
Nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ một giáo viên “xin” tiền phụ huynh mua laptop. Ở sự việc này, điều kinh khủng nhất là một bên xin đấy nhưng phía bên kia, không cho không được, không cho không yên.
Cô xin tiền phụ huynh mua đồ dùng cá nhân nhưng cô biết mình đang “cơ trên” và thể hiện rõ điều đó qua lời ăn tiếng nói, trao đổi qua lại.
Khi có những phụ huynh không đồng ý trước bình chọn “đồng ý” hay “không đồng ý” do cô tạo ra, là người đang đi xin nhưng cô hỏi ngược lại người không đồng ý “là phụ huynh của bé nào”.
Cô xin tiền phụ huynh nhưng từ đầu đến cuối cô tự biên tự diễn, tự sắp xếp, tự chốt đơn. Có người không đồng ý – dù rõ ràng phụ huynh có quyền không đồng ý – cô quay sang hỏi “là phụ huynh bé nào”.
Sự việc này, cách hành xử, thái độ của cô giáo là biểu hiện rõ nhất của hai từ tự nguyện trong trường học gây nhức nhối lâu nay.
Gọi là ủng hộ, tự nguyện nhưng nếu phụ huynh không tự nguyện, không ủng hộ sẽ được chỉ mặt gọi tên ngay.
Chỉ mặt gọi tên ở đây luôn gắn liền với việc là bố mẹ của học sinh nào. Việc này đánh đúng tâm lý lo sợ lớn nhất của phụ huynh, lo sợ mình không tự nguyện thì con mình sẽ được “chăm sóc đặc biệt”.
Phụ huynh đóng tiền cho con ăn học nhưng giờ đây, không chỉ là tiền học, họ đang phải đối mặt với hàng loạt khoản tiền đeo mác tự nguyện trong nhà trường.
Cô giáo công khai xin tiền phụ huynh mua đồ dùng cá nhân như trường hợp cô T.P.H. có thể coi là hiếm. Bởi thế khi sự việc này xảy ra và ngay cả khi các cơ quan quản lý vào cuộc giải quyết nhiều người vẫn không nghĩ câu chuyện này có thật.
Thế nhưng cần nhìn thẳng, việc xin tiền phụ huynh trong trường học theo cách này hay cách khác, nhất là các khoản tự nguyện không hề ít, không hề hiếm.
Ở không ít trường học “đẻ” ra rất nhiều khoản thu chi kỳ lạ. Có nơi có phí bảo trì tivi, phí cải tạo khuôn viên hay tại một lớp học ở Nghệ An còn từng đưa ra khoản đóng góp 300.000/học sinh để chọn giáo viên chủ nhiệm.
Xin nhắc lại sự việc quỹ lớp hơn 300 triệu đồng tại lớp 1 của một trường tiểu học ở TPHCM gây chấn động dư luận năm vừa rồi. Từ tiền sửa sang phòng học hơn 220 triệu đồng, thêm “combo” sơn bàn ghế, lót gạch 5,5 triệu đồng, micro 1,5 triệu, Internet 1,6 triệu… cùng đủ các khoản thu chi khác.
Sau đó, danh sách chi này đã được cơ quan quản lý chỉ ra có đến 15/17 khoản chi sai quy định.
Câu chuyện “xin” cũng chẳng xa lạ khi đầu năm học, nhiều trường học lại tích cực “than nghèo kể khổ” từ cái mái che, từ cái rèm, từ hệ thống điện, năm nào cũng điều hòa, máy lạnh… Nào khác cảnh cô giáo H. than mất laptop là bao.
Không chỉ vấn đề tiền nong, thu chi mà câu chuyện tự nguyện trong không ít trường học còn ở chỗ người học không được quyền lựa chọn.
Tự nguyện nhưng không thể không tự nguyện như chất vấn của cô H. “là phụ huynh bé nào” cũng chẳng khác việc một số trường từng yêu cầu học sinh không đăng ký học thêm phải làm đơn, phải lên gặp hiệu trưởng để được giải quyết.
“Là phụ huynh bé nào?”, câu hỏi đó của cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop không chỉ lý giải về nhiều khoản tự nguyện trong trường học.
Câu hỏi đó còn lý giải cả những cái cúi gằm mặt của nhiều bố mẹ trong các cuộc họp phụ huynh; lý giải luôn việc họ không dám lên tiếng, ho he trước những khoản thu, vấn đề bất công trong trường học.
Bởi phía sau phụ huynh là những đứa con…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-xin-tien-mua-laptop-va-noi-so-phu-huynh-be-nao-20240929063823864.htm