Mặc dù mang trong mình hai căn bệnh ung thư nhưng cô Linh vẫn khát khao mãnh liệt trong việc dạy và học tiếng Chăm để bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Sinh ra và lớn lên tại thôn nhỏ ở xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), với mơ ước trở thành người giáo viên từ nhỏ, cô giáo Nguyễn Nữ Phi Linh (SN 1987) – chị cả trong gia đình 9 anh chị em đã cố gắng học tập không chỉ ngôn ngữ tiếng Việt mà luôn trau dồi tiếng Chăm – tiếng mẹ đẻ của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cô quyết định về quê để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Bình Thuận và quyết tâm đi học thêm để có tín chỉ tiếng dân tộc Chăm, đủ điều kiện đứng lớp giảng dạy.
Ước mơ nhỏ của cô giáo người Chăm
Với giấc mơ đơn giản rằng, học sinh người Chăm biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ, cô Linh cố gắng mày mò học hỏi thêm để cùng đồng nghiệp đem con chữ Chăm đến với người đồng bào dân tộc mình. Với thanh xuân 13 năm trong nghề, trong đó có 4 năm dạy tiếng dân tộc Chăm, cô Linh cho rằng vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy tiếng Chăm không hề đơn giản.
Đối với học sinh người Chăm sẽ học tiếng mẹ đẻ, học sinh người Kinh không bắt buộc. Đáng mừng, tỷ lệ học tiếng Chăm của Trường TH Phan Thanh 1 đạt 100%, kể cả học sinh ngoài dân tộc Chăm.
Theo cô Linh phần lớn phụ huynh học sinh đều không biết viết, biết đọc tiếng Chăm. Bên cạnh đó, tiếng Chăm sử dụng trong cuộc sống bị pha tạp khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu, vận dụng kiến thức học tại trường vào thực tế. Do đó, bản thân mình phải nghiên cứu, học hỏi từ những tiền bối là giáo viên đi trước, chủ yếu là học kinh nghiệm từ những người thầy của mình.
Đồng thời, về dụng cụ học tập cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm, lòng yêu nghề và mong muốn bảo vệ văn hóa dân tộc Chăm qua giáo dục, 3 cô giáo dạy tiếng Chăm tại Trường TH Phan Thanh 1 đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn.
Việc dạy và học tiếng Chăm, cô Linh cho rằng, học sinh cần phải nắm được bảng chữ cái và vần của tiếng Chăm thông qua các tranh, ảnh, vật thật và công nghệ thông tin. Đa số học sinh đọc và viết thành thạo, chỉ một số em cảm giác tiếng Chăm không có lợi trong cuộc sống nên vẫn còn lơ là trong việc học. Bản thân mỗi cô giáo phải nỗ lực rất nhiều trong việc luôn trau dồi và tiếp thu kiến thức, các phương pháp dạy học mới để học sinh thích thú, dễ hiểu, ham học.
4 tháng, phát hiện 2 căn bệnh ung thư
Không may mắn như những giáo viên khác, tháng 7/2023, căn bệnh ung thư tuyến giáp ập đến với cô. Sau khi cắt tuyến giáp và sử dụng thuốc hormon tuyến giáp thay thế suốt đời, cô Linh quay lại công việc giảng dạy của mình. Những tưởng cuộc sống sẽ yên bình sau biến cố mắc bệnh ung thư tuyến giáp, cô Linh tiếp tục nhận được kết quả mắc u não với khối u to, giai đoạn 4.
Cụ thể, tháng 12/2023, khi đang dạy thì cô Linh đau đầu, ói, được gia đình đưa vào TPHCM thăm khám và loại bỏ khối u, sau đó tiếp tục điều trị xạ trị và hóa trị. Vô hơn 30 toa thuốc, tóc rụng nhiều đến mức cô phải cạo trọc, sức khỏe giảm sút rất nhiều.
“Tôi đã kết thúc liệu trình điều trị, chờ kết quả tái khám và có thể tiếp tục dạy học. Hy vọng sức khỏe tôi có thể ổn định, không di căn để viết tiếp ước mơ của mình về việc dạy học cho học sinh tiểu học và dạy tiếng Chăm cho người đồng bào mình”, cô Linh tâm sự.
Có 4 năm làm đồng nghiệp với cô Linh, cô Nguyễn Thu Huyền – giáo viên dạy tiếng Chăm – Trường TH Phan Thanh 1, cho rằng, cô Linh thân thiện, hòa đồng, được đồng nghiệp yêu quý. Mặc dù phải đối diện với 2 căn bệnh quái ác nhưng cô Linh luôn vui vẻ, rất yêu nghề, yêu trẻ và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ sau những đợt phải nghỉ để vào TPHCM điều trị.
“Dù có gặp thật nhiều khó khăn trong cuộc sống này nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ cô Linh luôn tham gia các cuộc thi viết chữ Chăm cấp huyện và đạt được giải cao”, cô Huyền cho hay.
Chia sẻ thêm về trường hợp cô Linh, bà Thanh Thị Ngọc Ẩn – Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh 1, đánh giá, cô Linh là giáo viên trẻ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Trong môn tiếng Chăm, cô Linh đã tìm ra những giải pháp hữu hiệu để rèn đọc cho học sinh học chậm môn tiếng Chăm, tự thiết kế đồ dùng dạy học giúp tiết học sinh động, hiệu quả hơn.
Với căn bệnh ung thư não giai đoạn cuối, nhằm tạo điều kiện để cô Linh có thể tập trung điều trị bệnh, nhà trường phân công giáo viên dạy hỗ trợ khi cô Linh vào TPHCM điều trị và tái khám. Đồng thời, hỗ trợ quyên góp tiền trong đơn vị, tùy theo khả năng từng người để giúp cô Linh phần nào trang trải thuốc men.
“Nhà trường luôn đồng hành, động viên cô Linh trong suốt quá trình điều trị bệnh. Hy vọng tình cảm ấm áp mà đồng nghiệp dành cho cô góp một phần nhỏ để cô vượt qua 2 căn bệnh quái ác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở Trường TH Phan Thanh 1 nói riêng và ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận nói chung”, cô Ẩn nói.
Tháng 8/1992, Trường TH Phan Thanh 1 được tách ra từ trường cấp 1 – 2 Hồng Thái. Tổng diện tích 3821 m2 với khuôn viên trường học thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ và đảm bảo cơ sở vật chất. Trường đóng trên địa bàn thôn Tịnh Mỹ, học sinh học tại trường gồm 2 thôn Tịnh Mỹ và Cảnh Diễn. Hiện, trường có 10 lớp với 269 học sinh; 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 3 giáo viên dạy tiếng Chăm.
Nguồn: https://danviet.vn/co-giao-vuot-len-can-benh-ung-thu-de-bao-ton-van-hoa-dan-toc-cham-20241029102808943.htm