Từ sáng sớm 26/7, bà Đặng Thị Phúc (92 tuổi) – cô giáo tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cháu gái đẩy xe lăn đến viếng người học trò đặc biệt.
Trong sổ tang, bà Phúc xúc động viết: “Trò nhỏ ơi, cô thương em lắm. Sao cô lại phải tiễn đưa em thế này…”. Cuối dòng, bà Phúc ký tên “cô giáo của em, cô Đặng Thị Phúc”.
Bà Phúc tâm sự bà nhớ nhất buổi gặp cuối cùng, tất cả học trò đều tề tựu. Trong ký ức của bà, “học trò” Nguyễn Phú Trọng với mái tóc hơi hung đỏ, nước da trắng xanh.
“Khi trò Trọng đến thăm tôi, hai cô trò toàn nói chuyện về những kỷ niệm thời tiểu học. Những năm tháng tôi dạy trò Trọng là năm lớp 4, cuối cấp một, nên nhiều kỷ niệm lắm. Tôi không thể nhớ hết được”, cô rưng rưng kể.
Sau khi học xong sư phạm, bà Phúc về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học. Số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp.
Học trò nhỏ nhất của bà ở xã Đông Hội là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà vẫn nhớ “trò Trọng” là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, từng được báo cáo điển hình trước toàn trường.
Hết lớp 4, Tổng Bí thư chuyển sang học trường Nguyễn Gia Thiều, cô giáo Phúc cũng chuyển về Hà Nội, hai cô trò bặt tin nhau từ đó.
Tết Nguyên đán 2019, bà Phúc nhận được bức thư chúc Tết viết tay của người học trò cũ đã trở thành Tổng Bí thư.
Bức thư giản dị với bì thư thông thường, nội dung không hề có một từ, một chữ, một dấu ấn nào của học vị, chức quyền, chỉ có lời thăm hỏi của “người học trò” Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ:
“Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc.
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của Dân tộc – Xuân Kỷ Hợi 2019, em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.
Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới.
Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo.
Học trò cũ của cô”.
Trước đó, khi nhận tin Tổng Bí thư từ trần, bà Phúc “suy nghĩ nhiều lắm”. Lòng bà nôn nao, gặp ai bà cũng bảo “đưa tôi đến viếng học trò và thăm gia đình”.
Một đêm trước ngày Quốc tang, bà Phúc cứ khóc mãi, thức cả đêm, mong ngóng đợi đến sáng.
“Được tạm biệt người học trò cũ là tâm nguyện của bà”, người thân cô giáo Phúc cho hay.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/co-giao-cua-tong-bi-thu-ngoi-xe-lan-den-vieng-tro-nho-oi-co-thuong-em-lam-20240726112428287.htm