Một số trường đại học đã cho rằng việc khống chế xét tuyển sớm xuống còn 20% khiến thí sinh bị mất quyền lợi và các trường khó khăn trong tuyển sinh.
Có nên không chế xét tuyển sớm xuống còn 20%?
Mới đây, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, dự thảo “siết” xét tuyển sớm xuống còn 20% đang khiến dư luận quan tâm do việc khống chế này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh đại học không sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của các trường đại học… Xét tuyển sớm được nhiều trường đánh giá là hình thức tuyển sinh mở, tạo điều kiện tốt cho thí sinh trúng tuyển vào ngành mình yêu thích; đồng thời là cơ hội để cơ sở đào tạo tuyển được những sinh viên có chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Hiện, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, gọi số trúng tuyển nhiều hơn khoảng 0,5-2 lần để có thể tuyển đủ. Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều thí sinh lựa chọn hình thức xét tuyển này.
Trước thông tin Dự thảo sẽ giảm chỉ xét tuyển sớm xuống còn 20%, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nêu ý kiến: “Những thay đổi này Bộ GDĐT đã có phân tích, tổng kết, rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua. Dự thảo có nhiều điểm được đánh giá là tác động tích cực đến học sinh trong việc tập trung học tập đảm bảo chương trình PTTH.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm, gây tâm lý bất ngờ, lo lắng cho các em. Theo tôi, cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa để đánh giá tác động của chính sách trước khi đưa ra quyết định chính thức. Và cần sớm công bố để các cơ sở đào tạo xây dựng/điều chỉnh phương án tuyển sinh sớm công bố để thí sinh chủ động trong việc học tập, thi cử”.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết: “Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 được Bộ GDĐT công bố có nhiều điểm mới trong đó có quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm. Nhìn chung, việc khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm là giải pháp mang lại một số lợi ích cho thí sinh, cụ thể là giúp các em thí sinh đăng ký đợt xét tuyển chung bằng kết quả kỳ thi THPT có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn vì số lượng chỉ tiêu còn cao.
Tuy nhiên, có thể cân nhắc thêm về tỷ lệ khống chế ở mức phù hợp hơn để tăng cơ hội đối với những thí sinh giỏi có thể trúng tuyển sớm cũng như giảm áp lực đáng kể cho các em thí sinh nói chung trước kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, đưa ra quan điểm: “Dự thảo lần này Bộ muốn lập lại trật tự trong tuyển sinh đại học là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm được đưa ra với lý do “đảm bảo công bằng,” nhưng lại thiếu linh hoạt và không dựa trên cơ sở khoa học. Giới hạn đó không phù hợp với đặc thù của đa dạng ngành học và cơ sở giáo dục đại học. Thay vì áp đặt những rào cản không cần thiết, Bộ GDĐT cần xây dựng chính sách tuyển sinh dựa trên nghiên cứu khoa học, dữ liệu thực tế và quyền tự chủ của các trường. Chỉ khi đó, hệ thống tuyển sinh mới thực sự minh bạch, công bằng và phục vụ đúng mục tiêu giáo dục.
Ủng hộ “siết” phương thức xét tuyển sớm
Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Theo tôi, dự thảo quy định như vậy rất tốt vì tạo ra tâm lý học hành nghiêm túc đến khi tốt nghiệp THPT xong của học sinh.
“Cuộc chơi” công bằng cần quy định như vậy. Nếu biết trúng tuyển sớm một cách dễ dàng khiến các em nảy sinh tâm lý chủ quan. Trong khi tư duy phải được trau dồi liên tục, kể cả không áp lực thi thì vấn phải rèn luyện để có thêm tri thức và kinh nghiệm”.
Lý giải nguyên nhân Bộ GDĐT đưa ra quyết định này, PGS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho hay: “Quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ việc xét tuyển sớm nay việc các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.
Điều quan trọng nhất khi đưa ra tỷ lệ này là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5-6 năm trở lại đây) một cách khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó”.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, có nhiều phương thức xét tuyển chính được các cơ sở đào tạo sử dụng. Trong đó, xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn cao nhất chiếm 49,45%. Các phương thức xét tuyển sớm có tỉ lệ như sau: Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%); Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.
Nguồn: https://danviet.vn/khong-che-xet-tuyen-som-20-co-giam-quyen-loi-cho-thi-sinh-gay-ap-luc-cho-cac-truong-20241129061546929.htm