Chương trình mong muốn khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây đều là những nhạc sĩ đã sinh ra, lớn lên ở Nghệ An. Họ có nhiều viết về xứ Nghệ rất nhiều ca khúc đi cùng năm tháng. Cả 5 người cũng có những đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
“Mạch nguồn Ví, Giặm” do NSND Nguyễn Tiến Thọ – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam làm Tổng đạo diễn; nhạc sĩ An Hiếu – con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật. Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ: Đức Long, Thanh Lam, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Huyền Trang, Đinh Trang, Thanh Tài…
Thông tin tới báo chí chiều 9/4, TS. Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết, đây là chương trình nghệ thuật phi lợi nhuận theo hình thức xã hội hóa, chương trình chú trọng đến chất lượng chuyên môn nghệ thuật, được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp. Các bài hát và ca sĩ tham gia chương trình do gia đình các nhạc sĩ lựa chọn.
Bà Huyền Lâm – phu nhân cố nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ, đây là hạnh phúc của gia đình, cũng là niềm mong mỏi của người dân xứ Nghệ: “Tôi cảm thấy rất xúc động khi anh An Thuyên đã đi xa nhưng vẫn được mọi người nhớ đến, âm nhạc của anh vẫn có sức sống mãnh liệt trong dòng chảy của thời gian.
Các tác phẩm của anh An Thuyên trong chương trình nói riêng và các bài hát viết bởi các nhạc sĩ xứ Nghệ nói chung đều xuất phát từ tình yêu, mạch nguồn của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Mạch nguồn đó sẽ chảy mãi trong âm nhạc của nhiều thế. Hy vọng âm nhạc của các nhạc sĩ sẽ đáp ứng tình cảm của nhiều khán giả hôm nay”.
Bà Lê Anh Thúy – phu nhân của cố nhạc sĩ Hồng Đăng cũng bày tỏ: “Tôi luôn tự hào vì được làm “du” (dâu) xứ Nghệ. Mặc dù, ông Hồng Đăng sinh ra ở Nghệ An và 16 tuổi đã thoát ly khỏi gia đình lên Việt Bắc nhưng mạch nguồn của vùng đất đã sản sinh và dưỡng nuôi ông thì vẫn luôn chảy trong huyết quản. Chính mạch nguồn đó đã bồi đắp tâm hồn cho ông để ông có thể viết được nhiều ca khúc được nhiều người đón nhận. Chương trình “Mạch nguồn Ví, Giặm” lần này là một nỗ lực lớn của Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội nhưng cũng thắp lên những niềm tự hào rất riêng của những người con xứ Nghệ trên khắp mọi miền đất nước”.
Nhạc sĩ Thụy Kha nhận định, 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ được tôn vinh trong chương trình lần này chính là “ngũ hành vàng của xứ Nghệ”, tri ân họ không gì đẹp hơn và ý nghĩa hơn là bằng âm nhạc.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phát biểu rằng, chương trình chỉ là một phần nhỏ trong gia tài âm nhạc đồ sộ mà 5 nhạc sĩ để lại. Các bài hát của 5 nhạc sĩ không chỉ là tình cảm của mình về xứ Nghệ mến thương mà còn là tình yêu bất tận với quê hương, đất nước. Trong các bài hát được đưa vào chương trình, khán giả sẽ thấy được bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Nghệ tuôn chảy trong cộng đồng dân tộc Việt Nam… Đó cũng là một cách để chúng ta thấy được cái “tôi” và cái “ta” trong âm nhạc của 5 nhạc sĩ.
5 nhạc sĩ xứ Nghệ được ví như “ngũ hàng vàng của xứ Nghệ”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong năm người sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông từng dành nhiều thời gian rong ruổi khắp ba miền, chắt lọc các làn điệu dân ca để viết nên những ca khúc bất hủ như Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre… Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, năm 2000, nhạc sĩ Nguyên Văn Tý được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Với quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất hồ đa”, dù không được đào tạo bài bản qua các trường âm nhạc nhưng ông lại có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xuân về trên bản… Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với các bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như: Hoa sữa là ca khúc trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh là ca khúc trong phim Đời hát rong. Trong khi đó, bài Biển hát chiều nay được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2021.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Bản tình ca bên một dòng sông… Năm 2012, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách khéo léo, tài tình. Hầu hết bài hát của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan tỏa rất lớn, như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương… Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Nguồn: https://danviet.vn/co-gi-dac-sac-trong-dem-nhac-khac-hoa-chan-dung-5-nhac-si-tai-hoa-xu-nghe-20230410090025847.htm