20 năm đầu tiên trong cuộc đời một con người có thể coi là khoảng thời gian đẹp nhất gắn với tuổi thơ, những mơ mộng thuở học trò, cánh phượng hồng, bằng lăng tím ép khô trong cuốn sổ lưu niệm trao tay gắn với mối tình đầu trong sáng.
Nhưng với Dương Thúy Vi, ký ức gần như chỉ gói gọn trên thảm đấu. Nơi đó ghi dấu những giờ tập luyện miệt mài, những chuyến tập huấn, thi đấu xa nhà. Biết bao mồ hôi đã đổ xuống và những chấn thương dai dẳng tưởng như sẽ cản bước Thúy Vi đi đến tận cùng đam mê.
Trước thềm ASIAD 2014, Thúy Vi đã bị chấn thương khá nặng nhưng cuối cùng vẫn tỏa sáng, giành tấm huy chương vàng (HCV) duy nhất cho đoàn TTVN. Sức bật nào giúp Vi có thể thăng hoa như vậy?
– Nói về chấn thương thì nhiều lắm nhưng kỷ niệm khó quên nhất của tôi chính là ở giải trẻ thế giới 2008 ở Bali (Indonesia). Trong một động tác tiếp đất, mu ban chân của tôi bị gập, chệch ổ khớp.
Vô cùng đau đớn nhưng tôi cố gắng đi hết bài dù biết không thể giành huy chương. Vừa kết thúc, mọi người ùa vào bế tôi ra ngoài, cũng chẳng biết làm gì vì xung quanh là biển nước mênh mông. Đá chưa kịp mang tới và mọi người dí thẳng chân của tôi vào một bể cá rất to để được làm lạnh. Ngày ấy tôi còn trẻ, mới 15 tuổi, rất sốc với chấn thương đó và đã muốn nghỉ.
Qua câu chuyện kể trên, tôi muốn nói rằng chấn thương ngay trước ASIAD 2014 có nặng thật nhưng nếu bảo tôi không đi ASIAD thì sự nặng nề về tinh thần còn lớn hơn nhiều.
Thời gian đó vô cùng áp lực. Tôi đã tập luyện miệt mài, quên ăn, quên ngủ để đợi khoảnh khắc thể hiện những gì mình tích lũy được tại Á vận hội. Vậy mà khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Đại hội diễn ra, mình lại bị chấn thương.
ASIAD 4 năm mới có 1 lần, lúc đó tôi đã 21 tuổi – độ tuổi mà nhiều nữ vận động viên (VĐV) wushu đã chia tay thảm đấu. Tôi không chắc là 4 năm sau tôi còn cố được nữa hay không. Ngay cả khi tôi còn có thể thi đấu thì sẽ gặp phải sự cạnh tranh của nhiều VĐV giỏi khác.
Lúc đó tôi không nghĩ gì tới thành tích mà chỉ nghĩ tới “Cơ hội thi đấu” mà thôi. Nếu tôi dừng lại có nghĩa là bao công sức tập luyện sẽ bỏ sông bỏ biển. Tôi không chấp nhận điều đó và tiếp tục tiến bước.
Tôi đã chứng kiến nhiều VĐV Việt Nam, kể cả các lãnh đạo, thành viên ban huấn luyện từng không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào khi đứng trên bục nhận HCV, mắt hướng theo lá cờ Tổ quốc được kéo lên ở vị trí cao nhất trong giai điệu Quốc ca thiêng liêng. Nhưng với Thúy Vi, tôi chưa bao giờ thấy bạn khóc, thậm chí còn có vẻ “lạnh lùng” trong giây phút để đời tại ASIAD 2014. Vì sao vậy?
– Tấm HCV ASIAD 2014 đến lúc này vẫn là tấm huy chương đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi, dù trong bộ sưu tập đã có đầy đủ những tấm HCV SEA Games, thế giới.
Ngày ấy, tôi không tin mình giành được HCV, thực sự quá áp lực. Năm đó khi sang Hàn Quốc, làng VĐV ở cách xa nhà thi đấu, di chuyển bằng xe ô tô phải mất 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi phải dậy từ 4-5 giờ sáng, trang điểm và chuẩn bị. Sáng thi xong chỉ biết nằm vật ra ở vòng khởi động nghỉ ngơi buổi trưa, chờ đến chiều thi tiếp. Tại ASIAD 2014, tổng điểm thi 2 bài kiếm thuật và thương thuật, tôi chỉ hơn VĐV giành HCB 0,01 điểm.
Tôi biết lãnh đạo, ban huấn luyện đã ôm nhau òa khóc với tấm HCV của tôi. Còn tại sao tôi “một mình một kiểu” ư? Bởi vì tôi đã khóc trước đó ở phía sau rồi, mọi người không nhìn thấy mà thôi.
Đôi khi tôi cũng không hiểu được bản thân mình, chỉ biết rằng tôi không muốn thể hiện ra ngoài là mình yếu đuối, tôi sợ nếu tôi khóc tôi sẽ nhụt chí.
Có lẽ thói quen kìm nén cảm xúc trong tôi đã lớn dần lên theo năm tháng từ khi tôi theo nghiệp võ cách đây 19 năm, khi tôi mới 7 tuổi. Tôi sợ rằng mình mà khóc mỗi khi chấn thương hay trong bất kỳ trường hợp nào đó sẽ làm cha mẹ thêm lo lắng.
Họ đã muốn tôi dừng lại rồi, và tôi không muốn có thêm lý do để cha mẹ bắt tôi từ bỏ wushu.
Con gái đi theo thể thao chuyên nghiệp đã gặp phải nhiều khó khăn. Đằng này Thúy Vi còn là “tiểu thư” Hà thành, là con một, và chắc hẳn phải đối mặt với rất nhiều định kiến, đặc biệt là những can ngăn từ phía gia đình…?
– Tôi nghĩ nếu thời điểm này, con gái đi tập võ thì không vấn đề gì. Thể thao phát triển, quan niệm của mọi người cũng thoáng hơn bởi phụ nữ cũng cần rèn luyện thể chất, biết cách tự vệ.
Còn với cá nhân tôi và các VĐV cùng lứa mà xa hơn là các thế hệ “đàn chị” đi trước như Phương Lan, Thúy Hiền, Mỹ Đức, Đàm Thanh Xuân… đúng là khó thật.
Bố mẹ vui vẻ khi cho tôi đi tập với mục đích chỉ để vui, khỏe. Khi biết tôi có ý định theo chuyên nghiệp, tất cả đều phản đối. Bố là đàn ông nên cũng nhẹ nhàng hơn chứ mẹ tôi thì quyết liệt lắm.
Trong quan điểm của mẹ, con gái là phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” nhưng tôi thì không thế, tôi nghịch quá! Nếu khán giả nào thời gian qua có xem bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” thì có thể phần nào hình dung ra tôi trong hình ảnh của nhân vật Dương do Bảo Hân đóng.
Khó khăn nhất đến với tôi khi học xong cấp 3. Mọi người áp đặt, thậm chí còn tranh cãi với nhau, gây sức ép để tôi bỏ tập vì không có tương lai, vì con gái theo nghiệp võ vất vả quá.
Những câu hỏi tôi thường xuyên phải đối mặt là: “Cuối cùng mục đích của con là gì, tương lai xác định ra sao?…”. Toàn câu hỏi quá khó đối với tôi!
Tôi chỉ nghĩ bản thân mình thích, mình đam mê wushu và muốn được làm điều mình thích. Sau bao năm tập luyện, tôi cũng thấy tiếc công sức, những gì mình tích lũy được.
Tôi tự tin mình có thể mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế. Vậy nên tôi cũng chỉ biết “lì” ra với bố mẹ và tiếp tục đi con đường của mình.
Sau này, kể cả khi tôi giành được HCV ASIAD 2014, được đặc cách vào Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội thì cha mẹ vẫn muốn tôi nghỉ.
Nhưng giờ tôi vẫn đang đứng đây chuẩn bị cho giải vô địch thế giới 2019 vào tháng 10 tới tại Thượng Hải (Trung Quốc).