(Dân trí) – Kiều Anh cho biết, cô cảm thấy rất ấm lòng và xúc động khi lắng nghe câu trả lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Buổi đối thoại đặc biệt ở trường đại học lâu đời nhất New York
Dù đã đăng tải clip chia sẻ về phần đối thoại với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cách đây 2 tuần trên trang cá nhân nhưng hiện tại, Lê Kiều Anh vẫn liên tiếp nhận được nhiều bình luận liên quan đến clip.
“Tôi muốn truyền đạt những thông điệp tích cực tới người trẻ, đặc biệt là các du học sinh. Tuy nhiên, một số người không hiểu vấn đề đã vội đưa ra phán xét rất nặng nề có phần ác ý”, Kiều Anh chia sẻ với Dân trí.
Lê Kiều Anh (24 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) tới Mỹ theo học ngành Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Columbia đầu năm 2024.
Ngày 23/9, cô gái trẻ là một trong số các du học sinh Việt tham dự sự kiện đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia – trường đại học lâu đời nhất New York đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất thế giới.
Tại sự kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về mối quan hệ Việt Nam – Mỹ và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại trước những thay đổi lớn lao, vừa mang tính chu kỳ, cấu trúc, vừa có những đột phá chưa từng có dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.
Kết thúc phần lắng nghe chia sẻ, Kiều Anh có được vinh dự đặt câu hỏi dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Cô gái kể, theo thông tin từ chương trình, số lượng các câu hỏi không cố định và tùy thuộc vào thời gian. Các đại biểu cần xếp hàng chờ tới lượt. Kiều Anh “nhanh chân” xếp ở vị trí số 2 với mong muốn chắc một suất đối thoại với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
“Hiểu được ý nghĩa lớn lao của buổi gặp gỡ, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các chủ đề có liên quan, đặc biệt là những vấn đề mà các bạn du học sinh và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đang quan tâm.
Sau khi cân nhắc, tôi quyết định đặt câu hỏi về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài liên quan tới chủ đề “chảy máu chất xám”, Kiều Anh chia sẻ.
Sau phần gửi lời chào và lời chúc sức khỏe bằng tiếng Việt tới vị lãnh đạo đáng kính, cô gái trẻ đã đưa ra câu hỏi bằng tiếng Anh.
Nội dung tạm dịch: “Nhiều sinh viên và chuyên gia trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ có mong muốn mạnh mẽ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Chính phủ đang xem xét những chính sách hoặc sáng kiến nào để khuyến khích những cá nhân, tài năng này quay trở về Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển lâu dài của đất nước, đồng thời thúc đẩy sự đoàn kết giữa họ để duy trì các giá trị văn hóa và hợp tác hiệu quả với cả quốc gia nơi họ đang sinh sống về quê hương Việt Nam?”.
Theo Kiều Anh, cô hiểu rõ bản thân có cơ hội quý giá để đại diện cho tiếng nói của du học sinh Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài trước Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Mục đích cô đưa ra câu hỏi nhằm phản ánh mong mỏi và giải quyết những vấn đề nổi cộm.
Về câu trả lời của Tổng Bí thư, Kiều Anh cho biết, cô cảm thấy ấm lòng và nhận được nhiều năng lượng tích cực.
Câu trả lời của Tổng Bí thư như một lời khẳng định rằng, người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì miễn là cống hiến hết mình và là một người tốt là đang đóng góp về cho quê hương, và cao cả hơn là đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
“Trả lời câu hỏi của tôi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ rằng, ông hiểu được tâm trạng của đa số sinh viên đang theo học ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ khi tiếp cận với nền văn minh, nền khoa học tiên tiến mong muốn được trở về xây dựng đất nước phát triển.
Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện với rất nhiều chính sách để các du học sinh hoàn thành mục tiêu này.
Các du học sinh nếu có điều kiện có thể học cao hơn để tiếp cận với những tiến bộ mới đóng góp không chỉ cho Việt Nam mà cho các nước sở tại.
Theo ông, mỗi người cần suy nghĩ rộng hơn, không nên nghĩ chỉ làm cho đất nước mình, dân tộc mình mà phải nghĩ ở tầm quốc tế, nhân loại và vì văn minh chung của nhân loại”, Kiều Anh kể.
Cũng theo cô gái trẻ, diễn đàn diễn ra ở Đại học Columbia, Mỹ nên cô đặt câu hỏi về chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam với những du học sinh, người lao động ở nước ngoài, cụ thể là ở Mỹ. Nhiều người hiểu sai về câu hỏi của cô và nghĩ cô đang có ý đòi hỏi cho du học sinh về nước làm việc.
Bị “ném đá” vì đặt câu hỏi bằng tiếng Anh
Kiều Anh cho biết, cô nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Lý do là bởi, đặt vấn đề về quyền lợi dành cho các chuyên gia, người lao động và cá nhân tài năng về nước sẽ có thể xem là không công bằng với công dân đang làm việc và học tập ở Việt Nam.
Một số ý kiến đồng cảm với những suy nghĩ, trăn trở của Kiều Anh và các du học sinh. Tuy nhiên, không ít người khi xem đoạn clip quay lại cảnh đối thoại đã đưa ra những bình luận “ném đá” gay gắt. Nhiều đoạn clip bị cắt ghép và chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Một số cho rằng, du học sinh “đã đòi hỏi quyền lợi thì không cần về nước”, cũng có những bình luận chỉ trích “cô gái trẻ chưa cống hiến được gì cho đất nước nhưng đã nghĩ đến quyền lợi…”.
Có người không đồng tình với cô gái trẻ khi đặt câu hỏi cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bằng tiếng Anh. Theo Kiều Anh, cô lựa chọn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh bởi buổi đối thoại có tới 90% đại biểu là các vị khách quốc tế.
Ngoài ra, cô không quá bận tâm đến những bình luận tiêu cực. Điều Kiều Anh mong muốn là chia sẻ cách nhìn của mình.
“Tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam sinh sống và làm việc nên câu hỏi này không dành cho bản thân tôi.
Tôi muốn thay lời mình truyền đạt tâm tư của các du học sinh, đội ngũ chuyên gia, người lao động và cá nhân tài năng đang mong mỏi về Việt Nam nhưng có nhiều chướng ngại về tài chính cũng như môi trường làm việc. Nhiều người đang băn khoăn và chưa tìm được câu trả lời cho chính mình”, Kiều Anh chia sẻ.
Theo Kiều Anh, số du học sinh đi học ở nước ngoài và quay trở về nước đang có xu hướng giảm vì không ít người gặp khó khăn trong việc hòa nhập và tìm kiếm cơ hội phù hợp.
Do đó, cô mong muốn với câu trả lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhiều người sẽ được tiếp thêm sức mạnh và động lực để quay về cống hiến cho đất nước.
Ngoài ra, vế sau câu hỏi về cách thắt chặt tinh thần đoàn kết và các giá trị văn hóa trong cộng đồng, Kiều Anh mong muốn mở ra một cuộc thảo luận sâu rộng hơn về tinh thần, trách nhiệm và cơ hội cống hiến cho đất nước từ xa và ngay trong giai đoạn du học.
Dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/co-gai-tre-gay-sot-khi-doi-thoai-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20241007215044315.htm