Điện ảnh từng chỉ là một lối rẽ ngang của Hà Lệ Diễm và cô gái trẻ đã làm phim từ đôi bàn tay trắng ở tuổi ngoài 20.
Trong đêm trao giải Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất 2023 – DANAFF I diễn ra giữa tháng 5 vừa qua, nhiều người không khỏi bất ngờ và ấn tượng khi biết chủ nhân của giải thưởng danh giá nhất liên hoan phim là một cô gái chỉ mới 31 tuổi.
Cô gái ấy là Hà Lệ Diễm, người dân tộc Tày, quê Bắc Kạn.
Bước lên từ cuối khán phòng, đi qua dãy ghế của những đạo diễn, diễn viên gạo cội trong nước và quốc tế, Diễm liên tục cúi đầu lễ phép chào hỏi. Cô bước lên sân khấu, nở nụ cười tươi đón nhận cúp và giấy chứng nhận từ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh với tư cách là đạo diễn của Phim châu Á hay nhất – Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist).
Cầm chiếc cúp trên tay, người đầu tiên mà Hà Lệ Diễm nhớ đến và gửi lời cảm ơn là Má Thị Di – nhân vật cô gái người Mông trong phim. Chiếc váy Diễm mặc hôm ấy được làm từ vải chàm của người Mông do chính Di may tặng. Có lẽ, Diễm muốn nhân vật chính cùng mình chứng kiến thời khắc quan trọng và ý nghĩa ấy.
Trước giải thưởng này, Những đứa trẻ trong sương từng lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.
Bộ phim đã đưa Hà Lệ Diễm trở thành nữ đạo diễn Việt Nam đầu tiên có phim tài liệu lọt vào đề cử giải Oscar - giải thưởng lâu đời nhất trong lĩnh vực điện ảnh toàn cầu.
Những đứa trẻ trong sương cũng thắng giải Phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Docaviv và giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam vào tháng 11/2021 cùng khoảng 30 giải thưởng lớn nhỏ khác.
Nhìn bảng thành tích đáng nể ấy, nhiều người có lẽ sẽ không tin, điện ảnh từng chỉ là một lối rẽ ngang của Hà Lệ Diễm và cô gái trẻ đã làm phim từ đôi bàn tay trắng ở tuổi ngoài 20.
Hà Lệ Diễm ngoài đời trong trẻo và có đôi chút vô tư của lứa tuổi 9X. Sinh ra ở một xã miền núi tỉnh Bắc Kạn, Diễm cũng là “một đứa trẻ trong sương”. Căn nhà vách đất của Diễm nằm gọn trong rừng, sương mù bao quanh.
Mùa đông, bước chân ra khỏi nhà Diễm chỉ thấy một màu trắng lờ mờ, không nhìn rõ phía trước, cũng chẳng thấy hết sau lưng. Nỗi sợ hãi một mình đi trong sương khiến cô bé dân tộc Tày từng có lần nói dối bị ốm để không phải đến trường.
Ông nội của Diễm là một nhà giáo và có rất nhiều sách. Từ nhỏ, ông khuyến khích cô đọc nhiều sách để mở mang tri thức. Từ những trang sách, cô bé dân tộc Tày biết đến những điều mới mẻ bên ngoài bản làng nhỏ bé.
Sau này lớn lên, Diễm mơ ước được đi ra ngoài và ngắm nhìn thế giới. Cô thi vào Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với suy nghĩ, nghề báo sẽ đưa mình đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị.
Tuy vậy, những năm đầu đại học, vì bản tính nhút nhát, Diễm chỉ co mình vào một góc. Cô ngại đến nơi đông người, ít giao du bạn bè. Xuống Hà Nội 2 năm, Diễm chỉ biết mỗi con đường 2km từ ký túc xá đến trường. Lớp học 108 sinh viên, cô cũng chỉ nói chuyện với năm, sáu người.
Muốn Diễm thay đổi, cởi mở hơn, một người bạn đã rủ cô tham gia khóa học làm phim tài liệu miễn phí của Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD, Hội Điện ảnh Việt Nam. Song nữ sinh người Tày cứ mãi chần chừ. Sau nhiều lần nghe bạn thuyết phục, tới khóa học cuối cùng, Diễm mới đăng ký tham gia.
Lần đến lớp học ở gần hồ Hoàn Kiếm cũng là lần đầu tiên Diễm đi quãng đường xa quá 2km thường ngày ở Hà Nội. Lúc ấy, cô gái trẻ không ngờ, vượt qua quãng đường ấy, phía trước với cô là một cả hành trình chu du đầy bất ngờ từ Việt Nam ra thế giới.
Đi học về phim tài liệu, Diễm nhận ra, thể loại này không khô khan, quá kén người xem như mình tưởng tượng. Cô dần yêu thích phim tài liệu và mày mò làm phim.
Từ những kiến thức tích lũy được từ khóa học miễn phí, năm 2011, Hà Lệ Diễm bắt tay làm bộ phim Con đi trường học với 2 triệu đồng kinh phí hỗ trợ từ TPD.
Nhân vật của Diễm khi ấy là một bà mẹ đơn thân nhiễm HIV sống cùng con trai 5 tuổi ở ngôi nhà cheo leo giữa núi rừng thuộc xã Dương Quang, Bắc Kạn. Bằng sự kiên trì và chân thành, Diễm đã được thuyết phục được nhân vật mở lòng chia sẻ những tủi nghẹn ẩn sâu trong lòng.
Ngày đó, thay vì máy quay, Hà Lệ Diễm sử dụng chiếc máy ảnh Canon 550D làm phương tiện ghi hình. Cô cùng nhân vật lên rừng đốn củi, làm vườn hay theo chân chị đưa con đi học, đi lĩnh thuốc. Một mình Diễm đảm nhận vai trò của cả một ê-kíp từ đạo diễn, quay phim, dựng phim…
Những thước phim dung dị của Diễm đã lột tả được một cách chân thực cuộc sống của người phụ nữ nghèo không may mắc căn bệnh thế kỷ, chỉ biết dồn niềm tin và hy vọng vào đứa con trai qua việc từng ngày cõng con trèo đèo, lội suối đến trường.
Tác phẩm đầu tay hoàn thiện khi Diễm vẫn còn đang là sinh viên. Cô gái trẻ không ngờ Con đi trường học sau đó thành công ngoài sức mong đợi khi giành giải Cánh diều bạc (năm đó không có Cánh diều vàng) cho thể loại phim ngắn năm 2013. Đây là một giải thưởng lâu năm của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Lệ Diễm xin vào làm việc tại một tờ báo sau đó cô chuyển sang một tập đoàn lớn, công tác tại phòng truyền thông. Ở cả hai đơn vị, Diễm làm ở bộ phận video để có thể kể các câu chuyện qua những thước phim.
“Năm 2016, khi trúng tuyển vào khóa học làm phim tài liệu của Varan Vietnam, tôi xin nghỉ phép 3 tháng để đi học nhưng cấp trên lại đưa ra hai lựa chọn “một là nghỉ luôn, hai là cơ quan tăng lương để tôi tiếp tục làm việc”. Tôi không suy nghĩ nhiều mà quyết định nộp đơn xin nghỉ”, Hà Lệ Diễm nhớ lại.
Cô chia sẻ, bản thân không đắn đo nhiều vì hiểu công việc thời điểm ấy vẫn chưa hoàn toàn giúp “cô chạm vào cuộc sống”. Cô dần hiểu ra, phim tài liệu mới là lựa chọn phù hợp bởi chỉ có đi theo thể loại phim này, cô mới tự do vùng vẫy, có thời gian hiểu sâu về câu chuyện của các nhân vật, lắng nghe nhiều hơn.
Từ bỏ công việc ở một tập đoàn lớn với mức lương hậu hĩnh, Hà Lệ Diễm vào TPHCM 3 tháng để trau dồi kiến thức. Trở về Hà Nội cũng là lúc số tiền tiết kiệm hơn 30 triệu đồng trong túi cạn kiệt.
Những khó khăn về kinh tế bắt đầu thách thức cô gái trẻ. Song Diễm vẫn quyết định đi theo con đường làm phim tài liệu độc lập. Cô nghĩ, cứ đi về phía trước thì mỗi ngày con đường sẽ rõ hơn một tí, giống như cái cách mà cô đã vượt qua nỗi sợ hãi mỗi lần đi trên con đường sương mù những ngày còn thơ bé.
Hà Lệ Diễm tự nhận mình là một người nghèo làm phim. Nếu như lần đầu quay Con đi trường học, cô có 2 triệu đồng tiền hỗ trợ thì khi làm phim Những đứa trẻ trong sương, cô gần như chẳng có gì ngoài một niềm đam mê đã rõ.
Nữ đạo diễn kể với Dân trí, năm 2017, trong một chuyến đi thực tế ở Sa Pa, Lào Cai, cô được sắp xếp vào ở một gia đình người Mông. Tại đây, cô quen Má Thị Di, một bé gái 12 tuổi khá hiếu động, tò mò về mọi thứ. Được Di dắt đi chơi khắp bản làng, tham gia các hoạt động của người Mông, Diễm nảy ra ý định muốn làm một bộ phim ghi lại những gì ngây thơ và trong trẻo nhất của tuổi thơ Di.
Diễm phải chạy đôn đáo mới mượn được một chiếc máy quay cũ lên Sa Pa làm phim (chiếc máy quay này sau đó được Diễm mua lại, mãi đến 3 năm sau cô mới có thể trả 30 triệu đồng tiền mua máy cho chủ cũ).
Vì lựa chọn cách kể chuyện trực diện, ưu tiên sự thật, tối giản lời bình, để nhân vật tự bộc lộ cảm xúc nên Hà Lệ Diễm mất gần 4 năm để quay các phân cảnh.
Khoảng thời gian ấy, cô gái trẻ làm đủ nghề để có tiền làm phim. Vì sống cùng một người bạn quê ở Hàm Yên, Tuyên Quang nên có năm mùa cam đến, cô cùng bạn lấy cam ở Tuyên Quang về Hà Nội bán. Ngoài bán cam, Diễm bán online các mặt hàng đặc sản của quê hương.
Đôi lần, cô nhận quay clip đám cưới với mức thù lao từ 2-3 triệu đồng. Cũng có khi, Diễm nhận làm quản lý đào tạo các lớp làm phim của TPD. Công việc nhiều khi làm chẳng hết, nhưng có lúc chẳng có ai gọi đến cô.
“Sau mỗi lần bán cam hay mỗi đám cưới hoặc lớp đào tạo, nhận được chút tiền, tôi lại vác máy quay lên nhà Di. Tôi không lựa chọn sống hẳn ở đó vì muốn nhân vật của mình có không gian riêng tư và bản thân họ mỗi khi gặp lại mình có cái mới để kể”, Hà Lệ Diễm cho hay.
Suốt gần 4 năm, Diễm không nhớ mình đã đi lại bao nhiêu lần chiều từ Hà Nội lên Sa Pa và ngược lại. Quá trình dài hơi ấy đương nhiên là một trở ngại với người không tiền đi làm phim như Diễm.
Thời điểm ấy, bộ phim cũng chưa được nhà sản xuất nào nhận lời. Nhiều khi cô chẳng còn lấy một đồng tiền ăn. Diễm cầm cự qua ngày nhờ số gạo mẹ gửi từ quê và sự tốt bụng của người bạn cùng phòng mà Diễm gọi là “bạn nuôi”, đã ứng tiền nấu cơm cho cô.
Cô cũng tiết kiệm hết mức, hạn chế mọi nhu cầu cá nhân, đôi khi phải “vay nóng” tiền của mẹ để chi tiêu. Bố mẹ cô khi biết con gái từ bỏ một công việc ổn định để theo nghề “lang thang bụi bặm suốt ngày” với cái máy quay cũng đứng ngồi không yên.
Về mặt tinh thần và chuyên môn, Diễm may mắn có bên cạnh những người bạn sẵn sàng dành thời gian xem phim nháp giúp cô và đưa ra những nhận xét vô tư. Cô cũng được nữ đạo diễn Trần Phương Thảo người đã dạy cô ở lớp phim Varan, anh Swan Dubus và một người thầy bên Pháp thường xuyên động viên cổ vũ. Có người trong số đó từng đưa ra ý kiến ngăn cản vì thấy Diễm dành quá nhiều thời gian cho bộ phim trong khi chưa rõ hiệu quả ra sao.
Bất chấp sự khuyên ngăn, mỗi năm Diễm vẫn miệt mài, kiên trì lên Sa Pa. Nhiều người dân bản địa và cán bộ địa phương không còn thấy lạ với hình cô gái trẻ đeo dép tổ ong, cầm máy quay đi khắp bản làng.
Sau khi có tư liệu trong tay, Diễm bắt đầu gửi hồ sơ xin tài trợ ở hàng chục đơn vị. Năm 2019, cô nhận được hỗ trợ đầu tiên từ một quỹ của Hàn Quốc, sau đó có thêm một số quỹ khác. Có tiền, Diễm thuê người dựng phim, dịch tiếng Mông, xử lý hậu kỳ ở Thái Lan…
Bộ phim Những đứa trẻ trong sương hoàn thành và công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam vào tháng 11/2021. Đến nay Những đứa trẻ trong sương đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore.
Nhìn lại hành trình ấy, Hà Lệ Diễm tâm sự: “Khi bắt đầu thực hiện tôi không nghĩ bộ phim của mình có thể đi xa đến như vậy. Nhờ Những đứa trẻ trong sương, tôi có cơ hội đến nhiều quốc gia, tham dự nhiều liên hoan phim.
Trong những cuộc trò chuyện với bạn bè quốc tế, tôi đã hiểu thêm về điện ảnh các nước và cũng có cơ hội chia sẻ về điện ảnh Việt Nam, học tập được những kinh nghiệm làm phim quý giá”.
Bộ phim tâm huyết lọt vào danh sách rút gọn top 15 Oscar 2023, Hà Lệ Diễm xem đó sự khích lệ lớn. Song cô không vì thế mà đặt nặng áp lực cho bản thân, coi đó là cái bóng quá lớn sau này mình phải vượt qua.
“Mục tiêu lớn nhất của tôi là kể câu chuyện và hiện thực cuộc sống mà nhân vật của mình đang sống. Tôi nghĩ việc tiếp cận được nhiều người hay không còn liên quan đến các yếu tố về truyền thông, quảng bá và đôi khi là chính sách từ các cấp quản lý.
Nếu tất cả được hài hòa và một bộ phim có đủ duyên thì tôi tin phim Việt sẽ có nhiều cơ hội đến với thế giới”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Thời gian qua, Hà Lệ Diễm nhận được nhiều lời mời của các hãng phim trong và ngoài nước nhưng cô vẫn thích sự độc lập nên không nhận lời bất cứ một đơn vị nào.
Chia sẻ về dự định sắp tới, nữ đạo diễn cho biết, cô sẽ vẫn lựa chọn làm phim về phụ nữ và trẻ em. Ngoài phát triển sự nghiệp riêng của bản thân, Diễm cùng bạn bè duy trì hoạt động nhóm Doc Cicada. Nhóm được lập ra nhằm tư vấn miễn phí cho các bạn trẻ có niềm đam mê làm phim cách giới thiệu dự án, đưa phim Việt đi tham dự các giải quốc tế…
Mong ước của Diễm là không chỉ bản thân mà sẽ có thật nhiều bạn trẻ khác đến với phim tài liệu và kể những câu chuyện về cuộc sống, về đất nước và con người Việt Nam.
“Có những câu chuyện có thể đơn giản nhưng qua ngôn ngữ của điện ảnh, nó cần được kể và khi đã chạm đến trái tim của người xem, nó sẽ giúp lan tỏa rất nhiều điều ý nghĩa”, Hà Lệ Diễm chia sẻ.
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh – Toàn Vũ – Ninh Phương
Thiết kế: Đỗ Diệp
Dantri.com.vn