Lê Thị Nhung sinh năm 2001 tại Đô Lương, Nghệ An, hiện là sinh viên năm thứ nhất Đại học Thương mại, Hà Nội. Nhung đỗ vào khoa Kế toán doanh nghiệp với số điểm thủ khoa. Nếu không phải nghỉ học để kiếm sống, giờ này Nhung đã có bằng cử nhân.
Nhung sinh ra được 4 tháng thì mẹ mất vì bệnh nặng. Nhung thậm chí không rõ mẹ đã mất vì bệnh gì vì em tránh hỏi kỹ chuyện đó. Trên Nhung có hai chị gái. Bố em không có nghề nghiệp ổn định.
Vì Nhung bé quá, bác ruột Nhung đã đem Nhung về nuôi. Bố Nhung nuôi hai con đầu và đi thêm bước nữa.
Nhung lớn lên dưới sự đùm bọc của bác. Bác sống đơn thân và nghèo, nhưng luôn lo cho Nhung được ăn học đầy đủ. Bố Nhung lập gia đình mới, có thêm con, cuộc sống chật vật khó khăn với nghề buôn bán phế liệu. Hai chị của Nhung phải nghỉ học từ sớm.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhung quyết định không thi đại học mà đi làm công nhân. Dù có khả năng học tập, Nhung không dám học tiếp vì bác đã cao tuổi. Cô rời vùng quê Đô Lương ra Hải Phòng tìm việc làm. Nhung được nhận vào vị trí công nhân bộ phận sản xuất đầu vào của nhà máy LG.
Làm việc cho một công ty Hàn Quốc, Nhung nuôi ý định sẽ tiến thân lên vị trí chuyên môn cao hơn bằng việc học tiếng Hàn. Ngày làm ở nhà máy, tối về Nhung học tiếng Hàn online.
Vốn tiếng Hàn của Nhung sau gần hai năm miệt mài học đêm đủ để giao tiếp tốt. Tuy nhiên, khi cô dự tuyển vào vị trí phiên dịch, hồ sơ của cô bị loại vì không có bằng đại học. Lúc này, Nhung mới nhận ra giá trị của bằng cấp. Nhung quyết định đi học trở lại.
Ra Tết năm 2023, khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nhung kiếm sách vở về ôn thi. Cô chọn khối D00 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).
Vẫn là ngày đi làm, tối ôn bài, sau hơn 3 tháng cắm cúi đọc sách, làm bài tập, Nhung đã đỗ đại học Đại học Thương mại. Hơn thế nữa, cô đỗ thủ khoa khối D của ngành.
Ngay sau khi thi xong, chưa biết kết quả, Nhung đã xin nghỉ việc ở nhà máy LG, khăn gói từ Hải Phòng lên Hà Nội tìm việc làm mới. Cô được nhận vào làm nhân viên phục vụ ở một nhà hàng Hàn Quốc với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng.
Khi trúng tuyển Đại học Thương mại, Nhung phải chuyển việc một lần nữa, tìm một nhà hàng ở gần trường hơn, thuận tiện cho việc vừa đi học vừa đi làm.
Hai năm làm công nhân, Nhung không tiết kiệm được nhiều vì phải dành tiền học tiếng Hàn, mua một chiếc xe máy và một chiếc máy tính. Số tiền cô gom góp được chỉ còn 12 triệu đồng, vừa đủ đóng các khoản phí đầu năm học.
Số tiền làm thêm ở Hà Nội, Nhung tích cóp dần để đóng học phí kỳ 2. Em may mắn được một người bác họ cưu mang, cho ở nhờ.
Vừa qua, Nhung là một trong số 120 tân sinh viên vượt khó có thành tích xuất sắc trong học tập trên toàn quốc được trao học bổng Nâng bước thủ khoa.
Nhung cho biết, mục tiêu của em là cố gắng đạt kết quả tốt ở trường để giành thêm học bổng, trang trải các chi phí và học thêm tiếng Anh, bên cạnh việc duy trì vốn tiếng Hàn.
Ước mơ của Nhung là làm việc cho một công ty nước ngoài ở vị trí dự toán. Nhung vừa học vừa làm thêm, vừa nỗ lực trau dồi ngoại ngữ để hiện thực hóa ước mơ của mình.