Hằng, người miền biển Quỳnh Lưu, tốt nghiệp sớm Bách khoa Hà Nội với điểm cao nhất ngành Kỹ thuật hóa học, sau khi vượt qua sự tự ti vì “không có gì nổi trội”.
Nguyễn Thị Hằng, 23 tuổi, sẽ đại diện các tân cử nhân của 4 trường, khoa thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu trong lễ tốt nghiệp, cuối tuần này.
“Mình tự hào nhưng cũng lo lắng khi đứng trước rất nhiều sinh viên và phụ huynh”, Hằng nói.
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết Hằng được chọn vì có thành tích xuất sắc trong học tập, có điểm tổng kết (CPA) cao nhất hệ kỹ sư ngành Kỹ thuật hóa học với 3.68/4, cùng điểm rèn luyện 92/100.
Hằng là chị cả trong gia đình có 3 chị em ở miền biển huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bố của Hằng là ngư dân, thường xuyên theo tàu cá lênh đênh trên biển, mẹ làm muối. Thấy công việc của bố mẹ vất vả, thu nhập chỉ vừa đủ lo cho gia đình, Hằng quyết tâm học tập để vươn ra ngoài.
Theo đuổi tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), Hằng tìm hiểu và lựa chọn ngành Kỹ thuật hóa học của Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Mình chọn Bách khoa vì danh tiếng, nghĩ vào môi trường nhiều người giỏi thì học hỏi được nhiều”, Hằng kể. “Khi thầy cô ở trường tư vấn, mình cũng thấy ngành Kỹ thuật hóa học có cơ hội nghề nghiệp hoặc du học”.
Là học sinh trường huyện, trúng tuyển Bách khoa với 24 điểm – mức không nổi trội, trong khi nhiều bạn trong lớp đạt giải quốc gia, quốc tế, Hằng tự ti về khả năng của mình. Cùng việc lần đầu sống xa gia đình, nữ sinh cảm thấy bơ vơ, khó hòa nhập.
Sau khoảng hai tháng, Hằng nghĩ đến gia đình và mục tiêu khi vào đại học. Nữ sinh tìm cách cải thiện bằng cách tham gia đội tình nguyện của trường. Gặp những người cùng sở thích, Hằng cởi mở hơn, nhận được nhiều lời khuyên từ anh chị khóa trên.
Chương trình năm nhất ở Bách khoa Hà Nội nổi tiếng khó với những môn đại cương nặng kiến thức, mỗi buổi học 2-3 chương sách. Dù đôi chút bị ngợp, Hằng lại thấy thú vị, tự điều chỉnh cách học cho phù hợp.
Hàng ngày, nữ sinh đọc lý thuyết trong giáo trình và tự giải một số bài tập trước khi lên lớp. Khi thầy cô giảng, Hằng có thể nắm bắt nhanh hơn. Sau đó, nữ sinh làm hết bài tập được giao, tìm thêm bài, hay các tài liệu trên thư viện để đọc thêm.
“Thư viện rất yên tĩnh và có nhiều tài liệu để học tập nên mình luôn học ở đây tối thiểu hai tiếng mỗi ngày, kể cả cuối tuần”, Hằng nói. Với cách học này, Hằng đạt loại xuất sắc cùng học bổng khuyến khích học tập loại A trong kỳ I.
Tự tin và có đà, Hằng đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học, mong sớm học được những kỹ năng căn bản nhất, như cân lượng mẫu chuẩn khi làm thí nghiệm.
Nhưng cô không ngờ chương trình học năm thứ hai nặng hơn, với những môn khó như Hóa công, Hóa lý. Vừa nghiên cứu, vừa học, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa khiến Hằng quá tải.
Các kỳ thi vấn đáp ngày càng nhiều cũng là nỗi sợ hãi với Hằng. Nữ sinh mô tả có khi ôn cả trăm câu hỏi mà khi thi không trúng câu nào. “Điểm tổng kết đạt 3.25 nhưng đã tụt so với các kỳ trước khiến mình càng thêm áp lực”, Hằng nói.
Khi đã vượt qua, Hằng quen với áp lực và trở nên đa nhiệm hơn. Cuối năm thứ hai, Hằng còn đi làm gia sư môn Toán và Tiếng Anh cho học sinh THCS 2-4 buổi một tuần. Nữ sinh đẩy nhanh việc học, tốt nghiệp sớm một kỳ.
Trong 9 kỳ học tại Bách khoa, Hằng 4 lần giành học bổng loại A, hai kỳ loại B và 4 kỳ nhận được học bổng doanh nghiệp. Nữ sinh cũng từng đạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, có chứng chỉ TOEIC 850/990 điểm. Cô đang viết bài báo dựa trên một số kết quả của đồ án tốt nghiệp để nộp cho tạp chí quốc tế.
PGS Phạm Thanh Huyền, giảng viên hướng dẫn Hằng làm khóa luận và dạy một số môn chuyên ngành, cho biết Hằng tham gia nhóm nghiên cứu của cô gần ba năm, là sinh viên chủ động, cầu thị và rất khiêm tốn.
“Ngoài tốt nghiệp sớm một kỳ, Hằng còn được giáo sư ở Hàn Quốc nhận học tiếp thạc sĩ từ khi chưa tốt nghiệp”, cô Huyền cho hay.
Hằng hiện làm tại một trường phổ thông quốc tế ở Hà Nội. Công việc của cô là quản lý phòng thí nghiệm, hỗ trợ giảng dạy các môn STEM bằng tiếng Anh.
“Mình muốn khám phá và trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế trước khi thực hiện những dự định khác”, Hằng nói.
Cô gái người Nghệ An muốn học tiếp bậc sau đại học, sau đó quay về làm trong ngành giáo dục hoặc doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực hóa học.
Nguồn: https://vnexpress.net/co-gai-mien-bien-vuot-tu-ti-thanh-sinh-vien-tieu-bieu-bach-khoa-4743103.html