Trần Châu Kim Khánh, 25 tuổi, được 334/400 điểm ở kỳ thi luật sư của bang Texas, sau khi hoàn thành sớm chương trình tiến sĩ Luật, loại xuất sắc.
Kim Khánh nhận kết quả bài thi luật Uniform Bar Exam (UBE) tháng 2/2024 của bang Texas, vào ngày 15/4. UBE do Hội đồng Giám định Luật sư Mỹ tổ chức, nhằm kiểm tra kiến thức và kỹ năng của người học luật. Mọi sinh viên tốt nghiệp trường luật phải vượt qua bài thi này để được cấp phép hành nghề.
Ở bang Texas, 270 là số điểm tối thiểu thí sinh cần đạt, còn 330 trở lên là mức điểm lọt top 1% cả nước. Điểm của Khánh đạt cả hai tiêu chí.
“Bài thi rất khó nên mình chỉ mong qua điểm đạt, không nghĩ lại được cao như vậy”, cô chia sẻ.
Brian Phan, bạn học của Khánh ở trường Luật của Đại học Công nghệ Texas, thì không bất ngờ với kết quả này. Là người chứng kiến quá trình học và ôn thi luật của Khánh, anh ví bạn mình như một chiến binh tập trung, kiên cường khi phải đối mặt với lượng công việc nhiều đến mức choáng ngợp.
“Với tất cả những nỗ lực đó, tôi chắc chắn Khánh làm được”, anh nói.
Kim Khánh sinh ra ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau gần 3 năm học ở trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, cô cùng gia đình sang California, Mỹ, định cư. Năm lớp 8, Khánh chuyển đến Dallas-Fort Worth, Texas và cư trú đến bây giờ.
Ngày vào đại học, cô gái gốc Việt chọn ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kế toán, ở Đại học Texas cơ sở Arlington. Khi thực tập ở một văn phòng luật sư chuyên về địa ốc, Khánh được khuyên rẽ sang ngành luật. Thấy hứng thú và muốn bước ra khỏi vùng an toàn, cô đăng ký vào trường Luật, Đại học Công nghệ Texas.
“Lúc đó, mình chỉ dám nói với gia đình thôi, không dám kể cho bạn bè vì sợ học không nổi”, cô nhớ lại. Theo Khánh, đây được coi là ngành của người bản địa, vì tiếng Anh cần đủ thành thạo để hiểu thuật ngữ, bên cạnh hiểu biết sâu sắc về chính trị, xã hội nước Mỹ.
Ở Mỹ, cử nhân ngành nào cũng có thể học tiến sĩ Luật, miễn là vượt qua bài kiểm tra chuẩn hóa của các trường luật (LSAT). Chưa có nền tảng như nhiều bạn có bằng cử nhân ở ngành này, Khánh quyết tâm vừa chăm, vừa có chiến thuật để “cùng học như bạn, nhưng mình học hiệu quả hơn”.
Cô từng không hiểu gì khi học lớp Luật Hiến pháp ở năm đầu tiên. Dù sống ở Mỹ hơn chục năm, cô vẫn chưa hiểu rõ hiến pháp và cấu trúc chính phủ như người bản địa, nên phải tìm tòi, đọc thêm sách, đến khi có thể giảng cho bạn khác hiểu mới thôi. Cô cũng thường hỏi các anh chị từng đạt điểm A môn này để học theo cách của họ. Theo cách chấm điểm ở trường luật, chỉ 10% sinh viên đạt điểm A và điểm cao nhất được tính như một giải thưởng. Với điểm môn Luật Hiến pháp xếp hạng 1/55 cả lớp, Khánh đã có một giải thưởng như vậy.
Bên cạnh đó, Khánh cho rằng cách học và dạy theo phương pháp Socrates ở trường luật rất thú vị. Người dạy sẽ dẫn dắt bài học bằng cách đặt các câu hỏi kích thích tư duy, còn sinh viên tích cực thảo luận, đặt câu hỏi của riêng mình để mở rộng kiến thức. Nhờ vậy, các giờ học trên lớp luôn sôi nổi, giúp sinh viên chủ động tìm kiếm tri thức và nhớ bài lâu hơn.
Cuối năm ngoái, Khánh tốt nghiệp tiến sĩ sớm một học kỳ, đạt điểm trung bình (GPA) 3.6/4. Cô cũng lấy bằng thạc sĩ Kinh tế với GPA điểm tuyệt đối.
Điểm số tốt, lại tích cực tham gia nghiên cứu, viết bài cho tạp chí luật của trường, Khánh được Big Law chọn phỏng vấn, trong chương trình on-campus interview (phỏng vấn tại trường). Big Law là thuật ngữ chỉ 100 công ty luật lớn nhất tại Mỹ, có tính cạnh tranh cao. Trải qua các vòng, Khánh là một trong hai sinh viên của trường được thực tập ở hãng luật Holland & Knight. Đây là tập đoàn toàn cầu có hơn 2.000 luật sư hoạt động trong 250 lĩnh vực của luật.
Theo Khánh, các công ty luật lớn tuyển chọn sinh viên có điểm số cao ngay từ đầu để đào tạo trở thành luật sư chính thức. Bởi vậy, làm việc ở Big Law từ sớm là một cơ hội tốt. Trong hơn hai tháng ở Holland & Knight, cô chủ yếu làm quen với các lĩnh vực luật, tìm hiểu văn hóa công ty, học phép xã giao với khách hàng từ ăn tối, uống rượu, đến thưởng thức âm nhạc, xem thể thao. Cô cũng được trả lương khoảng 4.200 USD/tuần.
Sau khi tốt nghiệp, Khánh bắt tay ngay vào chuẩn bị cho kỳ thi luật sư, ôn tập cao độ trong 10 tuần. Cô thường học từ 12 giờ trưa đến 4 giờ sáng, chỉ dành ít thời gian để ăn, uống và tập thể thao. Mỗi lần ngồi vào bàn, cô học liền nhiều tiếng, đọc đi đọc lại hàng nghìn điều luật và luyện các dạng bài (viết luận và trắc nghiệm). Theo Khánh, bài thi hỏi kiến thức 16 môn luật mà thí sinh phải nhớ toàn bộ, nên chỉ có cách ôn tập chăm chỉ.
“Căng thẳng đến mức sau khi thi xong, mình không ngủ được trong căn nhà đó nữa”, Khánh kể.
Hai ngày thi cũng áp lực. Ngày đầu tiên, cô phải hoàn thành 8 bài luận kiểm tra lý thuyết, kỹ năng lập luận và áp dụng luật trong xử lý các tình huống thực tế. Trong đó, hai câu hỏi tình huống đưa ra lượng lớn thông tin gồm mẫu sự thật, vị trí pháp lý và yêu cầu cần giải quyết. Khánh cho rằng việc khó nhất là phải đọc, xử lý thông tin và viết thật nhanh khoảng 10-15 trang mỗi câu, trong vòng 90 phút.
Ở ngày thi thứ hai, cô phải làm 200 câu hỏi trắc nghiệm trong 6 tiếng. Đề bài mỗi câu dài nửa trang giấy, kiểm tra các kiến thức “ngoại lệ của ngoại lệ”, đòi hỏi thí sinh phải học chuyên sâu, không bỏ sót bất kỳ kiến thức nào. Học có chiến thuật ngay từ đầu, không khó để Khánh nhớ lại và sử dụng các kiến thức luật khi làm bài.
Tháng 10 tới, Khánh sẽ quay lại làm chính thức ở Holland & Knight, với nhiệm vụ tham vấn và giải quyết các vấn đề luật kinh doanh. Từ giờ đến lúc đó, cô muốn tham gia hoạt động tình nguyện ở Việt Nam và các nước Châu Phi.
Nhìn lại hành trình bén duyên và cố gắng với nghề luật, Khánh cảm thấy bittersweet (vừa đắng vừa ngọt). “Đắng vì mình dành nửa thành xuân để ngày ngày đèn sách, nhưng ngọt vì mình gặt hái được thành công trên con đường đã chọn”, cô nói.
Phương Anh