Thấy môi trường học thạc sĩ không phù hợp, Phạm Ngọc Thanh Lan (27 tuổi), ngụ ở đường Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM quyết định nghỉ ngang đi bán bánh giò. Quyết định này của cô gái khiến nhiều người bất ngờ.
“Nghe tin này, cả gia đình mình sốc. Bố mẹ mình đều là giảng viên. Cả hai người từng làm việc tại Trường trung cấp Lương thực – Thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Vậy mà con gái duy nhất trong nhà cầm bằng cử nhân quản trị kinh doanh, nay bỏ ngang thạc sĩ, đi bán bánh giò”, cô bật cười nhớ lại.
Quyết định táo bạo
Thanh Lan cho biết năm 2020, bắt đầu đi học thạc sĩ sau khi nghỉ công việc toàn thời gian tại một nhãn hàng lớn. Trong quá trình học tập, cô gái này nhận ra không phù hợp. Thế là Lan quyết định nghỉ học, ở nhà làm bánh giò và bán online trên mạng vào năm 2021.
Cơ duyên đến với nghề làm bánh giò bắt đầu từ trước khi Lan khởi nghiệp. Năm 2017, 2018 là khoảng thời gian bố mẹ của Lan nghỉ hưu. Với sự khéo tay và yêu thích ẩm thực từ nhỏ, mẹ Lan luôn tìm tòi công thức nấu ăn và tự kinh doanh. Lan thấy việc đó khá hay nên đã mày mò học thêm những món ăn mới lạ trên thị trường để phụ mẹ.
Lan nhận thấy bánh giò trứng muối là món ăn khá mới lạ nhưng rất được ưa chuộng, nên đã đề nghị mẹ làm món này và tìm khách sỉ để bán. Tuy nhiên, mẹ Lan không đồng ý vì cho rằng chỉ lấy công làm lời. Cô gái thấy công sức mà mẹ bỏ ra không tương xứng với lợi nhuận thu được. Thấy tiềm năng khách hàng rất lớn, cô gái quyết tâm phát triển sản phẩm này bằng việc tự kinh doanh riêng.
Càng lúc, ý định nghỉ học lại càng thôi thúc Lan. Cô gái luôn trăn trở một thời gian dài vì việc học thạc sĩ có ý nghĩa nhiều đối với bố mẹ.
“Ban đầu, cả nhà không ủng hộ vì thấy công việc này quá vất vả mà thu nhập không cao hơn làm văn phòng là mấy. Sau khi thấy mình quá tâm huyết với nghề, bố mẹ dần xuôi lòng và hỗ trợ. Mẹ Lan vẫn hay qua tiệm phụ, còn bố rảnh vẫn thường giúp con gái lau lá chuối gói bánh”, Lan kể.
Cô gái tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Sài Gòn (TP.HCM) bắt đầu khởi nghiệp từ những thứ rất nhỏ. Từ nấu và làm bánh tại nhà, sau đó thuê căn nhà cấp 4 thành nơi làm bánh để rộng rãi hơn… Sau đợt dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn chung làm Lan loay hoay suốt một khoảng thời gian dài. Cô gái thú nhận bản thân mình trước đó chỉ có kinh nghiệm làm nhân viên nên việc vận hành và phát triển một tiệm ăn khá chật vật. Lan vừa là bếp chính, chủ tiệm vừa phải quản lý về nhân viên, sổ sách và tất cả mọi thứ.
Thế nhưng, cô gái không chịu mượn tiền bố mẹ vì ý thức kinh tế gia đình không khá giả. Lan tự tiết kiệm và vay mượn riêng bên ngoài. Dù đã đổi mặt bằng đến lần thứ ba nhưng cô gái trẻ vẫn không bỏ cuộc.
Nồi bánh giò ngon ngất ngây của cô gái trẻ
Công việc mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm với việc hấp bánh giò được làm sẵn ngày hôm trước. Đến tối, Lan mới có thời gian cho việc đi chợ và nhập hàng, vì đây là lúc các loại rau củ và thịt được nhập về trung tâm TP.HCM. Bằng cách này, cô gái đảm bảo rằng nguyên liệu luôn tươi ngon và giá cả phải chăng. Nhiều hôm Lan phải đứng chờ đến 12 giờ đêm tại chợ chỉ để lấy đúng nguyên liệu mình muốn.
Bí quyết làm bánh giò của cô gái khá đơn giản. Đó là luôn tâm niệm phải làm mọi thứ thật “tươi mới”. Chẳng hạn, Lan thường mua thịt heo từ lò về tiệm rồi mới bắt đầu rửa sạch và tự xay thịt. Tất cả những khâu làm bánh đều rất kỹ càng từng bước.
Không chỉ làm theo bí quyết được mẹ hướng dẫn, cô gái này còn tham gia lớp bếp tại Trường hướng nghiệp Á Âu, thực tập và làm việc tại khách sạn Sheraton… để lấy thêm kinh nghiệm. Càng làm, Lan càng thấy công việc bếp là niềm đam mê chứ không đơn thuần chỉ sở thích muốn kinh doanh món ăn.
Mỗi ngày, Lan bán hơn 50 cái bánh giò (38.000 – 75.000 đồng/phần) cùng các món ăn khác và số lượng này dần tăng lên vào cuối năm. Doanh thu mỗi ngày khoảng 3 triệu đồng. Gần tết, có ngày doanh thu hơn 20 triệu đồng.
“Mùa dịch Covid-19, mình với mẹ mỗi ngày làm gần 200 bánh giò, hầu như thức trắng đêm. Nhưng mình rất vui vì nhận ra rằng dù có cản trở về phương tiện di chuyển, khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền để mua được những chiếc bánh giò do mình làm ra. Vào dịp tết, nhà mình năm nào cũng giao hơn 500 bánh chưng. Có nhiều hôm mình thức tới 3 giờ và dậy lúc 6 giờ sáng để giao kịp cho khách. Dù mệt nhưng công sức bỏ ra xứng đáng”, Lan kể.
Có chị khách ở tận tỉnh Bình Dương nhưng lần nào cũng đặt gần 200 bánh. Hay nhiều khách dù tiền ship cao hơn mua bánh nhưng họ vẫn đặt. Có nhiều khách quen từ ngày đầu mở tiệm, họ còn giới thiệu cho người khác nên Lan rất trân trọng.
Hiện tại, Lan rất vui với công việc bán bánh giò. Cô gái hài lòng với nghề mà mình chọn và con đường đang đi mang lại cho Lan hạnh phúc mỗi ngày. Cô gái trẻ đang quyết tâm chăm chỉ mỗi ngày để sớm có một tiệm ăn cho khách ngồi thưởng thức bánh giò thay vì chỉ đặt hàng online.
“Nhiều người hỏi mình cô vì sao bỏ học đi bán bánh giò. Nghe được câu này, mình không hề buồn vì tất cả đều là do mình lựa chọn. Chỉ giải thích ngắn gọn đây là nghề mà mình sẽ theo đuổi suốt đời. Mình không hề hối hận mà còn thấy tự hào. Mình biết ơn bố mẹ đã hỗ trợ, đặc biệt là mẹ, người truyền… lửa cho mình trong bếp”, Lan nói.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/cap-vdv-viet-nam-lot-top-50-doi-dancesport-the-gioi-lua-tuoi-trung-nien-20240902173515161.htm