Thành công hình thành từ tình yêu quê hương
Trần Thị Chi, 23 tuổi, cựu sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, gây ấn tượng với tác phẩm đồ án tốt nghiệp đại học “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận”.
Tác phẩm mang tâm huyết dành cho quê hương của Chi cũng vượt qua hơn 400 bài dự thi của 141 trường đại học trên thế giới để giành ngôi quán quân International Graduation Project Award (IGPA – giải thưởng đồ án tốt nghiệp quốc tế), hồi cuối tháng 12/2023.
Trước đó, Chi cũng được trao giải Nhì tại Loa Thành 2023 – cuộc thi dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên ngành xây dựng và kiến trúc cả nước.
Với danh hiệu quán quân IGPA, Trần Thị Chi được trao học bổng thạc sĩ toàn phần trong 2 năm tại Polytechnic Milan – đại học kỹ thuật lớn nhất nước Ý.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Chi cho biết cô sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Lagi, Bình Thuận. Vì thế, nắng, gió và biển đã gắn liền với tuổi thơ của Chi. Khi bắt tay làm đồ án tốt nghiệp, nữ sinh nghĩ ngay đến quê nhà. Ý tưởng về “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận” được nảy nở hồi tháng 9/2022. Và chủ đề “Bảo tàng Văn hóa biển” chính là gói ghém giấc mơ của cô từ nhỏ.
“Đồ án tốt nghiệp là “một thứ gì đó khá thiêng liêng” đối với sinh viên kiến trúc. Bởi đồ án không chỉ đơn thuần là bài báo cáo quá trình học tập của 5 năm ở giảng đường mà còn là cơ hội bày tỏ tình cảm cá nhân với những gì mình yêu mến. Em đã rất tâm huyết với đồ án của mình”, Trần Thị Chi bày tỏ.
Theo Chi, cả nước chưa có bảo tàng văn hóa biển nào. Đây có thể là nơi lưu giữ, trưng bày những vật thể gắn liền với truyền thống, lịch sử, văn hóa biển đảo, đồng thời tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Bảo tàng còn có thể là sản phẩm du lịch, thu hút du khách tham quan.
Trong ý tưởng của cô gái Bình Thuận, bảo tàng có 3 không gian chính: nơi lưu giữ và trưng bày các vật phẩm có giá trị; khán phòng trải nghiệm và biểu diễn; không gian ngoài trời.
Không gian nơi trưng bày được tạo hình dựa trên liên tưởng về đường cong mềm của con sóng, ụ cát… Chi thiết kế mái cong và dốc, tạo sự đồ sộ của khối mái.
Không gian trải nghiệm và biểu diễn được lấy ý tưởng từ khung phơi lưới đánh bắt cá của người dân ven biển. Cô nàng đã chọn phương án mái yên ngựa, cách điệu hình ảnh phơi lưới để bao trùm các hoạt động trải nghiệm bên dưới, tạo sự gần gũi.
Trong khu vực này đặc biệt nhất là khán phòng biểu diễn, tạo hình theo phương pháp đóng thuyền gỗ trên khung của ngư dân. Người vùng biển không dùng liên kết ghép mộng thường thấy trong công trình nhà gỗ dân gian, chỉ đóng khung đỡ thuyền theo cấu tạo gác thanh.
Với không gian ngoài trời, theo Chi, có thể tổ chức các nghi lễ như lễ rước Ông từ dọc bãi biển về dinh Ông, lễ hội đua thuyền. Chính vì thế, phần mái được thiết kế lớn, tạo bóng râm.
Chi cho biết thử thách lớn nhất là chọn vấn đề giải quyết trong đồ án. Bởi thực tế có nhiều câu chuyện khác nhau, chọn khía cạnh nào để giải quyết rất quan trọng, chi phối hướng đi và phương pháp làm việc.
Giai đoạn này, Chi đã in, cắt dán hình ảnh về nghề đi biển, ngư dân, làng chài khắp các bức tường trong phòng. Các hình ảnh này đã “sống” với cô suốt 8 tháng thực hiện đồ án.
Giám đốc Sở gửi thư khen và tạo cơ hội việc làm
Biết tin Chi nhận giải thưởng quốc tế và được tiếp cận với hình ảnh đồ án tốt nghiệp của cô, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận Phan Dương Cường đã gửi thư khen.
Trong thư, ông Cường đánh giá đồ án của Chi có nhiều ý tưởng được luận giải một cách mới mẻ, độc đáo, sáng tạo và có tính khả thi.
“Đồ án gắn liền với tuổi thơ, kỷ niệm, đời sống, ước mơ của một người con đầy hoài bão với quê hương, nên có sự nghiên cứu thấu đáo về thực trạng, bối cảnh cuộc sống của người dân vùng biển, giải quyết được các thách thức về đô thị hóa và phát triển công nghiệp xâm lấn, khiến di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một”, trích thư của ông Cường.
Ông cho hay Sở sẽ hỗ trợ, cung cấp tư liệu, thông tin để đồ án của Chi sớm được ứng dụng vào cuộc sống; đồng thời sẵn sàng tiếp nhận Chi sau khi tốt nghiệp.
Lãnh đạo sở cũng bày tỏ mong muốn sự hợp tác và đóng góp nhiều ý tưởng của Chi cho sự phát triển của tỉnh.
Theo Trường Đại học Văn Lang, đồ án “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận” của Chi, các giám khảo đánh giá là một dự án đầy cảm hứng với sự quan tâm sâu sắc về tác động của công trình đến với người dân bản địa.
Điểm đặc biệt đáng trân trọng là dự án không làm xáo trộn vẻ đẹp cảnh quan và vẫn gìn giữ nét bình dị vốn hữu của đời sống cư dân ven biển. Công trình đã sử dụng hình thức và không gian của bảo tàng như một công cụ nhằm chống lại quá trình đô thị hóa đang dần phá hủy những không gian, bản sắc văn hóa và di sản trong khu vực.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Bảo Tuấn, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, đánh giá đồ án tốt nghiệp đã thể hiện những nỗ lực, cố gắng trong học tập, nghiên cứu của Chi.
“Thiết kế có sự kết nối hài hòa giữa kiến trúc đương đại và văn hóa, truyền thống của cộng đồng địa phương vùng biển Lagi, Bình Thuận”, ông Tuấn nói.
Trần Thị Chi cho hay: “Em rất vui và tự hào với thành quả này. Các cơ hội đều quá lớn, vượt sự tưởng tượng của em”.
Với Chi, thành quả từ đồ án tốt nghiệp là minh chứng cho châm ngôn mà cô theo đuổi bấy lâu nay. Đó là, sáng tạo với tâm hồn của một đứa trẻ sẽ đưa bạn đi rất xa, đến bất kể nơi nào bạn muốn.
Chi nhớ lại 5 năm trước, trước khi thi tốt nghiệp THPT 2 tháng, cô vẫn chưa chọn được ngành học ở đại học.
“Kiến trúc đến với em như một cái duyên, bởi ở quê em – Lagi, Bình Thuận – khái niệm về “kiến trúc” thật mơ hồ. Sau đó, với sự góp ý của thầy giáo chủ nhiệm, em mới tò mò tìm hiểu và đăng ký tất cả các nguyện vọng thi kiến trúc”, Chi hồi tưởng.
Trần Thị Chi giành nhiều giải thưởng danh giá với đồ án tốt nghiệp đại học (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô gái bắt đầu học kiến trúc với nhiều sự ngỡ ngàng, vì nó quá khác so với tưởng tượng. Trong thời gian đầu học đại học, đôi lúc Chi đã phải nghĩ đến trường hợp chuyển ngành.
Phải sau năm 3, khi kết quả học tập tốt hơn, em mới tự tin hơn và biết rằng bản thân đang đi đúng hướng.
Tốt nghiệp cử nhân ngành Kiến trúc hồi cuối năm 2023, Chi đang làm việc tại một công ty để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Cô tạm gác lại cơ hội trở về Bình Thuận, lựa chọn tới Đại học Polytechnic Milan vào mùa thu tới.
“Em sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức để thiết kế tốt hơn. Hy vọng một ngày nào đó em có thể biến đồ án tốt nghiệp thành một công trình đẹp ngoài đời thực”, Trần Thị Chi chia sẻ.