Cổ đông DIG Corp chất vấn tính khả thi của kế hoạch lãi ngàn tỷ đồng
Sau covid, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng nhiều lần đặt kế hoạch kinh doanh cao nhưng kết quả thực hiện rất khiêm tốn. Cổ đông chất vấn về tính khả thi của kế hoạch, căn cứ đặt chỉ tiêu là gì mà đến nay các kế hoạch không đạt được?
Chiều 26/04, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG Corp – mã ck: DIG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại Vũng Tàu, dù có chương trình tặng quà tham dự đại hội cho cổ đông và dù thư mời bắt đầu đại hội từ 13h30 nhưng phải đến 16h30, ban tổ chức mới có thể thông báo Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành khi tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết dự họp (hình thức trực tiếp và trực tuyến) đạt 50,24%.
Năm 2024, DIG tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng rất mạnh so với thực hiện năm trước đó, doanh thu hợp nhất 2.300 tỷ đồng, tăng 72%, lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng, gấp 6 lần thực hiện 2023. Cổ tức 8-15% và kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng.
DIG có nhiều lần đặt kế hoạch kinh doanh cao nhưng kết quả thực hiện rất khiêm tốn nên cổ đông chất vấn về tính khả thi của kế hoạch, căn cứ đặt chỉ tiêu là gì mà đến nay các kế hoạch không đạt được?
Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng Giám đốc DIG cho biết, ban điều hành đã làm số liệu rất kỹ để bảo vệ trước HĐQT trước khi trình ĐHCĐ. Trong cơ cấu lợi nhuận dự kiến, khu đô thị Đại Phước đóng góp 881 tỷ đồng, Lam Hạ Center Point 129 tỷ đồng, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên 87 tỷ đồng, Vị Thanh 46 tỷ đồng, hai dự án nhỏ khác là Hiệp Phước và Vũng Tàu Gateway khoảng 20 tỷ đồng.
Trong quý I, DIG đã tháo gỡ cơ bản pháp lý các dự án được trình bày và chắc chắn rằng trong 6 tháng đầu năm sẽ hoàn thành, giúp chỉ tiêu lãi 1.000 tỷ năm nay đạt kế hoạch, theo ông Tín.
Tại đại hội, DIG trình kế hoạch phát hành 410 triệu cp để tăng vốn lên hơn 10.200 tỷ đồng, gồm chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ, 30 triệu cp ESOP, hơn 15,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023, hơn 15,2 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cổ đông thắc mắc, vì sao trong kế hoạch sử dụng vốn từ phát hành cổ phiếu năm nay không có dự án Long Tân? Ông Tín cho biết, DIG có kế hoạch phát hành trái phiếu và đã có sẵn nguồn vốn cho dự án Long Tân khoảng 1.500 tỷ đồng nên mục đích sử dụng vốn từ kế hoạch phát hành cổ phiếu không đưa dự án này vào.
Trong kế hoạch trình cổ đông, DIG dự kiến chi phí chỉ 1.300 tỷ đồng nên vẫn đủ nguồn vốn cho dự án Long Tân. Vốn từ phát hành cổ phiếu DIG ưu tiên cho dự án khác. Nhóm big4 ngân hàng cũng đã cam kết hỗ trợ cả chục nghìn tỷ đồng sau khi DIG sử dụng hết vốn sẵn có hiện tại cho pháp lý, giải phóng mặt bằng dự án Long Tân.
Về hoạt động tài chính, công ty đã được cấp tổng hạn mức vay 4.100 tỷ đồng (bao gồm hạn mức vay từ tổ chức tín dụng và trái phiếu), chuẩn bị nguồn vốn đầu tư các dự án: Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị du lịch Long Tân…”BIDV đã cam kết hỗ trợ DIG trong việc phát triển tất cả các dự án giai đoạn 2024 – 2028″, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín cho biết thêm.
Về thù lao cho HĐQT, ban điều hành, cổ đông cho rằng, công ty lãi tốt thì HDQT, BĐH xứng đáng được khen thưởng, năm 2023 phê duyệt thù lao hơn 5,2 tỷ và thực tế còn thừa 25 triệu đồng. Năm 2024 đề nghị tăng thêm 88 triệu đồng so với thực chi năm 2023, nhưng con số kế hoạch 2024 thì thấp hơn 2023. Nên chăng có sự rõ ràng cả về thưởng lẫn trách nhiệm, nếu không đạt kế hoạch.
con số này càng cao thì cổ đông càng mừng vì các anh làm lãi to, lãi nhiều, các anh xứng đáng được hưởng. Năm 2023, với chỉ tiêu đặt ra, ĐHĐCĐ đã đồng ý chi thù lao hơn 5,2 tỷ nhưng thực tế còn thừa 25 triệu. Phải chăng do điều hành không đạt kế hoạch nên các anh không nhận hay như thế nào (phân bổ chưa hết, có sự thay đổi…)?
Lãnh đạo DIG cho biết, thù lao của HĐQT, trên tinh thần chia sẻ gắn bó, 5 thành viên trong HĐQT, chúng tôi chỉ đặt ra mức thù lao khoảng 100 triệu/tháng, so với các đơn vị cùng ngành khác là 500-700 triệu, chúng tôi đặt ra mục tiêu gắn bó với DIG để chia sẻ. Nếu năm nay công ty vượt được chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng thì chúng tôi cũng sẽ trình Đại hội thưởng một phần nhỏ cho HĐQT, tạo động lực cho 5 thành viên hội đồng quản trị chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu năm nay.
Trong phần chia sẻ của mình tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIG, cho biết một trong những lĩnh vực ban điều hành quan tâm hiện nay là khu công nghiệp.
Sai lầm lớn của tôi là chỉ phát triển khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp, làm mất một khoản thu rất lớn. Bây giờ cơ hội đã đến và phải là khu công nghiệp sinh thái. Nếu không làm sẽ bị lạc hậu, doanh thu tụt lùi. Tất cả đô thị bây giờ cũng được định hướng phát triển như vậy, ông Tuấn nói.
Hiện tại, DIG đang quan tâm đến 4 khu đất để phát triển khu công nghiệp gồm: Khu Châu Đức II quy mô 1.000ha (có 400ha là đất đô thị) đã thỏa thuận được với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; khu Phạm Văn Hai 270ha đang xin làm chủ đầu tư; KCN Hàng Gòn ở cuối cao tốc Long Thành – Dầu Giây có 400ha đất trồng cây cao su; KCN Long Sơn liên doanh với đối tác và DIG có thể sở hữu 30%.
Ông Tuấn nhấn mạnh việc tập trung làm KCN sinh thái để có thể tăng giá thuê lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Bên cạnh đó, DIG có kế hoạch bán hết phần sở hữu còn lại ở khách sạn Pullman, bù lại sẽ phát triển hai khách sạn ở đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu (trước đây là nhà nghỉ cán bộ nhân viên); đồng thời, DIG sẽ mua thêm một khu đất phát triển thêm 6 block khách sạn (cao nhất 32 tầng, thấp nhất 25 tầng) thuộc khu Chí Linh.
DIG cũng có kế hoạch mua lại một sân golf ở Vũng Tàu, trong đó có 6ha đất làm khách sạn 5 sao. “Nhiều năm sau chúng ta sẽ có khu du lịch đẹp nhất Vũng Tàu”, ông Tuấn nói.
Vừa qua, DIG thành lập công ty để quản lý sân golf, đơn vị này có thể do người nước ngoài (Hàn Quốc hoặc Nhật Bản) điều hành. Theo tính toán, DIG có khoảng 20 địa điểm trên cả nước có thể làm sân golf, trong đó khu đất ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã đền bù được phần lớn diện tích.
Ông Tuấn cũng cho biết, DIG xác định hai khu vực trọng tâm trong tương lai gồm xây dựng hai thành phố ở Nam Thanh Hoá và Vũng Tàu vì đều có bờ biển dài, và với định hướng hai thành phố này trở thành thành phố y tế, nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu lao động Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sinh sống ở Việt Nam khi về già. Hàng ngàn người cần việc làm và xác định sống ở Việt Nam 10-20 năm.
“Chúng tôi đã có hơn 10 phiên làm việc với Nhật Bản, Hàn Quốc và đối tác cho biết sẽ tài trợ làm hai bệnh viện ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam”, ông Tuấn nói. Công ty đang thực hiện đề án gồm: làm việc với các bên đối tác nước ngoài triển khai 2 bệnh viện liên danh với Nhật, hợp tác với hội y tế Nhật Bản trong việc tài trợ và hướng tới việc đầu tư hai hệ thống máy móc về tầm soát ung thư, xạ trị.